Thứ 7, 23/11/2024, 18:24[GMT+7]

Trọng Quan: Phát triển kinh tế hộ từ chăn nuôi

Thứ 5, 22/12/2022 | 21:50:18
2,253 lượt xem
Phát triển kinh tế từ chăn nuôi đã và đang là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao với các nông hộ ở xã Trọng Quan (Đông Hưng). Thông qua mô hình, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Trang trại nuôi trâu, bò vỗ béo của anh Phạm Xuân Khánh, xã Trọng Quan quy mô gần 300 con.

Nhiều lần đến thăm trang trại rộng trên 10ha của anh Phạm Xuân Khánh, thôn Hưng Quan nhưng lần nào chúng tôi cũng có những bất ngờ thú vị. Năm 2016, trang trại chỉ có một dãy chuồng dựng sơ sài nuôi khoảng 70 con trâu, bò, dê không bảo đảm điều kiện cho vật nuôi phát triển. Năm 2020, anh Khánh đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng hiện đại, khép kín, sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi nhằm giữ ấm chân cho vật nuôi và bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, dù trong chuồng lúc nào cũng có gần 300 con trâu, bò nhưng rất sạch sẽ, không có mùi, vật nuôi phát triển tốt, không nhiễm bệnh. Năm 2021, anh Khánh đã lắp thêm hệ thống máng nước uống tự động, đầu tư máy nghiền thức ăn, nhà ủ thức ăn cho trâu, bò để giảm công lao động, giảm chi phí. Anh Khánh cho biết: Trong trang trại tôi còn lắp hệ thống đèn sưởi, quây lưới xung quanh chuồng để giữ ấm cho trâu, bò những ngày giá rét; cho chúng nghe nhạc để giảm stress, kích thích sự tăng trưởng. Bỏ nghề xây dựng về quê lập nghiệp với niềm say mê nghề nông, ham học hỏi, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, anh Khánh đã thành công với mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo. Trang trại của anh Khánh được huyện Đông Hưng chọn là trang trại lõi để thực hiện đề án phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo.

Không có tiền đầu tư xây dựng trang trại quy mô hiện đại nuôi trâu, bò công nghiệp như anh Khánh nhưng chuồng trại của gia đình anh Nguyễn Văn Trung, thôn Tràng Quan vẫn bảo đảm thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông và luôn sạch sẽ. Anh Trung chia sẻ: Trước tận dụng đồng cỏ tôi chỉ nuôi vài con trâu, bò nhưng sau thấy hiệu quả kinh tế cao, tôi đã đầu tư xây dựng 3 dãy chuồng nuôi 30 con trâu, bò theo kiểu bán công nghiệp. Vào mùa đông thức ăn cho trâu, bò ít, tôi phải chủ động trồng cỏ voi, tranh thủ ngày mùa mua rơm, cây ngô về dự trữ, mỗi vụ tầm 20 tấn rơm khô. Những ngày nắng ấm thì thả trâu, bò ra đồng, ngày lạnh dưới 200C thì để vật nuôi trong chuồng cho ăn thức ăn dự trữ. Phân trâu, bò tôi tận dụng bón cho cây và nuôi cá. Lấy công làm lãi, tôi kết hợp với một số người trong thôn làm thêm nghề giết mổ trâu, bò. Một năm gia đình thu nhập khoảng 300 triệu đồng từ chăn nuôi gia súc.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi đã khiến nhiều hộ chăn nuôi bị thiệt hại nặng nề, có người phải để chuồng trống, nhưng gia đình anh Nguyễn Ngọc Trìu, thôn Vinh Tiến với kinh nghiệm lâu năm và luôn thực hiện nghiêm ngặt quy trình phòng dịch nên xuất chuồng khoảng 40 - 50 tấn lợn thịt/năm. Anh Trìu cho biết: Trước gia đình nuôi gà nhưng hay bị bệnh, không hiệu quả, vì vậy tôi sửa chuồng nuôi lợn, năm ngoái lợn cũng bị chết vì dịch nhưng năm nay tôi tuân thủ nghiêm ngặt công tác phòng dịch, tiêm phòng đầy đủ. Chỉ một mình vào chuồng nuôi, thường xuyên sát khuẩn, vệ sinh chuồng trại, điều chỉnh nhiệt độ thích hợp, tăng sức đề kháng cho lợn bằng thuốc bổ... Hiện trong chuồng đang nuôi trên 200 đầu lợn, trong đó có 25 con lợn nái, 150 con lợn thịt và khoảng 50 con lợn con. Mô hình nuôi lợn công nghiệp đã giúp gia đình anh Trìu đạt doanh thu 2,5 - 3 tỷ đồng/năm.

Những năm gần đây, số mô hình chăn nuôi nông hộ với quy mô nhỏ lẻ ở xã Trọng Quan đang có xu hướng giảm dần. Thay vào đó là sự phát triển của các trang trại chăn nuôi có quy mô từ nhỏ đến lớn. Đây là xu hướng tích cực, góp phần phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, tăng thu nhập cho các hộ gia đình. Anh Đỗ Duy Hà, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã Trọng Quan cho biết: Hiện toàn xã có trên 50.000 con gia súc, gia cầm. Có 1 trang trại nuôi trâu, bò, 2 trang trại nuôi lợn quy mô trên 200 con/trang trại, 3 trang trại nuôi gà quy mô 2.000 - 3.000 con/trang trại, 1 trang trại nuôi thỏ quy mô trên 300 con. Địa phương luôn xác định phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại là tiền đề để phát triển kinh tế tập thể. Vì vậy, hàng năm chính quyền xã luôn quan tâm hỗ trợ người dân về kỹ thuật chăn nuôi, hỗ trợ con giống, vật tư, tổ chức tiêm phòng cho đàn vật nuôi, hướng dẫn cách chăn nuôi an toàn để sản xuất hiệu quả. Ngày càng có nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới nâng cao tại địa phương.

 Anh Nguyễn Văn Trung, xã Trọng Quan luôn dự trữ khoảng 20 tấn rơm làm thức ăn cho trâu bò. 

Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày