Thứ 4, 20/11/2024, 16:22[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022

Thứ 3, 08/11/2022 | 16:58:23
10,697 lượt xem
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội dành cả ngày 8/11 để thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.

Các vị đại biểu Quốc hội dự phiên họp.

Theo đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, đầu giờ sáng, Quốc hội nghe: Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022; Báo cáo công tác năm 2022 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Báo cáo công tác năm 2022 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Báo cáo về công tác thi hành án năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022. Đồng thời, Quốc hội cũng nghe các báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội có liên quan và tiến hành thảo luận về các nội dung trên.

Đánh giá kết quả hoạt động của các cơ quan tư pháp trung ương, các đại biểu Quốc hội cho biết qua nghiên cứu báo cáo của Chính phủ và các cơ quan chức năng, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho thấy, năm 2022 tình hình tội phạm vi phạm pháp luật tiếp tục diễn biến phức tạp. Một số vụ án có quy mô lớn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm trên không gian mạng với thủ đoạn mới, tinh vi hơn; tội phạm tham nhũng tăng, tội phạm trong công tác quản lý nhà nước về thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường vốn, an ninh tiền tệ, tội phạm về ma túy, xâm phạm trẻ em tiếp tục diễn biến phức tạp…

Cùng với đó, kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn, thách thức, các thế lực phản động trong và ngoài nước không ngừng tăng cường các hoạt động chống phá…, song dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, cùng với sự nỗ lực triển khai kịp thời của các bộ, ngành công an, tòa án, viện kiểm sát…, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật đã đạt kết quả nhất định.

Các cơ quan tiến hành tố tụng cơ bản thực hiện tốt việc phối hợp giải quyết các vụ việc từ khâu điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án bảo đảm đúng quy định của pháp luật và chức năng, nhiệm vụ của ngành, tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước. Việt Nam được các nước trên thế giới đánh giá là điểm đến an toàn của du khách và các nhà đầu tư. Đây là cơ sở quan trọng giúp nước nhanh chóng phục hồi nền kinh tế và thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tạo niềm tin của nhân dân.

Các đại biểu khẳng định, kết quả phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án của các cơ quan tố tụng cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Điều đó khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan tư pháp trung ương rất quyết liệt và có nhiều giải pháp phù hợp trong triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Kết quả đó cho thấy sự quyết tâm của các cơ quan tiến hành tố tụng và cả cấp tòa án đã khắc phục cơ bản về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin để triển khai thực hiện Nghị quyết 33 của Quốc hội một cách hiệu quả. Đặc biệt, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến bảo đảm các quy định của pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng được thực hiện như phiên tòa trực tiếp… Các đại biểu cũng điểm lại một số khó khăn của ngành tòa án như việc ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện chuyển đổi số, vận hành hiệu quả phần mềm trợ lý ảo, giám sát, điều hành của tòa án còn gặp nhiều khó khăn do thiết bị công nghệ thông tin chưa được trang bị đầy đủ và thiếu đồng bộ. Vụ việc ngày càng tăng, tính chất ngày càng phức tạp trong khi đó nguồn lực hiện tại là con người cũng như cơ sở vật chất của tòa án các cấp và các cơ quan tư pháp còn thiếu.

Các đại biểu đã kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp như: đề nghị Chính phủ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng công an trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính công vụ; xử lý nghiêm hành vi vi phạm, nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng vặt trong thực thi công vụ. Đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nhất là các tầng lớp nhân dân, truyền thông, báo chí trong công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực. Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân trong việc tham gia phòng, chống tội phạm, ý thức thượng tôn pháp luật, nhất là giáo dục nhận thức về pháp luật cho giới trẻ trong nhà trường và ngoài xã hội; rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, để thực hiện hiệu quả hơn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong thời gian tới.

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)