Thứ 7, 23/11/2024, 17:59[GMT+7]

Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) Phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực biên giới biển

Thứ 4, 22/02/2023 | 08:24:06
11,026 lượt xem
Khu vực biên giới biển Thái Bình có vùng biển rộng trên 3.000km2, 54km bờ biển trải dài trên địa bàn 14 xã, thị trấn thuộc 2 huyện Thái Thụy, Tiền Hải. Thực hiện quan điểm chỉ đạo “Mỗi bước phát triển kinh tế là một bước tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh”, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực biên giới biển, đạt được những kết quả tích cực.

Diễn tập huy động tàu thuyền tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Phát huy lợi thế huyện ven biển, những năm qua Tiền Hải đã tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân. 

Ông Nguyễn Xuân Khánh, Bí thư Huyện ủy cho biết: Cấp ủy, chính quyền huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện toàn diện các nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng khu vực phòng thủ; đầu tư xây dựng các công trình phòng thủ biển, đường tuần tra, hệ thống đê, kè sông ven biển; phối hợp tích cực trong quản lý bảo vệ biên giới biển; kết hợp xây dựng các công trình lưỡng dụng lâu dài vừa phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế vừa bảo đảm cho nhiệm vụ quốc phòng, tạo thế trận vững chắc trong khu vực phòng thủ, nâng cao khả năng bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Việc triển khai thực quy hoạch chung Khu kinh tế Thái Bình, quy hoạch các phân khu, quy hoạch khu công nghiệp, các cụm công nghiệp, quy hoạch đô thị... trên địa bàn huyện đều được gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh (QPAN). Đến nay, hệ thống hạ tầng KT-XH gắn với bảo đảm QPAN trên địa bàn được quan tâm đầu tư với nhiều công trình trọng điểm như: đường 221A, tuyến đường số 7 quốc phòng, tuyến đường cứu hộ, cứu nạn 221D. Huyện cũng được đầu tư bê tông hóa hệ thống đê biển, đê sông, xây dựng và đưa vào hoạt động hiệu quả hạ tầng khu vực cồn Vành, bến cá Nam Thịnh, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại Cửa Lân... Các địa phương, đơn vị trên địa bàn tích cực phối hợp thực hiện nhiệm vụ nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự khu vực biên giới biển, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, bảo vệ môi trường sinh thái biển...

Cũng như Tiền Hải, những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Thái Thụy luôn xác định phát triển KT-XH gắn với bảo đảm QPAN khu vực biên giới biển là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương. 

Bà Thái Thị Thu Hường, Bí thư Huyện ủy cho biết: Thái Thụy đã thực hiện tốt công tác quản lý, đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, đê biển, các dự án phát triển kinh tế biển, quy hoạch xây dựng nông thôn mới gắn với quy hoạch đất quốc phòng, công trình quốc phòng. Các vùng bãi ven biển, ven sông được đưa vào quản lý nuôi trồng, khai thác thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Huyện đã duy trì, phát huy có hiệu quả đội tàu vận tải biển, xác định đây là lực lượng vừa làm kinh tế vừa là lực lượng tự vệ hoạt động trên biển, góp phần bảo vệ an ninh vùng biển. Lực lượng vũ trang huyện được tập trung xây dựng chính quy, tinh nhuệ, giữ vai trò nòng cốt trong công tác sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, diễn tập chiến đấu trong khu vực phòng thủ, lao động sản xuất, phòng, chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn và góp phần giữ vững ổn định chính trị ở cơ sở...

Những năm qua, Thái Bình chú trọng đầu tư phát triển KT-XH vùng biển, tạo bước đột phá trong tăng trưởng kinh tế, gắn với tăng cường tiềm lực QPAN; đồng thời tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo của Tổ quốc. Các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, cơ chế chính sách phát triển kinh tế biển được tỉnh đề ra và thực hiện khá đồng bộ, hiệu quả, huy động được tổng hợp các nguồn lực để đầu tư phát triển. Trong đó, nhiều chủ trương, chính sách đã đi vào cuộc sống như: hỗ trợ, bảo vệ ngư dân đánh bắt hải sản xa bờ; khuyến khích ngư dân vươn khơi bám biển, khai thác thủy hải sản để đóng vai trò là “cột mốc sống” trên biển, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí trên 120 tỷ đồng hỗ trợ vay vốn đóng mới tàu cá, hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa, duy tu, sửa chữa và bảo hiểm hàng hải, tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển phát triển kinh tế. 

Khu kinh tế Thái Bình đang được đẩy mạnh xây dựng, tích cực thu hút đầu tư, vừa là “bàn đạp” tiến ra biển vừa là “đầu tàu” kéo kinh tế các địa phương trong tỉnh cùng phát triển. Cùng với đó, hệ thống đường giao thông khu vực ven biển, trong Khu kinh tế, tuyến đường kết nối tuyến đường bộ ven biển với các đô thị trong tỉnh, các trung tâm kinh tế vùng và các địa phương lân cận được đầu tư bảo đảm cho phát triển KT-XH, nâng cao đời sống của nhân dân; đồng thời đây cũng là tiền đề sẵn sàng chuyển trạng thái đáp ứng các nhiệm vụ QPAN, phòng, chống thiên tai, cứu nạn, cứu hộ... Các huyện ven biển đã được quan tâm, đầu tư xây dựng, hình thành nhiều khu sản xuất, đánh bắt, chế biến hải sản lớn, nhiều mô hình kinh tế biển mang lại hiệu quả cao. Các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và các ngành sản xuất, kinh doanh được tỉnh khuyến khích đẩy mạnh. Hệ thống hạ tầng điện, nước sạch, viễn thông và hệ thống cơ sở y tế, giáo dục đào tạo được đầu tư nâng cấp ngày càng hiện đại, đồng bộ, tạo thuận lợi cho giao thương, kết nối liên vùng, phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân và tăng cường tiềm lực QPAN trên khu vực biên giới biển.

Cùng với đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng triển khai nhiều chủ trương, giải pháp bảo vệ Tổ quốc trên khu vực biên giới biển; thực hiện nghiêm việc kiện toàn, tổ chức, biên chế, xây dựng lực lượng đúng quy định; phát huy vai trò nòng cốt xây dựng tuyến biên giới biển vững mạnh; duy trì nghiêm chế độ nền nếp sẵn sàng chiến đấu, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý bảo vệ an toàn chủ quyền vùng biển; giữ vững an ninh tuyến biển và đấu tranh có hiệu quả việc tranh chấp trên biển, bảo vệ ngư trường, tính mạng, tài sản của nhân dân. Thực hiện tốt việc đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật, tàu thuyền, nhân lực sẵn sàng huy động khi có tình huống... góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển của Tổ quốc.

Bộ đội Biên phòng hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển.

 Trịnh Cường - Tiến Đạt