Chủ nhật, 24/11/2024, 10:50[GMT+7]

Mở rộng diện tích cấy bằng máy

Thứ 6, 25/11/2022 | 08:27:23
2,145 lượt xem
Việc đưa máy cấy vào sản xuất đã giải quyết khâu lao động nặng nhọc, tính thời vụ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của nông sản, thúc đẩy quá trình liên kết, hình thành các tổ dịch vụ ở nông thôn.

Diện tích cấy bằng máy chưa cao do khó khăn trong sản xuất mạ khay.

Xã Quỳnh Thọ (Quỳnh Phụ) có trên 270ha đất nông nghiệp, trong đó gần 200ha lúa được cấy bằng máy. Toàn xã có 12 máy cấy, trong đó 5 máy cấy ngồi công suất 5, 6 hàng, 7 máy dắt tay. Ông Ngô Doãn Đô, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã cho biết: Máy cấy ngày càng đóng vai trò quan trọng trên đồng ruộng địa phương, là hình thức gieo cấy chính thay thế cấy thủ công truyền thống, xóa đi hình ảnh người nông dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.

Được biết, xã Quỳnh Thọ đã hình thành tổ hợp tác cấy máy từ năm 2015. Tổ hợp tác này đảm nhiệm các khâu từ gieo, chăm sóc mạ khay đến cấy máy. Chi phí dịch vụ cho 1 sào cấy máy (gồm cả khâu gieo mạ, cấy máy và giống) từ 280.000 - 300.000 đồng/sào, tùy vào giá của từng loại giống. Về phía HTX hỗ trợ tích cực cho tổ hợp tác máy cấy trong quá trình sản xuất từ quy hoạch vùng bố trí cơ cấu giống, mùa vụ đến phục vụ tưới, tiêu thuận lợi nhất cho vùng cấy máy. Những vụ đầu tiên đưa máy cấy vào đồng ruộng, cán bộ HTX xuống trực tiếp thôn, đội sản xuất tuyên truyền, vận động người dân. Đồng thời, HTX cam kết về hiệu quả và năng suất của lúa cấy máy với người dân... Cùng với đó, xã cũng tạo điều kiện cho tổ hợp tác cấy máy được thuê mặt bằng phục vụ gieo mạ khay. Đây chính là những yếu tố quan trọng để cấy máy trên địa bàn được duy trì và phát triển.

Những năm gần đây, cơ giới hóa trong sản xuất lúa của tỉnh đã có những bước phát triển đáng khích lệ. Nhiều loại máy, thiết bị được áp dụng rộng rãi góp phần nâng cao năng suất lao động và giá trị nông sản qua đó dần thay đổi quy mô sản xuất trồng trọt. Đến nay, toàn tỉnh có 1.343 tổ chức, cá nhân ở 176 xã hình thành mô hình tích tụ ruộng đất với tổng diện tích tích tụ được 4.349ha. 

Theo tính toán của ngành nông nghiệp, áp dụng cơ giới hóa giúp chi phí sản xuất giảm từ 6,1 - 8,1 triệu đồng/ha, trong đó riêng khâu gieo cấy giảm từ 2,7 - 3,24 triệu đồng/ha. Áp dụng máy móc sản xuất với quy mô lớn đã và đang hình thành nên những đại điền chủ với tư duy sản xuất mới, tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ trong canh tác, sản xuất an toàn, hình thành chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ. Việc hoàn thành hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm đạt 95% do sản lượng nông sản đủ lớn, chất lượng nông sản có tỷ lệ đồng đều cao.

Toàn tỉnh hiện có 1.392 máy cấy các loại.

Tuy nhiên, mức độ cơ giới hóa giữa các khâu sản xuất chưa cân đối. Trong khi khâu làm đất, tuốt đập/tách hạt tỷ lệ cơ giới hóa đạt 100%, khâu thu hoạch đạt trên 80% thì khâu gieo cấy mới đạt trung bình khoảng 21%. 

Ông Trần Quốc Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Tính tới thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 1.392 máy cấy các loại, diện tích lúa được cấy bằng máy đạt 16.525ha, đạt 21,8% diện tích gieo cấy. Một vài vụ gần đây, diện tích cấy bằng máy tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, để cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất, số máy cấy hiện có rất ít. Với diện tích trên 70.000ha lúa gieo cấy mỗi vụ, ước tính toàn tỉnh cần khoảng 5.000 máy cấy.

Để đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu sản xuất, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ người dân mua máy cấy. Tuy nhiên, số lượng máy cấy vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng cũng như nhu cầu thực tế bởi nhiều nguyên nhân. Sản xuất mang tính thời vụ, thời gian gieo cấy ngắn, trong khi đầu tư kinh phí mua máy cấy lớn, lâu thu hồi được vốn. Mặt khác, không như máy làm đất, máy gặt đập, mua máy về người chủ chỉ việc đánh đi các vùng để làm dịch vụ, máy cấy cần mặt bằng làm mạ khay với diện tích lớn, máy gieo hạt, kỹ thuật phức tạp như chọn giống, ngâm ủ, rải mạ, chuyên chở... Bởi thế mà máy mua về có thể cấy được công suất lớn nhưng khâu làm mạ lại không đáp ứng được. Hầu hết các địa phương không chủ động được nguồn giá thể để làm mạ khay mà phải nhập từ tỉnh ngoài về do đó chi phí tăng cao...

Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 đặt mục tiêu đến năm 2025 bảo đảm cơ giới hóa trong sản xuất lúa đạt 100% khâu làm đất, thu hoạch và trên 90% khâu gieo cấy, 60% sản lượng thóc được áp dụng công nghệ sấy. Cơ giới hóa đồng bộ không chỉ là trang bị máy móc để giảm đi lao động thủ công mà còn là đồng bộ giữa máy móc và hạ tầng, giữa trang bị máy móc và đào tạo người sử dụng và vận hành máy. Việc ứng dụng cơ giới hóa phải thông qua tổ, nhóm dịch vụ mới nâng cao hiệu quả sử dụng, khai thác cũng như mở rộng diện tích. Do vậy, việc xây dựng, triển khai chính sách tiếp cận các máy móc, thiết bị cần có sự quan tâm để hình thành các tổ, nhóm, HTX làm dịch vụ.

Lưu Ngần 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày