Thứ 4, 13/11/2024, 07:54[GMT+7]

Làng “đón tết”... dưới ao

Thứ 3, 27/12/2022 | 08:26:20
10,739 lượt xem
Vào những ngày tết cổ truyền, nếu người người mặc quần áo đẹp, ấm áp, xúng xính du xuân hoặc quây quần bên mâm cơm gia đình thì nông dân thôn Đức Long, xã Duy Nhất (Vũ Thư) lại ngâm mình dưới ao sâu lạnh buốt để thu hoạch rau cần cung cấp thực phẩm ngày xuân. Vất vả mưu sinh, bù lại bà con có thu nhập 20 - 30 triệu đồng mỗi vụ rau tết.

Dịp tết cổ truyền là những ngày cao điểm người dân thôn Đức Long, xã Duy Nhất (Vũ Thư) thu hoạch, vận chuyển rau cần đi tiêu thụ.

Làng rau cần truyền thống

Là người dân thôn Đức Long, ông Phạm Xuân Dung, 70 tuổi không rõ nghề trồng rau cần quê mình có từ bao giờ, chỉ biết từ khi ông còn thơ ấu đã thấy bà con trồng loại rau ưa nước này. Tận dụng địa bàn nhiều ao, hồ, cứ tháng Giêng, bà con thả cá, đến tháng 9 tiến hành thu hoạch cá và trồng rau cần. Có 2 vụ rau cần, vụ rau sớm và vụ rau tết, trong đó vụ rau tết là chủ lực. Trước kia, vào những ngày giáp tết, các ao ở Đức Long phủ kín rau cần, không có ao bỏ trống, tuy nhiên mấy năm gần đây, lao động trẻ đã đi công ty, xí nghiệp, hầu hết các hộ chỉ trồng được 1 lứa rau cần vụ tết, một vài hộ bỏ trống ao. Gia đình ông Dung hiện là một trong số hộ có diện tích rau cần lớn trong thôn, với 4 sào rau cần, quay vòng 2 lứa, thu nhập được khoảng 50 - 70 triệu đồng mỗi năm từ cây rau cần.

Vừa nhanh tay dặm tỉa cho ao rau cần vụ tết, bà Nguyễn Thị Loan vừa sôi nổi kể chuyện làng nghề quê hương. Bà cho biết, trồng rau cần rất vất vả, trước kia người thôn Đức Long phải gánh bộ vài chục cây số để mua rau cần giống hoặc đi bán rau cần, có khi kẽo kẹt đôi quang gánh trên vai đi bộ 1 - 2 ngày mới về đến nhà. Khi theo nước cho rau cần lớn, cũng phải tát nước thủ công bằng gầu, ngày nay có máy bơm điện nên bà con đỡ được một khâu. Cực nhọc nhất là khâu thu hoạch rau cần, thậm chí ngày tết cũng phải dầm mình dưới bùn nước lạnh buốt để rửa cần. Nghề trồng rau cần vất vả nên từ xa xưa, bà con đùa nhau rằng con gái các làng bên “hãi” lấy chồng, làm dâu Đức Long. Tuy vậy, con trai làng chưa ế bao giờ, thậm chí nhờ chịu thương chịu khó, cuộc sống của bà con luôn no đủ, tươm tất hơn so với khu vực xung quanh.

Trồng rau cần tuy vất vả nhưng bù lại chi phí đầu tư không nhiều, mỗi sào chỉ cần từ 1 - 2 triệu đồng giống, sử dụng tro bếp làm phân bón và theo nước để rau lớn lên, không cần bất cứ loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nào khác. Bà con duy trì trồng giống rau cần ta, rau xanh, có mùi thơm nồng, vị ngọt đậm. Có lẽ vì thế rau cần Đức Long trở thành đặc sản, hiếm khi ế. Bà con tiêu thụ rau ở các chợ quanh vùng và chợ Nam Định.

Làng “đón tết”... dưới ao

Về làng nghề truyền thống rau cần Đức Long, câu chuyện cả làng “đón tết” dưới ao luôn làm các vị khách ngạc nhiên, ấn tượng. Bà Phạm Thị Dung, người có thâm niên trồng rau cần hơn 50 năm ở thôn Đức Long chia sẻ: Vụ rau tết được coi là vụ rau chính của dân làng vì vào những ngày tết, nhu cầu tiêu thụ rau cần tăng cao, rau dễ bán, giá thường cao gấp 1,5 - 2 lần so với thông thường. Bắt đầu từ ngày 27, 28 tháng Chạp đến ngày mùng 5, mùng 6 tết, đồng loạt các ao thu hoạch rau cần, không khí sôi nổi, gấp gáp. Những ngày này, thông thường lao động ở các công ty, xí nghiệp, học sinh đã được nghỉ tết, sẽ tập trung hỗ trợ ông bà, bố mẹ thu hoạch rau cần. Các gia đình tranh thủ sắm sửa, bày biện theo đúng nghi thức ngày tết truyền thống, tuy nhiên mọi khâu được tổ chức đơn giản, khẩn trương để dành thời gian thu hoạch, bán rau cần. Riêng việc thăm hỏi, chúc tết, bà con tranh thủ đi trước hoặc đi sau, tránh thời gian cao điểm này.

Ông Phạm Xuân Dung cho biết thêm, rau cần được giá và bán chạy nhất là ngày 30 và ngày mùng 2 tết. Vì thế, hầu hết người dân trong thôn đón giao thừa xong là nhanh chóng xuống ao nhổ, rửa, bó rau cần. Đến sáng sớm ngày mùng 1 tết Nguyên đán, bà con tạm dừng thu hoạch rau cần, tranh thủ sắp mâm cơm thắp hương tổ tiên, cùng nhau ăn bữa cơm năm mới và đón tiếp họ hàng, khách đến chúc tết. Sau đó, mỗi hộ cử 1 người đại diện ở nhà tiếp khách đến chúc tết, còn lại mọi người nhanh chóng xuống ao tiếp tục công việc thu hoạch và vận chuyển rau cần đi các chợ bán. Thậm chí có hộ neo người mà ao rau cần lớn thì cửa mở để đón khách, nhưng người đến chúc tết phải ra tận ao mới gặp chủ nhà. Dường như hiểu và thông cảm với vất vả, nhọc nhằn của người dân, khách đến chúc tết vui vẻ ngồi trên bờ ao vừa xem vừa trò chuyện, chúc tết trong lúc gia chủ vừa đáp lời vừa tất bật thu hoạch rau cần. Có hộ còn chủ động kê bộ bàn ghế nhỏ, bày sẵn bánh kẹo, hoa quả ở một góc bờ ao, khách đến chơi có thể đón tiếp ngay ở bờ ao, không mất thời gian di chuyển mà vẫn có dịp trò chuyện, chúc tết.

“Vất vả, thiệt thòi vì ngày tết chẳng được nghỉ ngơi, chơi tết nên các con, các cháu ở xa về thường khuyên chúng tôi bỏ vụ rau cần tết, nhưng nó là nghề truyền thống của cha ông, chúng tôi không thể bỏ được. Cũng không hẳn vì thu nhập rau cần ngày tết cao mà ngày tết, nhu cầu tiêu thụ mạnh, chúng tôi trồng rau ra, dễ bán, bà con phấn khởi. Rau cần thu hoạch ngày nào, ăn ngày đó mới ngon, để vài ba hôm, rau không còn tươi ngon nữa. Ngày tết, chúng tôi muốn dành những mớ rau ngon nhất phục vụ nhân dân ăn tết, vì vậy có vất vả, thiệt thòi một chút cũng không sao” - bà Vũ Thị Nhàn, thôn Đức Long chia sẻ.

Ông Phạm Văn Thâu, Trưởng thôn Đức Long cho biết: Địa hình nhiều ao, hồ tạo điều kiện cho bà con phát huy nghề truyền thống trồng rau cần dịp cuối năm. Hiện nay thôn có trên 50 hộ trồng rau cần với diện tích hơn 10 mẫu, chủ yếu ở khu dân cư Trung Long. Rau cần là cây dễ trồng, đòi hỏi ít vốn đầu tư, tuy vất vả ở khâu thu hoạch nhưng thu nhập đạt từ 8 - 15 triệu đồng/sào/lứa, cao gấp nhiều lần cây lúa. Đây là động lực để người dân thôn Đức Long gắn bó với nghề truyền thống cha ông để lại.

Nông dân thôn Đức Long chủ động trồng lứa rau cần mới phục vụ thị trường tết Nguyên đán.


Quỳnh Lưu