Thứ 4, 20/11/2024, 12:31[GMT+7]

UBND tỉnh nghe và cho ý kiến một số nội dung quan trọng

Thứ 3, 22/11/2022 | 15:06:53
11,823 lượt xem
Sáng ngày 22/11, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Công Thương báo cáo phương án xử lý cụm công nghiệp (CCN) do cấp huyện quản lý; Sở Nội vụ báo cáo kế hoạch biên chế 2022 – 2026, cơ cấu tổ chức Sở Y tế, Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh; Sở Khoa học và Công nghệ báo cáo dự thảo cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2023 – 2025; Công an tỉnh báo cáo dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định về mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng cho các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng. Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị và lãnh đạo UBND các huyện, thành phố dự cuộc họp.

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp.

Video: 221122-_UBND_TINH_NGHE_VA_CHO_Y_KIEN_MOT_SO_NOI_DUNG_QUAN_TRONG.mp4?_t=1669114571

Nâng cao hiệu quả các CCN

Thái Bình có 28 CCN do UBND cấp huyện quản lý một phần hoặc toàn bộ. Hiện nay, phần lớn các CCN do cấp huyện quản lý không được đầu tư hạ tầng, chưa đáp ứng yêu cầu về quy hoạch và bảo vệ môi trường, công tác giải phóng mặt bằng chậm, việc thu hút dự án thứ cấp khó khăn. Sở Công Thương đề xuất đưa 6 CCN ra khỏi phương án phát triển CCN của tỉnh, 17 CCN bàn giao cho nhà đầu tư hạ tầng tiếp nhận để đầu tư xây dựng, các CCN còn lại giao cho UBND cấp huyện tiếp tục đầu tư, quản lý toàn bộ.

Để khắc phục những bất cập về hạ tầng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các CCN, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Công Thương sớm xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Công Thương về chủ trương, cơ chế chuyển giao CCN cho nhà đầu tư hạ tầng, đồng thời nghiên cứu làm mô hình thí điểm bàn giao CCN từ đó tham mưu cho UBND tỉnh giải pháp chỉ đạo giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.

Đại biểu dự cuộc họp. 

Tiếp tục tinh giản biên chế

Tổng số biên chế công chức của tỉnh Thái Bình được Ban Tổ chức Trung ương giao năm 2022 là 1.827 biên chế; giao giai đoạn 2022 – 2026 là 1.736 biên chế. Như vậy, đến năm 2026 Thái Bình phải tinh giản 91 biên chế. Căn cứ thực trạng quản lý biên chế và đề nghị của các cơ quan, đơn vị, Sở Nội vụ đề xuất 2 phương án quản lý và tinh giản biên chế công chức giai đoạn 2022 – 2026 xin ý kiến UBND tỉnh. Về cơ cấu tổ chức của Sở Y tế và Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh, Sở Nội vụ tổng hợp các ý kiến của các cơ quan, địa phương, theo đó 8/8 huyện thành phố đề nghị chuyển Trung tâm Y tế về UBND huyện, thành phố quản lý; trong khi đó, Sở Y tế đề nghị giữ nguyên mô hình như hiện nay trong giai đoạn 2021 – 2025. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, Sở Nội vụ đề xuất UBND tỉnh thống nhất về việc thành lập thêm phòng chuyên môn thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh theo đề nghị của đơn vị này.

Cho ý kiến về công tác quản lý và tinh giản biên chế, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất phương án đề xuất của Sở Nội vụ, đồng thời đề nghị trong quá trình thực hiện cần linh hoạt nhằm bảo đảm không ảnh hưởng đến hiệu quả công tác quản lý nhà nước, phát triển của các đơn vị sự nghiệp. Khuyến khích các đơn vị tự chủ tài chính nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Đối với quản lý và tinh giản công chức cấp xã, giao các huyện, thành phố nghiên cứu kỹ, xây dựng kế hoạch và chu kỳ thực hiện tinh giản cả cán bộ và công chức xã. 

Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất việc đề xuất của Sở Nội vụ về thành lập phòng chuyên môn của Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp; giao Sở Y tế và các sở, ngành tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo việc quản lý trung tâm y tế các huyện, thành phố bảo đảm hiệu quả.

Thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn tỉnh nghiên cứu khoa học, tiếp nhận chuyển giao, ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, thiết bị mới có hiệu quả cao vào sản xuất, kinh doanh, Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2025. 

Theo đó, dự kiến tỉnh sẽ có cơ chế hỗ trợ cho hoạt động chuyển giao công nghệ, xúc tiến thị trường khoa học và công nghệ, hỗ trợ hình thành doanh nghiệp khoa học công nghệ và thưởng cho doanh nghiệp, tổ chức đạt giải thưởng chất lượng quốc gia và giải thưởng chất lượng quốc tế. Trong giai đoạn 2023 – 2025 dự kiến hỗ trợ cho 56 lượt doanh nghiệp, tổ chức với kinh phí 5.330 triệu đồng. 

Cho ý kiến về nội dung này, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, khuyến khích phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết góp phần phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Giao Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các sở, ngành chức năng tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế để trình HĐND tỉnh phê duyệt trong thời gian tới.

Chính sách mới cho lực lượng dân phòng

Thực hiện chính sách đối với lực lượng dân phòng, UBND tỉnh giao Công an tỉnh xây dựng dự thảo tờ trình của UBND tỉnh và dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng cho các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng. Theo đó dựa trên các quy định của pháp luật liên quan, Công an tỉnh tham mưu, đề xuất mức hỗ trợ cho đội trưởng đội dân phòng bằng 15,5%, đội phó đội dân phòng bằng 15% mức lương tối thiểu vùng/người/tháng. 

Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất với đề xuất của Công an tỉnh và đề nghị Sở Tài chính nghiên cứu bố trí sẵn sàng nguồn lực để thực hiện khi Nghị quyết được HĐND thông qua.

Khắc Duẩn