Thứ 4, 20/11/2024, 16:37[GMT+7]

Quốc hội tiếp tục thảo luận về một số dự thảo luật

Thứ 4, 02/11/2022 | 18:46:34
8,014 lượt xem
Sáng ngày 2/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) và dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tại phiên thảo luận tổ.

Thảo luận tại Tổ 15 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Khánh Hòa và Quảng Trị. Qua thảo luận, các đại biểu trong tổ cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật Giao dịch điện tử; cho rằng dự thảo Luật đã thể chế hóa và phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng; phù hợp với Hiến pháp, hệ thống pháp luật và tương thích với các điều ước quốc tế; bảo đảm tính khả thi.

Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) hiện có 7 Chương, 80 Điều. Dự thảo Luật được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bám sát 7 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 48/NQ-CP. Các nhóm chính sách bám sát các nhiệm vụ, giải pháp theo yêu cầu của Chỉ thị số 30/CT-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Thống nhất với sự cần thiết phải sửa đổi Luật, các đại biểu Quốc hội cho rằng, Luật cũ ban hành đã được 12 năm và để theo kịp sự phát triển kinh tế, thương mại và bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng trong tình hình mới hiện nay, các quy định trong Luật cần được sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp. Để hoàn thiện dự thảo Luật này, đại biểu Quốc hội đề nghị dự thảo Luật cần nghiên cứu, sửa đổi các quy định cho phù hợp với Khoản 3, Điều 8 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Khoản 2, Điều 3 của Luật Trọng tài thương mại 2010…

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá các ý kiến trong tổ rất thiết thực để hoàn thiện nội dung dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, các nội dung sửa đổi đã bảo đảm phù hợp với xu hướng chung của thời đại. Tuy nhiên, cũng cần bổ sung thêm nội dung về việc bảo vệ quyền lợi người cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng.

Về dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật sửa đổi có bố cục gồm 8 Chương và 57 Điều, trong đó các nội dung sửa đổi, bổ sung bám theo 9 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 152/NQ-CP. Nội dung chính của dự thảo Luật tập trung vào việc mở rộng phạm vi điều chỉnh; giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; giá trị pháp lý của chữ ký điện tử và Chính sách 6 về dịch vụ tin cậy trong giao dịch điện tử; giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử; giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước; dữ liệu và dữ liệu số; an toàn, an ninh, bảo vệ, bảo mật trong giao dịch điện tử…

Đối với một số nội dung cụ thể, các  đại biểu Quốc hội cho biết, theo quy định tại Điều 7, Luật Đầu tư năm 2020 và Điều 13 của Nghị định số 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư đã thiết lập cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, với 5 điều kiện về mặt hồ sơ. Tuy nhiên, trong báo cáo đánh giá tác động, chưa thể hiện rõ các yêu cầu, chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định của Luật Đầu tư và Nghị định 31. Do đó đề nghị, ban soạn thảo bổ sung các hồ sơ bảo đảm đánh giá tác động đầy đủ về điều kiện cung cấp dịch vụ tin cậy (điều kiện kinh doanh). Bên cạnh đó, hiện nay trong quy định của dự thảo Luật mới chỉ quy định giao cho Chính phủ quy định toàn bộ các điều kiện cấp giấy phép chi tiết. Do đó, các đại biểu kiến nghị, nên bổ sung ngay trong dự thảo Luật các điều kiện kinh doanh, điều kiện cấp giấy phép chi tiết hơn đối với dịch vụ tin cậy, bởi nếu không bổ sung thì không đánh giá được tác động.

Buổi chiều 2/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Tham gia phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh bày tỏ nhất trí với các nội dung của dự thảo nghị quyết, cho rằng các bất cập tại các kỳ họp trước đã cơ bản được khắc phục. Đề cập đến nội dung liên quan đến tài liệu kỳ họp, đại biểu cho rằng, dự thảo nghị quyết đã quy định danh sách tên các cơ quan tổ chức, cá nhân gửi chậm, lý do gửi chậm sẽ được công khai đến các đại biểu quốc hội. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, dự thảo nghị quyết cần phải quy định rõ loại tài liệu nào thì được gửi chậm, tài liệu nào thì không được gửi chậm. Bên cạnh đó, để phát biểu của các đại biểu Quốc hội chất lượng hơn, đại biểu đề nghị quy định thêm trong dự thảo nghị quyết một khoản về việc cung cấp tài liệu tham khảo cho đại biểu quốc hội.

Vũ Sơn Tùng
(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)