Thứ 4, 20/11/2024, 10:26[GMT+7]

UBND tỉnh họp nghe báo cáo về chương trình phát triển đô thị tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2021-2030

Thứ 3, 27/09/2022 | 19:31:25
10,691 lượt xem
Chiều ngày 27/9, UBND tỉnh họp nghe Sở Xây dựng báo cáo về chương trình phát triển đô thị tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2021-2030. Đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Dự cuộc họp có đồng chí Vũ Kim Cứ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương.

Đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp.

Tỉnh Thái Bình gồm 12 đô thị, trong đó: 1 đô thị loại II là thành phố Thái Bình; 1 đô thị đã được công nhận đạt tiêu chí đô thị loại IV là thị trấn Diêm Điền; 6 đô thị loại V là đô thị thị trấn, huyện lỵ gồm: Vũ Thư, Đông Hưng, Hưng Hà, Quỳnh Côi, Kiến Xương và Tiền Hải; 4 đô thị khác là trung tâm kinh tế văn hóa gồm An Bài (Quỳnh Phụ), Hưng Nhân (Hưng Hà), Vũ Quý (Kiến Xương) và Thái Ninh (Thái Thụy). Ngoài ra, hệ thống đô thị tỉnh Thái Bình còn có thể phân thành các vùng: vùng đô thị, vùng kinh tế biển, vùng liên kết phát triển ngoại biên, vùng kinh tế động lực thứ cấp.

Theo số liệu thống kê tỉnh Thái Bình năm 2020, tổng dân số đô thị trên địa bàn tỉnh là 379.996 người, chiếm 20,26% tổng dân số toàn tỉnh; tỷ lệ đô thị hóa thấp hơn mức trung bình chung cả nước (khoảng 40%); tỷ lệ đô thị hóa giữa các huyện, thành phố khá khác nhau, tỷ lệ cao nhất là thành phố Thái Bình, thấp nhất là huyện Đông Hưng.

Đồng chí Vũ Kim Cứ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại cuộc họp.

Lãnh đạo Sở Xây dựng phát biểu tại cuộc họp.

Hệ thống đô thị tỉnh Thái Bình còn một số tồn tại, hạn chế về định hướng đô thị; hệ thống quy hoạch đô thị đều đã được lập, tuy nhiên trên thực tế, một số đồ án xuất hiện nhiều bất cập do xu hướng phát triển đô thị thay đổi, thời điểm lập đồ án đã khá lâu; hạ tầng kỹ thuật đã được quan tâm đầu tư xây dựng, tuy nhiên mật độ đường giao thông mới chỉ ở mức trung bình, các tuyến đường có mặt cắt ngang nhỏ từ 1-2 làn xe vẫn chiếm tỷ lệ cao; tốc độ phát triển kinh tế tại khu vực đô thị chưa tương xứng với vị thế tiềm năng tại địa phương; công tác đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh và các đô thị vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nguồn lực thực hiện chưa đáp ứng được yêu cầu…

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh còn thấp hơn mức trung bình chung cả nước và khu vực đồng bằng sông Hồng; việc phát triển các đô thị trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập, do đó việc xây dựng chương trình phát triển đô thị tỉnh Thái Bình sẽ là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước xác định, kiểm soát các dự án đầu tư xây dựng phát triển đô thị, nâng cao chất lượng đô thị, thu hút các dự án đầu tư… Căn cứ vào ý kiến tham gia của các sở, ngành, địa phương, Sở Xây dựng cần tiếp thu, điều chỉnh để bổ sung, hoàn thiện Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030 nhằm mục tiêu nâng tỷ lệ đô thị hóa; các sở, ngành cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng mức độ khả thi của các phương án, cân nhắc, lựa chọn các phương án xây dựng các khu đô thị tại các địa phương theo các giai đoạn và đưa ra lộ trình phù hợp để phát triển đô thị bảo đảm phù hợp với các quy hoạch khác có liên quan.

Các địa phương rà soát lại quy hoạch đô thị, lồng ghép xây dựng phát triển nhà ở phù hợp với kế hoạch trung hạn; tập trung thu hút các nhà đầu tư có năng lực, xây dựng hệ thống trục giao thông kết nối, bảo đảm cơ chế chính sách thông thoáng hỗ trợ các nhà đầu tư…

Nguyễn Thơi