Thứ 3, 26/11/2024, 01:50[GMT+7]

Chủ động bảo đảm an toàn vùng bối trong mùa mưa bão

Thứ 4, 12/10/2022 | 08:31:21
875 lượt xem
Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, khí hậu trong mùa mưa bão năm nay, ngành chức năng và các địa phương đang tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp, sẵn sàng phương án bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho người dân vùng bối.

Xã Vũ Vân (Vũ Thư) thường xuyên kiểm tra tuyến đê bối để kịp thời phát hiện, báo cáo xử lý các sự cố.

Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 33 bối, trong đó có 17 bối có dân với trên 167 nghìn khẩu sinh sống trên diện tích khoảng 7.000ha. Sản xuất nông nghiệp tại các vùng bối phát triển theo hướng hàng hóa đem lại giá trị kinh tế cao với nghề trồng các loại hoa, rau màu... cung cấp cho thị trường.

Vùng bối xã Vũ Vân (Vũ Thư) có diện tích đất chuyên trồng rau màu trên 100ha, cho giá trị thu nhập trung bình khoảng 300 triệu đồng/ha/năm, được coi là vùng trồng trọt trọng điểm của xã. Đặc biệt, lĩnh vực nuôi thủy sản ở vùng bối đang được người dân đầu tư phát triển mạnh nhằm khai thác lợi thế mặt nước. Ngoài sông Hồng, người dân phát triển trên 30ha nuôi thủy sản cho sản lượng hàng trăm tấn mỗi năm, trong đó chủ yếu là những loại cá đặc sản cho giá trị kinh tế cao như cá lăng, cá trắm, cá chép giòn... Giá trị sản xuất trên diện tích canh tác khu vực ngoài đê hiện cao gấp 1,5 - 3 lần so với khu vực nội đồng.

Ông Bùi Đình Bằng, Chủ tịch UBND xã Vũ Vân cho biết: Do biến đổi khí hậu nên thiên tai, bão lũ xảy ra bất thường, rất khó lường, xã xác định việc bảo đảm an toàn cho người dân vùng bối là nhiệm vụ quan trọng số một trong mùa mưa bão. Bên cạnh việc chủ động xây dựng kế hoạch, huy động nhân lực, vật tư, phương tiện phục vụ công tác phòng, chống lũ bão, không để bị động khi có thiên tai xảy ra, xã còn huy động các nguồn lực để gia cố tuyến đê bối để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của nhà nước. Hiện tuyến đê bối đã gia cố được hơn 4km mặt đê bằng bê tông rộng 3 - 4m, dày 10 - 15cm; tuy nhiên, hiện xã còn gần 3km mặt đê chưa được gia cố, đổ bê tông cứng mặt, gây khó khăn cho việc vận hành phương án phòng, chống thiên tai (PCTT).

Bước vào mùa mưa bão năm nay, huyện Vũ Thư đã tiến hành rà soát hiện trạng đê, bối, hệ thống kè, cống, bờ bao ngăn nước tại 4 vùng đê bối dân cư lớn ở 5 xã: bối Hồng Lý, bối Bách Thuận - Tân Lập, bối Hồng Phong - Vũ Vân. Trên cơ sở đó, huyện xây dựng kế hoạch, huy động nhân lực, vật tư theo phương châm “4 tại chỗ” bảo đảm giữ vững an toàn hệ thống đê điều, đề phòng và chủ động ứng phó tích cực với các hình thái thời tiết cực đoan. Các xã thành lập các tiểu ban phụ trách từng đoạn, tuyến đê bối; tổ chức phân công cán bộ các thôn, đội theo dõi, giám sát toàn tuyến nhằm kịp thời thông tin, triển khai nhanh, đồng bộ phương án phòng, chống và xử lý các sự cố khi có tình huống thiên tai xảy ra. Các địa phương chủ động ký hợp đồng với chủ phương tiện ô tô, thuyền trên địa bàn sẵn sàng nhận nhiệm vụ tham gia công tác hộ đê, sơ tán dân và cứu hộ, cứu nạn khi có lệnh điều động...

Theo đánh giá của Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trong tổng số 17 bối có người dân sinh sống trong toàn tỉnh thì chỉ có 7 bối đủ khả năng bảo đảm an toàn khi nước lũ trên sông ở mức báo động 3 và trên mức báo động 3; số bối còn lại chỉ bảo đảm an toàn khi nước lũ trên các tuyến sông ở mức báo động 2. Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân. Tài sản của nhà nước trong mùa mưa bão năm nay, các địa phương đã tập trung xây dựng kế hoạch PCTT, bảo vệ vùng bối theo phương châm “4 tại chỗ”, thiết lập vận hành phương án di dân vùng bối khi xảy ra sự cố về đê.

Cùng với bảo đảm an toàn tính mạng người dân vùng bối, các cấp, ngành, địa phương cũng đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ sản xuất. Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các hộ nuôi cá lồng ngoài sông Hồng, sông Trà Lý chủ động biện pháp, tăng cường chằng buộc, neo giữ lồng bè để phòng, chống gió to, lũ lớn trên sông. Khi lũ trên sông lên trên báo động 2, các hộ chủ động di chuyển người, tài sản, kể cả thủy sản vào trong bờ để bảo đảm an toàn, tránh thiệt hại. Đồng thời, chính quyền địa phương chuẩn bị lực lượng xung kích, phao cứu hộ để sẵn sàng hỗ trợ các hộ nuôi cá lồng trên sông khi cần thiết. Các hộ nuôi cá lồng trên sông đều chủ động gia cố thêm mỏ neo, dây chão chuyên dụng; về phía thượng lưu, đầu các lồng bè đều được bịt thêm tấm tôn dày để hạn chế củi gỗ trôi va đập trực tiếp vào lưới nuôi cá. Anh Nguyễn Đại Dương, thôn Ngũ Đông, xã Điệp Nông (Hưng Hà), chủ một khu lồng bè nuôi cá trên sông Luộc cho biết: Việc nuôi cá lồng trên sông vào mùa bão, lũ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Vì thế, các hộ đều phải chủ động đầu tư thêm nhiều thiết bị neo giữ bảo đảm chắc chắn. Gia đình tôi đã sử dụng hàng chục mỏ neo để neo giữ cho 30 lồng cá. Ngoài ra, các lồng cá còn được gia cố thêm bằng cách hàn sắt tạo sự kết bè chắc chắn.

Việc chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống bão lũ, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân vùng bối sẽ góp phần hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.

Nguyễn Thơi

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày