Chủ nhật, 17/11/2024, 17:55[GMT+7]

Cơn sốt ChatGPT càn quét Trung Quốc

Thứ 2, 13/02/2023 | 10:47:55
2,575 lượt xem
Người dùng Trung Quốc tìm cách dùng ChatGPT, trong khi các công ty tạo chatbot riêng hoặc tích hợp công cụ của OpenAI vào sản phẩm.

Ảnh phản chiếu ChatGPT xử lý nội dung bằng tiếng Trung. Ảnh: Reuters

Tương tự Việt Nam, ChatGPT hiện chưa cho người dùng Trung Quốc đăng ký tài khoản, nhưng vẫn thu hút sự quan tâm lớn.

Tech Xinyi, reviewer công nghệ với hơn 6 triệu người theo dõi trên Weibo, sử dụng ChatGPT để so sánh smartphone Huawei và Xiaomi. Anh cho biết mình "bị sốc" bởi câu trả lời AI đưa ra, thậm chí lo sợ "những người có ảnh hưởng công nghệ có thể bị thay thế trong tương lai".

Hãng phân tích Caitong Securities đã công bố một báo cáo về ngành phẫu thuật thẩm mỹ do ChatGPT viết trong một giờ. Bài phân tích dài 6.500 từ, đề cập đến định nghĩa, lịch sử, giá trị thị trường và các quy định của ngành. Theo đánh giá của chuyên gia Liu Yang từ Caitong, ChatGPT "tương đối tốt trong việc diễn đạt văn bản và viết tiêu đề, nhưng mắc lỗi rõ ràng về dấu câu và thuật ngữ".

Theo SCMP, từ khóa ChatGPT nằm trong danh mục xu hướng trên các nền tảng xã hội như Weibo, Douyin, QQ... nhiều tuần qua. Nhiều người tìm cách sử dụng AI này để viết luận, xem công thức nấu ăn hay viết mã máy tính.

Sự nổi tiếng của ChatGPT khiến giá cổ phiếu của các công ty Trung Quốc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tăng vọt. Cổ phiếu Beijing Haitian Ruisheng Science Technology tăng 217%, Hanwang Technology lên 129%, tiếp đến là CloudWalk Technology và TRS Information Technology tăng tương ứng 128% và 66%.

Các chuyên gia đánh giá việc ChatGPT tương tác và trò chuyện trôi chảy bằng tiếng Trung Quốc là điều giúp thúc đẩy việc áp dụng chatbot không chính thức ở quốc gia này. Ding Daoshi, Giám đốc công ty tư vấn Sootoo tại Bắc Kinh, nói với Reuters: "Không như metaverse gặp khó khăn trong việc tìm kiếm ứng dụng thực tế, ChatGPT bất ngờ giúp mọi người đạt được sự tương tác giữa người và máy tính. Những thay đổi này mang lại kết quả lập tức, trực tiếp và nhanh hơn".

Để giúp người dùng tiếp cận ChatGPT dễ dàng hơn, các công ty tại Trung Quốc cũng đã tạo các bot tích hợp ChatGPT từ cuối năm ngoái. Hồi tháng 12/20222, WeChat, ứng dụng nhắn tin lớn nhất của Trung Quốc, phải đóng một số chương trình liên quan đến ChatGPT xuất hiện trên mạng.

Tuy vậy, chúng vẫn tiếp tục mọc lên. Hàng trăm bot trang bị công nghệ ChatGPT vẫn xuất hiện trên WeChat, cho phép người dùng tạo tài khoản tương tác tự động. Một số tài khoản thậm chí tính phí 9,99 nhân dân tệ (34 nghìn đồng) để đặt 20 câu hỏi.

Các công ty Trung Quốc cũng sử dụng công cụ proxy hoặc quan hệ đối tác hiện có với Microsoft - tập đoàn đang đầu tư hàng tỷ USD vào OpenAI - để truy cập các công cụ riêng, cho phép họ nhúng ChatGPT vào sản phẩm của mình. Chẳng hạn, Proximai tại Thâm Quyến đã giới thiệu nhân vật ảo 3D sử dụng công nghệ của ChatGPT để trò chuyện. Hãng game NetEase cũng có kế hoạch triển khai công nghệ "mô hình ngôn ngữ" trong mảng giáo dục.

Xây dựng chatbot AI riêng

Không chỉ ứng dụng công nghệ OpenAI, một số công ty Trung Quốc còn đang tự phát triển chatbot riêng. Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba tuần trước thông báo viện nghiên cứu Damo Academy của họ đang xây dựng một công cụ tương tự ChatGPT.

Trong khi đó, theo Reuters, hãng tìm kiếm Baidu sẽ hoàn thành thử nghiệm nội bộ Ernie Bot - mô hình chatbot AI mà công ty đã nghiên cứu từ năm 2019 - vào tháng 3 tới. Baidu dự kiến triển khai AI này dưới dạng ứng dụng độc lập, sau đó dần hợp nhất vào dịch vụ tìm kiếm của mình.

Theo Will Duan, người sáng lập Proximai, rủi ro về các vấn đề tiềm ẩn trong dài hạn của ChatGPT sẽ thúc đẩy các công ty Trung Quốc tự triển khai mô hình AI với những tính năng tương tự. "Tôi hy vọng giải pháp thay thế có thể xử lý tiếng Trung tốt hơn, tuân thủ quy định tốt hơn cũng như hỗ trợ người dùng nhanh hơn", Duan nói.

Theo vnexpress.net