Thứ 4, 20/11/2024, 14:25[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đất đai

Thứ 2, 14/11/2022 | 18:45:58
9,419 lượt xem
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ngày 14/11/2022, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Văn Huy, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trao đổi bên lề phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Luật Đất đai được một đạo luật rất quan trọng, phức tạp, giữ vai trò căn bản trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ và ảnh hưởng sâu sắc đến việc thực thi các chính sách quy định trong rất nhiều luật khác.

Đây cũng là luật tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội tới tất cả các tổ chức và người dân. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ, dự kiến phải 3 kỳ họp để có thời gian rà soát kỹ lưỡng với tinh thần vì lợi ích quốc gia, dân tộc, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật này với 228 lượt ý kiến phát biểu tại 19 tổ. Thảo luận tại tổ, về cơ bản các ý kiến đồng tình với sự cần thiết sửa đổi luật để thể chế hóa chủ trương của Đảng, hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và bảo vệ môi trường khắc phục bất cập, hạn chế của Luật hiện hành.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu thảo luận.

Tham gia thảo luận góp ý về quyền sử dụng đất đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tại điểm k, khoản 1, Điều 38, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho biết tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao được Nhà nước cho thuê đất. Theo đại biểu, đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ vẫn là đơn vị cung cấp dịch vụ công, vì vậy đại biểu đặt câu hỏi dự thảo Luật xếp chung với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có phù hợp không? Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị đối với đơn vị tự chủ sự nghiệp công tự chủ được miễn tiền cho thuê đất, miễn tiền thuê đất; được phép liên doanh, liên kết nhưng không được góp vốn từ đất. Nếu quy định như dự thảo về liên doanh, liên kết sẽ càng vướng mắc khi thực thi trong thực tế. Vì vậy, cần quy định cụ thể ngay tại luật, hạn chế tình trạng giao cho Chính phủ hoặc giao cho Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định…

 Đại biểu Nguyễn Văn An, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu thảo luận. 

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn An, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng cần xem xét bổ sung quy định về chế độ sử dụng đất với các công trình năng lượng và đất sử dụng đa mục đích. Bên cạnh đó, tại khoản 1, Điều 131 quy định: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất sau khi có Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh thông qua. Đại biểu cho rằng, quy định này không bảo đảm tính thống nhất với thẩm quyền giao rừng, cho thuê rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trong Luật Lâm nghiệp, cũng không thống nhất với thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư công. Vì vậy, cần nghiên cứu, rà soát kỹ để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Ngoài ra, đối với đất sử dụng đa mục đích, đại biểu cho rằng cơ quan chủ trì soạn thảo cần tổng kết đầy đủ, đánh giá thực tiễn về các quan hệ đất đai để bổ sung hoàn thiện cụ thể hơn quy định về đất sử dụng đa mục đích, quy định cụ thể trong luật các loại đất được kết hợp mục đích sử dụng, thống nhất nguyên tắc xác định nghĩa vụ tài chính với người sử dụng đất trong trường hợp sử dụng đất hỗn hợp.

Trao đổi bên lề phiên họp, đại biểu Nguyễn Văn Huy, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho biết, dự thảo Luật đã quy định các phương thức tập trung đất nông nghiệp gồm: dồn điền, đổi thửa; thuê quyền sử dụng đất và hợp tác sản xuất, kinh doanh bằng quyền sử dụng đất. Các phương thức tích tụ đất nông nghiệp gồm: nhận chuyển nhượng và nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp. Với quy định như vậy sẽ góp phần điều chỉnh đất đai theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khắc phục những bất cập hiện hành; đáp ứng yêu cầu của các thành phần kinh tế nhất là các tổ chức kinh tế trong nước như hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, để bảo đảm quyền và lợi ích của người nông dân - người được giao quyền sử dụng đất mà lâu nay mặc dù đã “ly nông” và “ly hương” nhưng vẫn giữ tâm lý coi đất đai như “một cuốn sổ bảo hiểm” đề phòng rủi ro mà vẫn có cơ chế đủ sức hấp dẫn họ tham gia vào quá trình tích tụ và tập trung đất đai, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung quy định bảo đảm quyền sử dụng đất của người dân khi tham gia các phương thức tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, như: Nhà đầu tư phải cam kết không khấu trừ giá trị quyền sử dụng đất vào các khoản thua lỗ trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Không được thế chấp quyền sử dụng đất của người dân tham gia góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Và như vậy, trong trường hợp nếu giải thể, phá sản vẫn phải bảo toàn cho lợi ích của họ. Do đó, cần quy định: Không được đưa đất của người dân tham gia góp vốn quyền sử dụng đất vào xử lý trong trường hợp nếu giải thể, phá sản…

Cũng theo chương trình phiên họp ngày 14/11, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi), thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi) và thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Vũ Sơn Tùng
(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)