Thứ 7, 23/11/2024, 12:48[GMT+7]

“Đòn bẩy” thoát nghèo

Thứ 2, 03/10/2022 | 06:29:16
2,150 lượt xem
Thời gian qua, nhiều phụ nữ trên địa bàn huyện Đông Hưng đã mạnh dạn đưa nghề về quê giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho gia đình và lao động địa phương. Chính họ đã tạo “đòn bẩy” để gia đình và các chị em khác cùng vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Nhờ phát triển nghề mây tre đan, chị Lê Thị Huyến, xã Minh Phú đã trở thành điển hình làm kinh tế giỏi của huyện.

Nhiều năm gắn bó với ruộng vườn nhưng cuộc sống gia đình vẫn thường trong cảnh “thiếu trước, hụt sau”, chị Hà Thị Thoan, xã Đông Hợp trăn trở tìm hướng đi mới để thoát cảnh nghèo. Năm 2016, chị Thoan lên Hoài Đức (Hà Nội) học nghề làm bánh kẹo, rồi về huy động 700 triệu đồng đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua máy móc để sản xuất bánh kẹo. Đến nay, cơ sở đã tự động hóa tới 60% các công đoạn sản xuất bánh kẹo, giúp giảm chi phí, tăng số lượng cũng như chất lượng sản phẩm. Chị Thoan chia sẻ: Cơ sở sản xuất bánh kẹo Minh Thoan của tôi đang giải quyết việc làm cho 10 lao động địa phương, chủ yếu là phụ nữ cao tuổi, phụ nữ có con nhỏ không thể đi làm ở công ty. Bình quân mỗi tháng cơ sở sản xuất 15 - 20 tấn kẹo lạc, kẹo dồi, bánh cáy, có 25 nhà phân phối đang tiêu thụ bánh kẹo cho cơ sở trên toàn quốc. Doanh thu của cơ sở đạt trên 2 tỷ đồng/năm. Cầm trên tay 4 triệu đồng tiền lương chị Thoan vừa trả, bà Đoàn Thị Mậu, xã Đông Hợp niềm nở: Từ ngày chị Thoan đưa nghề về quê, chúng tôi vui lắm vì già rồi nhưng vẫn có việc làm. Ở đây việc nhẹ mà lương cũng khá, nhờ đó cuộc sống của tôi và mọi người làm ở đây đều tốt hơn trước.

Dù đang làm công nhân tại một công ty ở thành phố Thái Bình, song nhận thấy số lao động quá tuổi không thể đi làm ở công ty và lao động nông nhàn trong xã nhiều, chị Lương Thị Thúy, xã Đông Vinh đã có quyết định táo bạo. Những ngày nghỉ cuối tuần, chị sang Hưng Yên học nghề đan làn nhựa, làn tre rồi về vận động các chị em trong xã cùng tham gia làm nghề. Ban đầu chỉ có 9 chị tham gia, đến nay đã tăng lên 20 người làm thường xuyên và trên 30 người làm thời vụ. Vừa làm việc nhà vừa tranh thủ làm nghề nhưng mỗi chị vẫn có nguồn thu 80.000 - 100.000 đồng/ngày. Đây chính là “cần câu” giúp chị em đưa gia đình thoát nghèo, vì vậy cứ lúc nào rảnh, kể cả tối các chị cũng tranh thủ đan làn. Chị Thúy cho biết: Để du nhập, phát triển nghề, vợ chồng tôi phải đặt cọc 500 triệu đồng với công ty bên Hưng Yên mới lấy được nguyên liệu về cho mọi người làm. Tận dụng ngày chủ nhật được nghỉ làm ở công ty, tranh thủ các buổi tối tôi tới từng nhà hướng dẫn kỹ thuật đan cho chị em và kiểm tra hàng nhằm nâng cao tay nghề cũng như chất lượng sản phẩm. Người phụ nữ nhỏ bé ấy lúc nào cũng như con thoi, cả tuần không có ngày nghỉ nhưng luôn vui vẻ bởi chị đã thực hiện được mục đích chính khi nỗ lực du nhập nghề về quê là tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các chị em để cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc.

Gia cảnh bố mẹ hai bên đều khó khăn, vì vậy vợ chồng chị Trần Thị Dịu, xã Đông La phải lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Không thể quẩn quanh với vài sào ruộng khoán, càng không cam chịu đói nghèo, chị Dịu đã vượt ra khỏi lũy tre làng để đi học làm giấy tiền, trở thành người đầu tiên đưa nghề làm giấy tiền về quê. Chị Dịu chia sẻ: Tôi đã dùng hết số tiền dành dụm và vốn được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tín chấp với ngân hàng cho vay mở cơ sở làm giấy tiền trên diện tích 300m2. Lúc đầu ít vốn, việc làm nghề hoàn toàn là thủ công, sau một thời gian làm ăn có lãi, tôi tiếp tục đầu tư mua máy in, máy gấp giấy tiền để làm ra nhiều sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường. Khi mới mở cơ sở chỉ có 10 chị làm thì nay đã tăng lên 25 người, thu nhập trung bình hàng tháng là 4,5 - 6 triệu đồng/người. Sản phẩm của cơ sở tiêu thụ nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Từ hộ nghèo của xã, nay chị Dịu đã trở thành bà chủ của cơ sở làm giấy tiền có nguồn thu hàng trăm triệu đồng/năm.

Theo chị Vũ Thị Thuần, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đông Hưng, hàng năm các cơ sở hội chủ động phối hợp với các tổ chức liên quan, nữ chủ cơ sở sản xuất tổ chức hàng chục lớp dạy nghề cho hàng chục nghìn chị em có nhu cầu. Các chị em sau học đều làm và phát triển nghề tốt, có thu nhập ổn định cải thiện đời sống. Ngoài ra, Huyện hội còn chỉ đạo thành lập tổ hợp tác đan ró cói xã Đông Phương, tổ hợp tác gấp giấy tiền xã Phú Châu, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông nhàn ở địa phương. Các cấp hội còn làm tốt công tác tín chấp với ngân hàng giúp chị em vay vốn đầu tư phát triển nghề, số dư hiện lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Nếu như trước đây, Đông Hưng là một trong những địa phương có nhiều lao động nữ rời quê đi làm ăn xa thì những năm gần đây nhờ công tác đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp, giải quyết việc làm theo mô hình “ly nông bất ly hương” của các địa phương, đặc biệt là những mô hình giải quyết việc làm bằng cách đưa nghề về quê như của chị Thoan, chị Thúy, chị Dịu... được coi là “đòn bẩy” cho chị em, nhất là chị em vùng nông thôn có cơ hội phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống, khẳng định vai trò, vị thế trong gia đình và xã hội.

Cơ sở sản xuất bánh kẹo Minh Thoan của chị Hà Thị Thoan (áo vàng) xã Đông Hợp có doanh thu trên 2 tỷ đồng/năm.


Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày