Thứ 7, 23/11/2024, 22:00[GMT+7]

Kỹ sư Việt làm máy gieo hạt tự hành

Thứ 4, 04/01/2023 | 08:28:04
2,647 lượt xem
Nhóm kỹ sư tại Thành phố Hồ chí Minh chế tạo máy gieo hạt tự hành đạt năng suất 5 - 6 ha trong 1,5 giờ hoạt động, tiết kiệm được hạt giống do kỹ thuật rải đều.

Kỹ sư Nguyễn Văn Dương (trái) cùng đồng nghiệp thiết lập các thông số điều khiển cho máy gieo hạt tự hành tại một triển lãm ở TP HCM. Ảnh: Hà An.

Video: 7t_l%C3%A0m_m%C3%A1y_gieo_h%E1%BA%A1t_t%E1%BB%B1_h%C3%A0nh.mp4?_t=1672795608

 Máy gieo hạt tự hành do anh Trần Văn Dương và các kỹ sư tại TP HCM phát triển.

Máy có tên TS-150E do kỹ sư Trần Văn Dương (44 tuổi) cùng với 10 chuyên gia cơ khí và lập trình phát triển. Nhóm thiết kế máy có thể chạy tự động dựa trên các chỉ số về diện tích gieo hạt, hành trình di chuyển, phạm vi rải hạt đã được lập trình. Khi sắp hết pin hay hết hạt giống, máy sẽ tự quay về nạp và tiếp tục trở lại vị trí làm dở cho đến khi hoàn thành mảnh ruộng. "Người dùng chỉ cần thiết lập các chỉ số trên máy tính, giám sát máy hoạt động từ xa trong phạm vi dưới 1 km bằng cần điều khiển", anh Dương nói. Máy có tỷ lệ nội địa hóa hơn 70%.

Máy được thiết kế kích thước dài 1,2 m, rộng 1,2 m, cao 1,140 m, trọng lượng khoảng 160 kg. Thùng chứa dung tích 150 lít (tương đương 100 kg hạt giống). Khi nhận hạt giống từ thùng thông qua hệ thống cuốn, hai đĩa quay trên máy sẽ bắn các hạt giống ra ruộng trong phạm vi từ 5 - 7 m theo hàng. Tốc độ quay được điều chỉnh để phạm vi gieo hạt thay đổi theo ý muốn người dùng. Máy di chuyển bằng hệ thống xích cao su, tốc độ chạy 4 - 7 m/s, khi đến cuối hàng sẽ giảm tốc độ và duy trì ổn định 7 m/s khi chạy trên hàng. Phía trước bánh xích có cần gạt giúp làm phẳng đất và lấp dấu vết để lại khi di chuyển.

Theo anh Dương, so với gieo bằng tay, sản phẩm có thể tiết kiệm 20 - 30% hạt giống do máy rải đều trên mặt ruộng, giúp nông dân tiết kiệm chi phí và giải phóng sức lao động. So với gieo hạt bằng máy bay không người lái, sản phẩm cho năng suất 5 - 6 ha với một lần sạc pin, tức gấp 15 lần (máy bay phải mất ba lần sạc pin để hoàn thành xong một hecta ruộng). "Ngoài vấn đề pin, máy bay không người lái chỉ hoạt động tốt khi thời tiết thuận lợi và phải xin phép khi bay. Còn máy gieo tự hành không gặp phải những khó khăn này", anh Dương nói.

Để quản lý dữ liệu trong quá trình hoạt động, nhóm tự phát triển phần mềm quản lý, cài đặt các chỉ số thiết lập trên cần điều khiển. Khi hoạt động trên ruộng, phần mềm sẽ lưu lại dữ liệu để tự hoạt động trong các vụ sau.

Theo Phan Thanh Truyền, chuyên gia phần mềm, nhóm mất thời gian gần một năm cùng các cộng sự để lập trình điều khiển hệ thống. Hệ thống được thiết kế thành nhiều cụm module, cài đặt vi điều khiển kết nối các bộ phận, lưu dữ liệu để hiển thị trên thiết bị cầm tay. "Sản phẩm đang trong giai đoạn thử nghiệm, dự kiến trong năm sau sẽ tung ra thị trường", Truyền cho biết. Giá bán dự kiến 350 - 500 triệu đồng tùy phiên bản.

Chia sẻ về con đường đến với ý tưởng phát triển thiết bị, anh Dương cho biết, sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, từ nhỏ ra ruộng phụ cha mẹ gieo hạt thủ công nên thấu hiểu những vất vả của người nông dân. Tốt nghiệp kỹ sư ngành điện tử - viễn thông, Đại học Bách khoa TP HCM năm 2001, anh tìm hiểu thị trường máy nông cụ trong nông nghiệp. Đến năm 2013, anh bắt đầu nghiên cứu chế tạo các thiết bị bay không người lái phục vụ nông nghiệp như phun, tưới, trong đó có công đoạn gieo hạt. Tuy nhiên, khi các thiết bị của anh chưa hoàn thiện thì thị trường tràn ngập các drone xuất xứ từ Trung Quốc, giá thành rẻ. Khó cạnh tranh, anh quyết định chuyển hướng sang sản xuất máy gieo sạ tự hành.

Kỹ sư Dương cho biết, thị trường sản phẩm gieo hạt khá lớn, đặc biệt là khu vực Tây Nam Bộ nơi có nhiều cánh đồng lớn và là vựa lúa gạo của cả nước. "Nhóm đã thử nghiệm sản phẩm tại một cánh đồng ở An Giang để nhìn ra những bất cập và cải tiến sản phẩm", anh Dương nói.

Ông Lê Trung Hiếu, chuyên gia điện tử, Giám đốc công ty công nghệ Ewater cho biết, hiện trên thị trường có nhiều máy gieo hạt, tuy nhiên, sản phẩm của nhóm ứng dụng công nghệ điều khiển từ xa là khá mới. Ông cho rằng, sản phẩm có tính ứng dụng cao nhưng cần cải tiến hệ thống di chuyển. Việc nhóm sử dụng hệ xích cao su là không phù hợp với địa hình ruộng miền Tây, vì nhiều vị trí bị lún đến 50 cm, khiến bánh xích không thể hoạt động.

Ông Hiếu cũng nhìn nhận chi phí đầu tư cho một máy là quá lớn trong khi thời gian sử dụng chỉ 2 - 3 lần trong năm theo vụ lúa. "Sản phẩm có thể phù hợp với các công ty làm dịch vụ nông nghiệp khi họ đầu tư máy để phục vụ nông dân", ông Hiếu nói.

Theo: vnexpress.net