Chủ nhật, 10/11/2024, 05:44[GMT+7]

Bốn hạng mục giải thưởng công nghệ số Make in Viet Nam

Thứ 2, 05/12/2022 | 16:07:35
4,953 lượt xem
Các sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam tranh tài ở bốn hạng mục với bốn giải thưởng cao nhất, gồm: Vàng, Bạc, Đồng và top 10, ngày 8/12.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao giải xuất sắc cho FPT akaBot năm 2020.

Giải thưởng Make in Viet Nam sẽ trao giải cho các hạng mục: Sản phẩm số xuất sắc cho chính phủ số; Sản phẩm số xuất sắc cho kinh tế số; Sản phẩm số xuất sắc cho xã hội số và Sản phẩm số tiềm năng.

Phạm vi của sản phẩm số cho chính phủ số gồm: hạ tầng và ứng dụng cho cơ quan nhà nước phục vụ người dân, doanh nghiệp và công tác chỉ đạo, điều hành... Sản phẩm số cho kinh tế số thuộc các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, công nghiệp, ngân hàng, bảo hiểm, tài chính, năng lượng... Sản phẩm số cho xã hội số là thu hẹp khoảng cách số, y tế, văn hóa, giáo dục, xã hội, phát triển bền vững hay trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp...

Kết quả sẽ được công bố và trao trong khuôn khổ Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2022 (VFTE 2022), diễn ra vào ngày 8/12 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Việt Nam.

Giải thưởng Make in Viet Nam hướng tới mục tiêu tôn vinh tôn vinh các doanh nghiệp có sản phẩm công nghệ số xuất sắc được thiết kế, sáng tạo, sản xuất tại Việt Nam, từ đó, góp phần thúc đẩy chính phủ số, kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam.

Các sản phẩm được đánh giá theo tiêu chí thiết kế, sáng tạo tại Việt Nam, công đoạn cốt lõi do người Việt thực hiện. So với năm trước, giải thưởng 2022 có sự đổi mới về tiêu chí "giá trị thực tế" thành "có tác động, ảnh hưởng tới phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số". Điều này thể hiện qua các yếu tố: kết quả sản xuất, kinh doanh, thị phần, số lượng người sử dụng; tác động, ảnh hưởng và mức độ lan tỏa; khả năng mở rộng ra thị trường quốc tế.

Giải thưởng dành cho doanh nghiệp thành lập theo pháp luật Việt Nam. Nếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người Việt Nam phải sở hữu ít nhất 51% tổng số cổ phần và đơn vị có sản phẩm công nghệ số được nghiên cứu, thiết kế, sáng tạo, sản xuất tại Việt Nam, đã đưa vào ứng dụng thực tế. Hạng mục sản phẩm số tiềm năng chỉ áp dụng với doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc khởi nghiệp sáng tạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan các sản phẩm công nghệ số trưng bày tại VFTE 2021. Ảnh: VFTE 2021

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan gian hàng tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2021 (VFTE 2021).

Sau gần 6 tháng nhận khởi động, đến này ban tổ chức đã nhận hơn 200 hồ sơ tham gia giải thưởng. Từ các hồ sơ đăng ký, hội đồng giám khảo sẽ chấm điểm để chọn 12 đơn vị cao điểm nhất. Top 12 sẽ thuyết trình, bảo vệ trước các tiểu ban tương ứng (theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến) để lựa chọn Top 10 hồ sơ theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp, đề cử vào vòng chung khảo.

Sản phẩm Công nghệ số Make in Viet Nam là giải thưởng chính thức trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, nằm trong khuôn khổ VFTE 2022. Giải thưởng do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xét, trao tặng hàng năm cho các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm công nghệ số xuất sắc được nghiên cứu, thiết kế, sáng tạo, sản xuất tại Việt Nam, giải các bài toán đất nước, thời đại.

VFTE 2022 có ba hoạt động chính: phiên thảo luận; trao giải Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2022 và triển lãm giải pháp số tiêu biểu. Diễn đàn là nơi gặp gỡ, trao đổi giữa các doanh nghiệp công nghệ và cơ quan quản lý nhà nước, nhằm nhận diện cũng như đề xuất giải quyết các vấn đề trong việc phát triển doanh nghiệp công nghệ số ở Việt Nam.

Theo vnexpress.net