Chủ nhật, 24/11/2024, 03:08[GMT+7]

Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021

Thứ 2, 31/10/2022 | 17:39:34
8,028 lượt xem
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ngày 31/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành phiên họp của Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021. Đây là chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội, được dư luận, cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm. Phạm vi giám sát tập trung vào khu vực công liên quan đến các ngành, các lĩnh vực đời sống xã hội trong thời gian dài.

Các vị đại biểu Quốc hội tỉnh trao đổi bên lề phiên họp.

Sau khi nghe trình bày báo cáo tóm tắt và xem video clip về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021, Quốc hội tiến hành thảo luận về các nội dung chủ yếu, như: Về hệ thống báo cáo của đoàn giám sát và báo cáo của Chính phủ và các bộ, ngành; đánh giá các kết quả đạt được, các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đối với các nội dung trọng điểm và 7 lĩnh vực trọng tâm mà đoàn giám sát đã tập trung giám sát; về giải pháp để nâng cao hiệu quả, hiệu lực việc thực hiện chính sách pháp luật, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian tới; đặc biệt các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách trong dài hạn và trước mắt để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; cho ý kiến trực tiếp vào dự thảo nghị quyết của Quốc hội về tên gọi, bố cục, nội dung các nhiệm vụ, giải pháp đối với từng cơ quan và các phụ lục kèm theo dự thảo nghị quyết…

Các đại biểu Quốc hội đã phát biểu bày tỏ sự đồng tình, thống nhất cao với những thành tựu, kết quả quan trọng tích cực trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 đã được nêu trong báo cáo đồ sộ với 93 trang, gần 1.000 trang tài liệu của đoàn giám sát. Qua giám sát cho thấy, việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 đã đạt được những kết quả rất quan trọng, tích cực, song hành với kết quả to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả hoạt động giám sát bước đầu đã có tác động làm chuyển biến cả về nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã tăng cường công tác rà soát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách, pháp luật, ban hành kế hoạch, giải pháp để chấn chỉnh, khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế theo kiến nghị của đoàn giám sát. Nội dung báo cáo không chỉ đánh giá đầy đủ, toàn diện tình hình thực hiện bao gồm cả kết quả đạt được và những hạn chế, bất cập, vướng mắc và nguyên nhân mà quan trọng hơn là kiến nghị được các giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhà nước. Gỡ bỏ những ách tắc, rào cản ảnh hưởng đến cơ hội phát triển. Tăng cường biện pháp giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, xử lý kịp thời, kiên quyết, đúng pháp luật những vi phạm trong quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước, nhất là xử lý các dự án treo, chậm tiến độ.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn, lo lắng với 8 hạn chế, yếu kém, đó là việc chấp hành pháp luật chưa nghiêm, trong một số trường hợp thất thoát, lãng phí rất lớn, nghiêm trọng, làm mất đi cơ hội phát triển; việc xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 5 năm và hằng năm của các cấp, các ngành còn chậm, nhìn chung còn nặng về hình thức, chưa trọng tâm, trọng điểm; tổ chức triển khai, sơ kết, tổng kết, đánh giá, nhân rộng mô hình tiên tiến còn nhiều hạn chế.

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, các đại biểu đã tham gia đề xuất các nhóm nhiệm vụ giải pháp chung, kiến nghị đối với Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các ban, bộ, ngành trung ương, các địa phương về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian tới, như: Đề nghị bổ sung vào dự thảo nghị quyết của Quốc hội nội dung yêu cầu Chính phủ, bộ, ngành cần tổng kết, đánh giá rõ hơn các nguyên nhân chủ quan dẫn đến bất cập, hạn chế và khó khăn có cơ sở đề xuất các giải pháp cụ thể để khắc phục sớm, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong dài hạn; nghiên cứu bổ sung thêm nhóm giải pháp, thể chế Nghị quyết Đại hội XIII, các văn bản của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đối với công tác bảo vệ người, phát hiện, tố giác người đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế…

Vũ Sơn Tùng
(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)