Thứ 7, 23/11/2024, 14:49[GMT+7]

Làm giàu từ trồng nấm

Thứ 6, 06/01/2023 | 10:07:17
3,463 lượt xem
Nông dân Trần Văn Doanh, thôn Hưng Đạo, xã Bình Định, huyện Kiến Xương là một trong những hội viên tiêu biểu, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nấm sò, nấm mộc nhĩ, nấm linh chi đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm cho 5 lao động của địa phương. Anh được Hội Nông dân tỉnh tặng bằng khen vì những đóng góp tích cực trong thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.

Nông dân Trần Văn Doanh chủ yếu sản xuất nấm sò, nấm mộc nhĩ, nấm linh chi.

Khởi nghiệp với nghề trồng nấm từ năm 2013, khi đó anh Doanh chỉ có gần 200m2 nhà xưởng để trồng nấm. Kinh nghiệm chưa có, khách hàng còn ít nên thời gian đầu đi vào sản xuất gặp rất nhiều khó khăn trong việc sản xuất, kinh doanh. Anh Doanh chia sẻ: Trước kia, tôi cũng như bao nông dân khác, thấy các hộ dân trồng nấm đem lại hiệu quả kinh tế cao cũng muốn làm theo. Tuy nhiên, vụ đầu tiên do kinh nghiệm của bản thân còn hạn chế, máy móc thiết bị chưa có nên quá trình chăm sóc cây nấm kém phát triển, sản phẩm không được như mong muốn, giá thành vì thế cũng giảm đi. Mặc dù gặp thất bại ngay lần đầu tiên nhưng gia đình tôi vẫn quyết tâm bám trụ với cây nấm. Tôi tìm mua những giống nấm thuần chủng từ các viện nghiên cứu trên Hà Nội, vào các tỉnh phía Nam để học cách họ làm phôi trồng nấm.

Hiện nay, cơ sở trồng nấm của anh Doanh đã mở rộng lên 1.500m2 với nhà giàn treo, hệ thống tưới nước giữ ẩm tự động, anh đầu tư thêm máy băm rơm, máy trộn nguyên liệu, máy sấy để nâng cao hiệu quả sản xuất nấm. Anh Doanh không sản xuất nhiều loại nấm mà chỉ tập trung làm nấm sò, nấm mộc nhĩ và nấm linh chi. Mỗi năm anh thu từ 15 - 18 tấn nấm các loại, thu nhập hơn 500 triệu đồng. 

Anh Doanh cho biết: Thị trường hiện nay có rất nhiều cơ sở cung cấp nấm sò, nấm mộc nhĩ, chính vì thế tôi phải nghĩ ra hướng đi mới cho cơ sở của mình. Sản phẩm nấm linh chi được tôi áp dụng vào sản xuất từ năm 2018, thời điểm đó cây nấm còn nhỏ, khi thu hoạch và sấy khô thì trọng lượng cũng kém hơn. Sau 4 năm tích lũy kinh nghiệm từ những thất bại đến vụ thu hoạch nấm linh chi năm 2021 tôi đã thành công nhờ biết cách giữ độ ẩm, tạo không khí thoáng mát để cây nấm phát triển to, thân dày hơn, hàm lượng dinh dưỡng trong cây nấm vì thế cũng cao hơn. Hiện nay tôi bán cả nấm linh chi tươi và linh chi sấy khô, thị trường tiêu thụ chủ yếu ở Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố khác. Đặc biệt, ngay khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, sản phẩm nấm linh chi của tôi được người dân tìm mua, sử dụng nhiều để nâng cao sức khỏe. Trồng nấm sò hay nấm linh chi thì quan trọng là phải tạo môi trường thoáng mát, nhiệt độ luôn ổn định và phôi nấm chất lượng để cây phát triển. Tôi đã thu mua rất nhiều rơm rạ của nông dân trong, ngoài xã để ủ hoai mục, vào tận các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Bình để mua gỗ cao su về làm phôi, tạo nguồn phôi bảo đảm an toàn cho cây nấm. Thời gian tới, tôi sẽ đầu tư thuê thêm 3 mẫu đất để mở rộng cơ sở trồng nấm.

Ông Nguyễn Tiến Du, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Định đánh giá: Hội viên Trần Văn Doanh là một trong những nông dân tiêu biểu của xã Bình Định. Anh đã mạnh dạn mở cơ sở trồng nấm sò, nấm mộc nhĩ và nấm linh chi cho thu nhập cao. Hội Nông dân xã đã phối hợp tổ chức các lớp tham quan, học tập kinh nghiệm trồng nấm của anh Doanh để nhiều hội viên học, làm theo; giúp đỡ anh Doanh tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, vận động hội viên không đốt rơm rạ mà bán cho cơ sở sản xuất nấm của anh Doanh để tăng thêm thu nhập. Từ mô hình này, chúng tôi mong các cấp hội nông dân sẽ quan tâm hơn nữa đến tình hình sản xuất, kinh doanh của hội viên, có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích những mô hình mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao để họ có thêm cơ hội đầu tư sản xuất, làm giàu chính đáng trên quê hương.

Những phôi nấm linh chi được nông dân Trần Văn Doanh chăm sóc cho chất lượng cao.

Tiến Đạt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày