Thứ 7, 23/11/2024, 17:35[GMT+7]

Không gục ngã trước số phận

Thứ 2, 14/11/2022 | 08:01:14
12,387 lượt xem
Dù khiếm khuyết về đôi mắt nhưng với ý chí, nghị lực của mình, anh Lê Thanh Tùng ở phường Tiền Phong (thành phố Thái Bình) đã vượt qua mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống, tự khẳng định bản thân, trở thành tấm gương sáng cho người khiếm thị.

Khách hàng đến điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh của anh Lê Thanh Tùng, phường Tiền Phong (thành phố Thái Bình).

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nông nghiệp, học xong THPT, chàng trai Lê Thanh Tùng đi học nghề cơ điện. Ra trường, anh xin vào làm tại Công ty Xuất nhập khẩu thực phẩm Thái Bình. Chính tại môi trường làm việc này, anh đã quen và yêu người con gái miền biển Thái Thụy, sau này anh chị đã xây dựng gia đình và có với nhau một cuộc sống hạnh phúc, êm ấm. Tuy vậy, căn bệnh thoái hóa sắc tố võng mạc khiến thị lực của anh mỗi ngày một giảm sút. Vì kỹ thuật điện là một nghề đòi hỏi sự an toàn cao nên anh không đáp ứng được công việc, đến cuối năm 2009 anh xin nghỉ việc. Thời điểm đó, vợ chồng anh đã có một cháu gái và đang chuẩn bị có cháu thứ hai. Không có việc làm, thu nhập của gia đình đều trông chờ vào đồng lương của vợ và sự chu cấp của bố mẹ. Đây là giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời mà Lê Thanh Tùng phải đón nhận và đối mặt. Đang từ một người sáng mắt trở thành người khiếm thị, đang từ một công nhân với đồng lương ổn định trở thành người không có việc làm, không có thu nhập, mọi thứ trở nên vô cùng tuyệt vọng và bế tắc với một chàng trai trẻ đang ở độ tuổi hăng say lao động với bao mơ ước.

Không gục ngã trước số phận, anh đã tìm đến Hội Người mù thành phố Thái Bình với mong muốn có được sự đồng cảm từ những người đồng cảnh. Vào Hội, anh được học chữ nổi, học làm tăm tre, được lao động, học tập với những người cùng cảnh đã giúp anh vơi bớt những mặc cảm, tự ti. Cuối năm  2010, anh được Hội cho đi học lớp xoa bóp, bấm huyệt tại Trung tâm Đào tạo cán bộ và Phục hồi chức năng cho người mù Việt Nam. Được học thêm nghề mới đã mang đến cho anh nhiều hy vọng về cuộc sống và tương lai. Trong quá trình học tập, anh luôn không ngừng nỗ lực, phấn đấu, kết thúc khóa học, anh đã đạt kết quả loại giỏi. Đây cũng chính là động lực thúc đẩy Lê Thanh Tùng tiếp tục học tập để nâng cao tay nghề. Là người cần cù lại ham tìm tòi cái mới, anh thay đổi một vài chỗ làm để được trải nghiệm, cọ xát và tìm hiểu về cách thức hoạt động của mỗi cơ sở. Anh tâm sự: Tôi đặc biệt ấn tượng trong thời gian làm việc tại cơ sở tẩm quất người mù, ngõ 171, Trần Thái Tông, thành phố Thái Bình. Đây là một môi trường làm việc tích cực đã giúp tôi ngày càng hoàn thiện bản thân mình, tinh thần thoải mái và yêu đời hơn, bỏ dần đi những suy nghĩ tiêu cực, tự ti của bản thân. Ở nơi đây, tôi đã được gặp những khách hàng là những doanh nhân, những người có tri thức, được nghe họ nói chuyện về nhiều lĩnh vực trong đời sống. Từ đó tôi đã nghĩ về bản thân mình nhiều hơn, tôi bắt đầu tập thể dục để nâng cao sức khỏe, tìm tòi và nghiên cứu các kiến thức về đông y.

Tranh thủ vừa học vừa làm, anh đi học ở một spa dành cho người khiếm thị trên Hà Nội. Sau 8 tháng, anh đã hoàn thành các bài massage, lần trở về này, anh được khách hàng đánh giá tốt hơn so với trước đây. Năm 2019, Hội Người mù tỉnh tổ chức cuộc thi tay nghề tẩm quất, anh tham gia và đạt giải nhất, được Tỉnh hội cử đi thi tay nghề toàn quốc ở thành phố Đà Lạt, anh đạt giải ba. Thời gian này, anh lại xin đi học lớp massage Hàn Quốc, massage Thụy Điển, massage đá nóng..., đây là những lớp học vô cùng bổ ích, giúp cho tay nghề của anh tiến bộ hơn rất nhiều. Cuối năm 2019, anh tiếp tục đăng ký học lớp y sĩ y học cổ truyền; vừa đi học vừa đi làm và cứ đều đặn 5 giờ sáng ngày thứ bảy lên Hà Nội học và chiều chủ nhật lại ngược xe về Thái Bình. Khóa học đã giúp anh nắm vững về lý luận, điêu luyện về thực hành, có những thủ thuật như châm cứu, điều mà trước đây tưởng như người khiếm thị không thể làm được thì giờ đây anh đã làm chủ được kỹ thuật này. Sau hơn 2 năm nỗ lực học tập, anh đã đạt kết quả xếp loại học lực giỏi.

Đầu năm 2020, anh mạnh dạn mở phòng khám chữa bệnh tại nhà để thuận lợi cho công việc và tiện chăm sóc các con. Nhờ có kỹ năng thành thục và điêu luyện, sau nhiều năm chịu khó học hỏi nên khách hàng đến với anh ngày một đông và có nhiều phản hồi tích cực về sức khỏe. Lượng khách ổn định và đều đặn giúp thu nhập của anh cũng ngày một cao. Thu nhập hàng tháng hiện nay của anh từ 12 - 15 triệu đồng. Nhờ vậy mà anh có điều kiện kinh tế chăm lo cho gia đình, nuôi dạy con cái ăn học đầy đủ.

Dạy nghề, tạo việc làm cho người khiếm thị đã khó, tìm được việc làm với thu nhập cao lại khó hơn gấp nhiều lần. Khác với nghề tẩm quất người mù truyền thống với ngày công không quá cao, chàng trai trẻ Lê Thanh Tùng đã chịu khó học hỏi, không ngại khó khăn, gian khổ trau dồi kiến thức để giờ đây anh là trụ cột kinh tế trong gia đình, thậm chí không kém những người sáng mắt. Nhận xét về anh Tùng, ông Bùi Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết: Đây là tấm gương sáng về ý chí, nghị lực, không ngừng vươn lên để khẳng định quyền làm chủ cuộc đời mình và trở thành người có ích cho gia đình, xã hội. Câu chuyện về anh Lê Thanh Tùng luôn được chúng tôi tuyên truyền qua các hội nghị, cuộc họp để khơi dậy ý chí tự lực, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.

Duy Tùng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày