Thứ 6, 15/11/2024, 19:38[GMT+7]

Sự tích Thánh tổ chùa Keo

Thứ 5, 06/10/2022 | 18:33:11
28,475 lượt xem
So với các tôn giáo đã hoặc đang lưu hành ở Việt Nam thì đạo Phật có lịch sử vào loại sớm nhất. Vào thế kỷ X nhiều làng xã thuộc vùng duyên hải Bắc Bộ đã có những ngôi chùa được dựng lên. Vào thuở ấy, các nhà hành đạo thường can dự vào chính sự. Lý Công Uẩn lên ngôi có vai trò đạo diễn của sư Vạn Hạnh và nhà Lý đã lấy đạo Phật làm quốc đạo. Hầu hết các vị quốc tăng triều Lý vừa hành đạo vừa tham gia chính sự. Chính vì hành trạng đạo với đời như thế nên đời sau, việc phụng thờ các vị ở nhiều đền, chùa vẫn theo tâm thức Phật - Thánh đồng tông. Thiền sư - Đức Thánh Tổ là một trong những hiện tượng này.

Du thuyền hát hội tại lễ hội chùa Keo. Ảnh: HD

Theo các nguồn sử liệu cho biết, Thánh tổ chùa Keo họ Dương, húy Minh Nghiêm, hiệu Không Lộ, quê làng Giao Thủy, phủ Hải Thanh (Nam Định), đời nối đời làm nghề đánh cá. Mẹ của Không Lộ là người họ Nguyễn quê ở ấp Hán Lý, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Không Lộ sinh ngày 11 tháng 9 năm Bính Thìn, niên hiệu Thuận Thiên thứ 7 (1016) tại quê mẹ.

Cũng cần phải thấy rằng, xưa và nay hầu như các cuốn sách viết về Phật giáo ở Việt Nam chưa phân biệt một cách rạch ròi, thấu đáo những sự tích về thân thế, hành trạng, nhất là những huyền thoại, truyền thuyết về hai vị quốc sư thời Lý là Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không. Các thần tích, thần phả có liên quan như: thần phả đền La Vân thờ Minh Không; đền Lộng Khê thờ Dương Không Lộ; đền, chùa Lại Trì thờ Minh Không; chùa Keo thờ Không Lộ… thì sự phân biệt cũng trong tình trạng không mấy rõ ràng. Có lẽ, chính vì hiện tượng này mà xưa nay trong tâm thức dân gian thường quan niệm hai vị này là một và đều được truyền tụng, tôn xưng chung là Khổng Minh Không, là Không Lộ, là ông Khổng Lồ…

Về xuất xứ, hành trạng của thiền sư Minh Không, cho đến nay nhiều nguồn tư liệu còn chưa thống nhất. Tổng hợp các tài liệu liên quan, có thể tìm ra thông tin tương đối chung là vị thiền sư này họ Nguyễn, húy Chí Thành, hiệu Minh Không. Bố mẹ làm nghề đánh cá. Quê làng Đàm Xá, huyện Gia Viễn (Ninh Bình). Có sách chép Minh Không quê làng Lại Trì, phủ Kiến Xương. Lại Trì là nơi Minh Không tu hành và theo truyền thuyết thì đây là nơi sinh của ông. Sách Minh Không thánh tổ thực lục cho biết: "Khi mang thai, thân mẫu của Minh Không vẫn cùng chồng lênh đênh trên thuyền đi đánh cá…Đến làng Lại Trì thì trở dạ, sinh con trai, đặt tên là Chí Thành. Từ đó họ Nguyễn lập một ngôi nhà cỏ tại đây và bà Nguyễn lên bờ nuôi con…". Nếu xét về tôn thiền thì Dương Không Lộ thuộc tổ hệ thứ 9 dòng Vô Ngôn Thông, được phong Quốc sư đời Lý Thánh Tông, Minh Không thuộc tổ hệ thứ 13 dòng Tì ni đa lưu chi, được phong Quốc sư đời Lý Thần Tông (1128 - 1138). Như vậy, Nguyễn Minh Không phải sinh sau Dương Không Lộ chí ít là hơn 50 năm.

Tại nhiều làng xã thuộc các tỉnh duyên hải Bắc Bộ còn lưu truyền những sự tích, những huyền thoại, khó  có thể bóc tách được đâu là sự tích, huyền thoại nói về Minh Không, đâu là sự tích, huyền thoại nói về Không Lộ. Ví dụ: ở các xã Vũ An, Vũ Quý, Bình Nguyên (Kiến Xương) còn dấu tích những phiến đá lớn, có phiến mang hình chiếc giày, có phiến còn cả vết chân, vết tay khổng lồ. Phiến đá  có vết tay, vết chân khổng lồ và vết đòn xuyên qua, tương truyền là  ông Khổng Lồ gánh hai tảng đá đi chắn ngang sông để đơm đó, qua làng Động Trung đã đánh rơi. Hiện phiến đá đã được đưa về trước gác chuông chùa Hanh Cù (xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương), kèm theo lời chú dẫn bằng chữ quốc ngữ khắc trên bia: "Phiến đá tương truyền của Dương Không Lộ sử dụng vào thời Lý"…

Tình trạng dân gian xưa nay vẫn quan niệm hai vị Không Lộ và Minh Không là một, có lẽ do sử sách ghi chép và truyền thuyết lưu truyền về xuất xứ, hành trạng của hai vị thiền sư này có nhiều nét na ná như nhau. Ví dụ: hai vị đều xuất thân từ nghề đánh cá. Đều không sinh ở quê. Khi nhập chốn thiền môn đều đi Tây Trúc tầm sư học đạo. Khi tu hành đắc đạo đều có phép thần thông biến hóa và cả hai đều là quốc sư thời Lý. Ở các đền, chùa thờ Dương Không Lộ hoặc thờ Nguyễn Minh Không đều thấy có bức đại tự “Lý triều quốc sư” treo ở chính điện…

Đương nhiên, cũng có thể nhận thấy trong tâm thức dân gian, sự nhạt nhòa ranh giới về những sự tích, những huyền thoại về hai vị thiền sư Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không là không phải hoàn toàn tuyệt đối. Với Minh Không, những huyền thoại mang tính phép thuật, thần thông biến hóa, đi mây về gió dường như đậm nét hơn. Ví dụ: chuyện Minh Không sang nước Tống lấy cả kho đồng bỏ vào túi vải, ngả nón làm thuyền đưa về đúc chuông, đúc tượng; chuyện chữa bệnh hóa hổ cho vua Lý Thần Tông; chuyện nhổ nước bọt thành bèo hoa dâu cho làng La Vân (Thái Bình)…Còn đối với những truyền thuyết, những huyền thoại về Không Lộ dường như gần gũi hơn với những sự kiện lịch sử diễn ra vào triều Lý.

Sau khi giành được vương quyền các vua đầu triều Lý đã chăm lo củng cố, phát triển kinh tế đất nước và chú trọng chính sách khuyến nông. Dương Không Lộ với cương vị quốc sư, không chỉ tham gia cùng triều thần việc hoạch định chính sách khuyến nông mà còn trực tiếp cùng các sư sãi tập hợp nhân dân triển khai các công trình trị thủy, khẩn hoang, khai phá vùng duyên hải Bắc Bộ. Đến nay, nhân gian còn lưu truyền khá nhiều giai thoại về chuyện Không Lộ cùng nhân dân tham gia các công trình đào sông, đắp đê dưới thời Lý.

Cũng vào thời Lý, nhiều công trình tôn giáo, cả Phật giáo và Đạo giáo đã được xây dựng khá nguy nga ở vùng duyên hải Bắc Bộ. Chùa Lộng Khê (Quỳnh Phụ) nơi Không Lộ khai sơn là một ngôi chùa cổ. Ngôi chùa này sau được tôn tạo khá hoành tráng, liên hoàn trong quần thể đền, chùa thờ thiền sư Không Lộ, tượng ngài được đặt ở ban thờ liệt tổ. Theo định lệ cổ truyền, hội làng Lộng Khê hàng năm vẫn duy trì tục đốt cây đình liệu được kết bằng hàng tấn nứa khô, khi đốt lên thành một ngọn đuốc khổng lồ. Tục này được giải mã từ sự tích Dương Không Lộ là người có công xây dựng và là bậc khai sơn chùa Lộng Khê. Khi chùa đã được xây dựng khang trang, ngài lại đi lập sơn môn khác. Vì không muốn để dân làng quyến luyến nên đang đêm ngài biến mất. Vì nhớ thương ngài nên dân làng đã đốt cây đình liệu, châm đuốc đi tìm…

Với Lộng Khê, tình cảm và lòng sùng ái của nhân gian với thiền sư Không Lộ là thế, còn với dân làng Keo (Giao Thủy, Nam Định) và làng Keo (Vũ Thư, Thái Bình), chắc hẳn còn nồng nàn, sâu nặng hơn nhiều. Riêng với chùa Keo Thái Bình, nơi thờ Thánh tổ Không Lộ đã được xây dựng nguy nga tráng lệ, người xưa thường ví là "cõi Tây Trúc trong chốn tùng lâm", có hàng trăm tòa rộng dãy dài, có tháp chuông kỳ vĩ vào bậc nhất của nước Nam, còn lưu truyền vô kể những sự tích, truyền thuyết, huyền thoại về Không Lộ. Lệ từ cổ xưa, hai làng Keo đối ngạn sông Hồng đều mở hội xuân vào ngày 4 tháng giêng và hội chính vào trung tuần tháng chín với nhiều sự lệ, nhiều trò chơi, trò diễn, trò đua tài thi khéo có liên quan đến việc mô phỏng lại cuộc đời và hành trạng của thiền sư Không Lộ. Trong rất nhiều nghi thức, trò diễn ở hội chùa Keo Thái Bình còn được duy trì đến ngày nay có thể kể đến những nghi thức trong đám rước khổng lồ với hàng trăm người tham gia, trong đó có tục múa rối với quân rối dây mang tên Bà Chàng, tay vẫy gọi thiền sư, diễn tả sự tích Bà Chàng theo Không Lộ lên trời bán cá, vì mải vui say cảnh thần tiên nên quên lối về. Hôm sau Không Lộ lại lên trời, Bà Chàng trông thấy mừng quá vẫy tay theo về. Tục đua trải trên sông Hồng, tục múa Ếch vồ, múa Chèo trải cạn được duy trì trong hội chùa Keo chính là sự mô phỏng về cuộc đời và hành trạng của thiền sư Không Lộ…

Trong tâm thức dân gian, Dương Không Lộ vừa là thiền sư, vừa là thánh tổ, vừa là đấng tối linh, tối thiêng, vừa gần gũi ân tình. Phép màu nhiệm mà đạo và đời đã dành cho ông trường tồn trong nhân gian là thế.


 Nguyễn Thanh
(Vũ Quý, Kiến  Xương)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày