Thứ 3, 19/11/2024, 19:45[GMT+7]

Thái Bình: Vươn mình thu hút đầu tư

Thứ 3, 24/01/2023 | 07:55:08
20,395 lượt xem
Thái Bình đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư lớn cả trong nước và ngoài nước. Nhiều nhà đầu tư nhận xét Thái Bình có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hàng đầu hiện nay ở khu vực phía Bắc bởi địa phương có hệ thống giao thông kết nối, mặt bằng sạch, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, thiết chế minh bạch, chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư tối đa và cấp ủy, chính quyền luôn đồng hành với doanh nghiệp.

Khu công nghiệp Tiền Hải.

Thái Bình giờ đây không còn là vùng đất ốc đảo cách trở với ba mặt sông, một mặt biển bởi hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại, kết nối với các tỉnh trong vùng đồng bằng Bắc Bộ và tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Trong 2 năm qua, hàng loạt tuyến đường mới được mở ra, nhiều tuyến đường cũ được nâng cấp như quốc lộ 10, quốc lộ 39, quốc lộ 37, tuyến đường bộ ven biển, đường tỉnh 454, tuyến đường từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn, hệ thống tuyến đường trục kết nối với các khu chức năng trong Khu kinh tế Thái Bình... Mạng lưới giao thông đường bộ của Thái Bình hiện có hơn 150km quốc lộ, hơn 300km đường tỉnh và gần 8.900km đường huyện, đường đô thị, chuyên dùng. Ngoài ra, hệ thống đường giao thông nông thôn cũng được xây dựng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, vận tải hàng hóa phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và tạo ra sức hút đầu tư mạnh mẽ.

Nhằm tạo ra lợi thế thu hút đầu tư, ngay từ năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, cấp ủy, chính quyền tỉnh đã xác định tập trung chỉ đạo tạo sự chuyển biến trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch phục vụ các dự án phát triển kinh tế. Đến nay, hàng nghìn héc-ta đất của Khu kinh tế, 8 khu công nghiệp, 49 cụm công nghiệp đã được giải phóng mặt bằng phục vụ cho nhà đầu tư triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật đáp ứng các dự án thứ cấp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Ông KC Chen, Phó Tổng giám đốc Compal Việt Nam chia sẻ: Chúng tôi vừa quyết định đầu tư dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp các thiết bị điện tử như máy tính xách tay, đồng hồ, màn hình led... vào khu công nghiệp Liên Hà Thái tại Thái Bình vì giao thông thuận tiện, nguồn nhân lực dồi dào, công tác bảo vệ môi trường tốt và nhất là có mặt bằng sạch, đủ lớn đáp ứng nhu cầu của dự án.

Sản xuất tại Công ty TNHH Kỹ thuật hoạt hình Firstunion Việt Nam (cụm công nghiệp Thụy Sơn, huyện Thái Thụy).

Không chỉ có lợi thế về quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp, Thái Bình cũng huy động mọi nguồn lực để đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp, cụm công nghiệp bảo đảm đồng bộ, hiện đại. Với chủ trương xã hội hóa nguồn lực đầu tư, Thái Bình kêu gọi được hàng chục nhà đầu tư hạ tầng, đầu tư hàng nghìn tỷ đồng san lấp mặt bằng, xây dựng hệ thống đường giao thông, điện, viễn thông, cấp thoát nước, xử lý nước thải tập trung cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phục vụ các dự án thứ cấp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Có thể nói, môi trường đầu tư, kinh doanh của Thái Bình những năm gần đây không ngừng được cải thiện. Đồng chí Vũ Kim Cứ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ: Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện thứ hạng PCI là nhiệm vụ trọng tâm của Thái Bình. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 sẽ đứng trong nhóm từ thứ 15 - 10 trong bảng xếp hạng PCI. Theo đó, tỉnh tập trung rà soát, sửa đổi, xây dựng mới các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực về đất đai, tài chính, lao động và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư. Đặc biệt, Thái Bình triển khai quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, đơn giản, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đồng thời nâng cao chất lượng điều hành kinh tế thông qua bộ công cụ chỉ số DDCI.

Để thu hút đầu tư các dự án của các tập đoàn kinh tế, nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, có thương hiệu toàn cầu đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh tại Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư. Trong đó có các chính sách đặc biệt hỗ trợ ưu đãi đầu tư vào Khu kinh tế với mức tối đa bao gồm ưu đãi về đơn giá thuê đất; hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào; hỗ trợ chi phí san lấp mặt bằng; hỗ trợ chi phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải; hỗ trợ đào tạo lao động; hỗ trợ các thủ tục hành chính về đầu tư nhanh gọn, một đầu mối tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Sản xuất tại Công ty Cổ phần Kỹ thương Thiên Hoàng (khu công nghiệp Tiền Hải).

Mặc dù tạo ra hệ sinh thái hấp dẫn để thu hút đầu tư song Thái Bình không thụ động chờ các nhà đầu tư tìm đến mà chủ động xúc tiến quảng bá, mời gọi các tập đoàn, doanh nghiệp lớn ở trong nước và nước ngoài từ châu Á tới châu Âu. Trong năm 2022, tỉnh đã thành lập 5 đoàn công tác đi xúc tiến đầu tư tại Thụy Điển, Na Uy, Pháp, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Ngoài giới thiệu tiềm năng, thế mạnh trong thu hút đầu tư của tỉnh, các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng khẳng định và cam kết mạnh mẽ sẽ đồng hành, hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư đến nghiên cứu đầu tư, triển khai dự án và kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, ngày 19/9/2022, Thái Bình đã thành lập Văn phòng Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư vào tỉnh Thái Bình tại Hàn Quốc (Korea Desk Thai Binh) nhằm kịp thời cung cấp thông tin môi trường đầu tư, cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ thủ tục hành chính về đầu tư cho các doanh nghiệp Hàn Quốc muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Các hoạt động xúc tiến đầu tư trực tiếp của các đồng chí lãnh đạo cao nhất của tỉnh đã khẳng định cấp ủy, chính quyền tỉnh Thái Bình không phó mặc cho nhà đầu tư hạ tầng mà luôn đồng hành trong hoạt động kêu gọi, thu hút đầu tư nên càng củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư thứ cấp, doanh nghiệp quyết định lựa chọn Thái Bình là điểm đến đầu tư. Ngay sau những chuyến xúc tiến đầu tư ở nước ngoài, Thái Bình đã đón đoàn doanh nghiệp các nước Bắc Âu, đoàn công tác của Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại Napoli, Italy đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, làm việc với một số doanh nghiệp kết nối hợp tác đầu tư, xuất khẩu hàng hóa; hàng chục doanh nghiệp Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản đã trực tiếp đi khảo sát địa điểm đầu tư tại các cụm công nghiệp, khu công nghiệp, Khu kinh tế và quyết định đưa những dự án triệu đô la vào Thái Bình.

Bức tranh thu hút đầu tư của Thái Bình thực sự tươi mới và khởi sắc. Năm 2021, tỉnh thu hút được 89 dự án với tổng vốn đăng ký 20.041 tỷ đồng, tăng gấp 4,7 lần so với năm 2020, trong đó có 8 dự án FDI với vốn trên 545 triệu USD đưa Thái Bình vươn lên đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố về thu hút số lượng và quy mô dự án FDI. Năm 2022, tỉnh thu hút được 104 dự án với tổng số vốn khoảng 32.000 tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với năm 2021, trong đó vốn FDI trên 660 triệu USD. Những con số đó và xu hướng dòng chảy đầu tư vào tỉnh đã khẳng định sức hút đầu tư mạnh mẽ của Thái Bình, một địa bàn chiến lược cho các nhà đầu tư muốn mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh. Với đà tăng trưởng trong thu hút đầu tư như hiện nay, Thái Bình đang tạo ra thế và lực mới để đưa kinh tế cất cánh, xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh để sớm đạt được mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá vào năm 2025, đến năm 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu và đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt ra.

Khắc Duẩn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày