Thứ 7, 23/11/2024, 21:19[GMT+7]

Hà Nam: Tăng cường đối thoại - Cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân

Thứ 5, 06/10/2022 | 11:02:44
1,445 lượt xem
Thực hiện quy định Đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân là dịp để cấp ủy, chính quyền trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những ý kiến, kiến nghị của nhân dân về các cơ chế, chính sách, những vấn đề còn bất cập, nảy sinh trong quá trình tổ chức thực hiện từ cơ sở... Qua đó, nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ, phát huy và mở rộng quyền làm chủ của nhân dân, là cầu nối giữa đảng, chính quyền với nhân dân.

Đại diện nhân dân thị trấn Ba Sao (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) nêu ý kiến tại hội nghị đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền.

Thực hiện các văn bản chỉ đạo đến nay, cả 10 huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tỉnh ủy Hà Nam đã ban hành các quy định, hướng dẫn về hoạt động đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền để tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, phù hợp nhiệm vụ và tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị.

Hằng năm, việc tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân được đưa vào chương trình công tác của cấp ủy, chính quyền các cấp, trong đó xác định rõ thời gian, địa điểm, nội dung, đối tượng đối thoại. Đây được coi là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Chọn đúng, trúng vấn đề đối thoại

Với tinh thần đối thoại dân chủ, cởi mở, thẳng thắn, xây dựng, hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh với cán bộ, đảng viên và nhân dân thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng đã có 18 ý kiến trao đổi, phản ánh, kiến nghị của cán bộ, đảng viên và nhân dân thị trấn.

Các ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề: Bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất thực hiện một số dự án trên địa bàn thị trấn; công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nhất là đối với lao động diện thu hồi đất; xây dựng thiết chế văn hóa; ô nhiễm môi trường…

Đây là những ý kiến, kiến nghị, đề xuất, trao đổi đóng góp rất tâm huyết và sát với thực tế cuộc sống hằng ngày của cán bộ, đảng viên và nhân dân thị trấn Ba Sao.

Ông Trần Xuân Nghị, tổ dân phố số 7, thị trấn Ba Sao bày tỏ sự phấn khởi, vui mừng khi người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tỉnh và các cấp, ngành quan tâm tổ chức đối thoại để nhân dân được đưa ra ý kiến, tâm tư, nguyện vọng. Về cơ bản, các vấn đề mà nhân dân phản ánh, nêu ra tại buổi đối thoại đã được đồng chí Trương Quốc Huy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cùng các đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành trực tiếp trao đổi, trả lời đầy đủ.

Đồng thời, đồng chí Trương Quốc Huy chỉ đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện Kim Bảng thực hiện nghiêm túc những vấn đề đã trao đổi, thống nhất trong buổi đối thoại, nhất là vấn đề liên quan giải phóng mặt bằng phải tập trung xem xét, giải quyết kịp thời, thấu tình, đạt lý, đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, bảo đảm quyền lợi và lợi ích hợp pháp của nhân dân.

“Để buổi tiếp xúc, đối thoại đạt hiệu quả, trước khi tiến hành, thị trấn Ba Sao đã rà soát, chuẩn bị nội dung đối thoại và thông báo đến nhân dân rõ thời gian, chủ động chuẩn bị nội dung tham gia đối thoại. Đây là cơ hội để chúng tôi nâng cao vai trò lãnh đạo, quản lý và được gần dân, hiểu dân hơn”, đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư Đảng ủy thị trấn Ba Sao cho biết.

Nhờ có sự lựa chọn và chuẩn bị tốt các nội dung, hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu huyện Thanh Liêm với nhân dân thị trấn Tân Thanh vừa qua cũng đã ghi nhận nhiều ý kiến phát biểu của người dân phản ánh một số bất cập tại địa phương đến các đồng chí đứng đầu huyện.

Trong đó, nhân dân kiến nghị chính quyền địa phương có biện pháp khắc phục tình trạng xe tải vận chuyển làm rơi vãi đất, đá ảnh hưởng đến giao thông nông thôn và môi trường, đặc biệt là khu vực Kẽm Nghè; quan tâm nâng mức hỗ trợ, xây mới và sửa chữa nhà văn hóa thôn sau sáp nhập.

Đề nghị huyện có chủ trương cải tạo hồ nước khoảng 5.000m² ở xóm giữa Non. Khi xây dựng các công trình cần thiết kế hệ thống thoát nước cho phù hợp dân cư hiện trạng. Có chính sách hỗ trợ đối với những hộ bị thu hồi hết diện tích đất nông nghiệp… Ông Đỗ Văn Thiếp, người dân thị trấn Tân Thanh bày tỏ: Nhờ những cuộc tiếp xúc, đối thoại với tinh thần cởi mở, thẳng thắn và trách nhiệm mà nhiều vụ việc bức xúc của người dân đã được giải quyết, tránh được khiếu kiện kéo dài.

Khai thông điểm nghẽn

Thực tế, đối thoại vừa là lắng nghe, nhưng đồng thời là trả lời, giải đáp và giải quyết những ý kiến, kiến nghị của người dân nhằm tháo gỡ vướng mắc giải quyết ngay từ cơ sở, tạo đồng thuận trong nhân dân.

Xã Tràng An, huyện Bình Lục, nơi có nhiều dự án của tỉnh, của huyện được triển khai trên địa bàn, nên công tác giải phóng mặt bằng đang được huyện triển khai thực hiện.

Trong không khí đối thoại dân chủ, cởi mở và xây dựng, tại hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Tràng An đã có hơn 10 ý kiến, tập trung vào một số vấn đề: Quy hoạch phát triển Khu đô thị chợ Sông; hỗ trợ kinh phí mở rộng giao thông nông thôn; quy hoạch phát triển các tuyến đường giao thông nông thôn và quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn xã; thực hiện chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng; chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động ở độ tuổi trung niên; đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, trong đó có 12 hộ đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước tại dự án tái định cư sau nhiều năm chưa được cấp giấy quyền sử dụng đất...

Là người đứng đầu cấp ủy huyện, chủ trì cuộc đối thoại, đồng chí Lê Xuân Huy, Bí thư Huyện ủy Bình Lục cho biết: Với tinh thần cầu thị, cởi mở, chúng tôi đã nghiêm túc tiếp thu, giải đáp và chỉ đạo đại diện cơ quan chuyên môn của huyện trực tiếp trả lời đầy đủ những kiến nghị, đề xuất của nhân dân ngay tại buổi đối thoại.

Đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền, liên quan cơ chế, chính sách chung của tỉnh, của Trung ương, chúng tôi tiếp thu đề xuất, kiến nghị với tỉnh và các cơ quan cấp trên có trách nhiệm nghiên cứu xây dựng, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp. “Qua đối thoại trực tiếp, cấp ủy, chính quyền huyện, xã có thêm căn cứ đánh giá, rút kinh nghiệm, nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương”, Bí thư Huyện ủy Bình Lục nhấn mạnh.

Tạo sự đồng thuận

Với phương châm “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, “hướng về cơ sở, lắng nghe, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân”, thời gian qua, tỉnh Hà Nam đã quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Hướng dẫn số 09-HD/TU ngày 12/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân”.

Mục tiêu là làm tốt công tác nắm tâm tư, nguyện vọng, dự báo tình hình, từ đó lựa chọn đúng, trúng vấn đề đối thoại theo nhu cầu chính đáng của nhân dân, tập trung giải quyết những vấn đề nổi cộm được dư luận xã hội quan tâm; tại các địa bàn phức tạp, nhất là những vấn đề mới, khó.

Đánh giá về vấn đề này, đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Nam khẳng định: “Đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân” là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, công tác quản lý, điều hành của chính quyền; là tiêu chí đánh giá chất lượng cấp ủy, chính quyền, đánh giá cán bộ, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.

Lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời, triệt để các kiến nghị, đề xuất của nhân dân phải được coi là nội dung có ý nghĩa quyết định thành công của đối thoại. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng các sở, ban, ngành trong tỉnh tiếp tục tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân; lắng nghe, tiếp thu những ý kiến, kiến nghị và nguyện vọng chính đáng của nhân dân và có những giải pháp cụ thể để xử lý, giải quyết kịp thời; tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

Qua đối thoại phải nắm chắc những vấn đề mới phát sinh, chưa phù hợp thực tiễn để chỉ đạo nghiên cứu, điều chỉnh những cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền và kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở địa phương.

Qua bảy năm triển khai thực hiện, hoạt động tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã đi vào nền nếp, thiết thực và hiệu quả.

Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 594 cuộc tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở với nhân dân. Nội dung các cuộc tiếp xúc, đối thoại được thực hiện toàn diện trên tất cả các lĩnh vực như: Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị; chuyển dịch cơ cấu kinh tế; vấn đề phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch; nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; giải phóng mặt bằng triển khai các dự án phát triển kinh tế-xã hội...

Tại buổi tiếp xúc, đối thoại, các ý kiến phản ánh, kiến nghị của nhân dân được thủ trưởng các cơ quan liên quan và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trực tiếp trả lời đầy đủ, trách nhiệm, trọng tâm, trọng điểm, thấu tình, đạt lý, cơ bản được nhân dân đồng tình và đánh giá cao là diễn đàn nhân dân, phát huy trực tiếp quyền làm chủ của nhân dân…

Theo nhandan.vn