Thứ 5, 14/11/2024, 23:32[GMT+7]

Cứ địa an sinh

Thứ 6, 24/02/2023 | 15:42:56
4,889 lượt xem
Cách ngày nay khoảng hơn 1.000 năm, làng Vũ Hạ, xã An Vũ, huyện Quỳnh Phụ là một xóm nhỏ của của làng Hạ thuộc Vạn Đường trang, huyện Đa Dực, lộ Hải Đông (tỉnh Hải Dương ngày nay). Thời vua Lý Cao Tông (1176 - 1210), xóm nhỏ làng Hạ địa thế an cư, nhân khang, vật thịnh thu hút nhiều dân cư các vùng về sinh cơ lập nghiệp. Để tiện việc cai quản đất đai, nhân sự, các bô lão trong xóm “đệ trình” quan huyện cho tách xóm, lập ấp. Được sự đồng ý của quan huyện Đa Dực, xóm nhỏ làng Hạ được chuyển thành ấp. Do từ xa xưa, nhân dân làng Hạ trồng nhiều mía nên khi tách xóm lấy tên là ấp Mụa (tên gọi nôm cây mía) nhưng vẫn trực thuộc Vạn Đường trang...

Diễn xướng dân gian tục cướp Nẫm được tổ chức tại đình làng Vũ Hạ, xã An Vũ, huyện Quỳnh Phụ, di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc cấp tỉnh, đã được đăng ký bảo vệ.

Các nguồn khảo luận cho biết, đất Vạn Đường thời nhà Lý (1010 - 1225) là thực ấp vua Lý ban thưởng cho một hoàng thân quốc thích trong triều vì có công đánh thắng quân Tống xâm lược. Ấp Mụa ngày ngày được nhân dân khai khẩn, mở mang thành những cánh đồng thâm canh lúa nước, hoa màu tốt tươi đóng góp khối lượng quân lương lớn cho triều đình. Những cánh đồng màu mỡ như đồng Thiên, đồng Khuôn, đồng Đống, đồng Mai, đồng Túc, đồng Bái, đồng Yến, đồng Gia, đồng Túc (Tước)… gợi nhớ một thuở hào hùng của dân tộc “thực túc, binh cường”. Thời nhà Mạc thế kỷ XVI, nhằm khai thác lợi thế đất đai trù mật, dân cư đông đúc lại tiện đường phòng thủ, triều đình nhà Mạc bắt dân chúng khai sâu lạch nước giữa Vạn Phúc và ấp Mụa thành con sông Cô để lập tuyến phòng thủ. Sông Cô vô tình chia tách ấp Mụa với Vạn Đường trang. Thời nhà Trần, do gần căn cứ A Sào, thực ấp của An Sinh vương Trần Liễu và là nơi Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn luyện binh, người dân xóm Mụa có nhiều công lao giúp quân đội nhà Trần trong việc huy động quân lương nên Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn ban tặng cho nhân dân ấp Mụa bốn chữ vàng “Vũ ấp dân nghĩa” vì đã có công lớn giúp Hưng Đạo vương và nhà Trần ba lần đánh thắng giặc Nguyên Mông. Truyền ngôn, hơn 5 thế kỷ, đến thế kỷ XVI làng Vũ Hạ đã chính thức là một làng riêng biệt. Quá trình mở ấp, lập làng, hội tụ dân cư kéo dài nhiều thế kỷ đã tạo dựng một dáng vẻ cổ kính của một làng quê. Theo ngọc phả của làng trong quá trình hội tụ dân cư người dân bản địa luôn sẵn lòng đón đồng bào từ các nơi đến lập nghiệp, sinh sống cùng nhau lao động chuyên cần xây dựng làng ngày thêm trù phú. Làng thờ Nhị vị thành hoàng là Lý Rong Xuyên và Trần Lôi Nhạc. Thành hoàng làng thứ nhất Lý Rong Xuyên đại vương đời Lý Cao Tông (1176 - 1210). Tương truyền, mới 10 tuổi ngài đã học hành tinh thông, thi đỗ làm quan. Bấy giờ trong nước thường xảy ra lụt lội do đê điều bị vỡ, đường sá sụt lở nhiều nơi. Ngài vâng mệnh vua đem quân đi trị thủy, ngang qua Vạn Đường trang, ngài dừng chân ở ấp Mụa thấy phong tục tốt đẹp, dân chúng no đủ bèn dựng doanh trại ở đây. Trị thủy xong, ngài về triều báo công rồi mất. Triều đình ban sắc phong làm Phúc thần, tôn hiệu là Rong Xuyên đại vương, sắc phong dân trang ấp Mụa dựng đền thờ, phong thành hoàng. Vị thành hoàng thứ hai là Trần Lôi Nhạc. Ngài tên húy là Ngạn, thi đỗ Cao đệ năm Bính Dần (1266), đời vua Trần Thánh Tông, được triều đình phong chức quan Đại phu. Làm quan được một thời gian, ngài cởi bỏ mũ áo từ quan, xin vua cho về sống ở ấp Mụa. 

Trước đó, ngài đã từng theo vua đi dẹp giặc Chiêm. Khi giặc Nguyên Mông tràn sang cướp nước ta, ngài được cử làm Đốc tướng, có công đánh giặc giải vây cho vua Trần Nhân Tông ở Đông Bộ đầu. Sau đó ngài lại cùng Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn giăng lưới sắt ở Lục Đầu Giang, chém được tướng giặc Nguyễn Bá Linh. Ngài về sống với dân ấp Mụa, hôm ấy làng mở hội, đang cuộc vui, bỗng dưng trời nổi giông gió, mây đen ùn ùn kéo đến, mưa như trút nước, đến đêm mưa gió yên hàn, dân làng không thấy ngài đâu, sáng ra thấy ngài đã hóa ở gốc đa quán đầu làng.

Trong một vùng đất cổ, các làng trong vùng, ngoài tên chữ thường có tên Nôm. Người dân trong vùng đã ví về tên các làng và nét riêng của một làng: “Vọng Lỗ cầm bút, Vọng Lỗ sổ/Đại Điền lắm ruộng, Đại Điền phe/Vũ Hạ trồng mía, Vũ Hạ mụa/An Dục cầm dao, An Dục rọc”. Làng Vũ Hạ ngày xưa đã nổi tiếng trong giới nho sĩ và trong nhân dân. Tương truyền ông đồ làng Vũ Hạ đến dạy học ở làng Kỳ Trọng (nay thuộc xã Đông Hà, huyện Đông Hưng) lúc sắp tan học thì trời liền có mưa. Thầy đồ làng Vũ Hạ liền ra vế đối: “Lất phất mưa rơi làng Vũ Hạ”. Thầy vừa đọc xong thì học trò Hoàng Kỳ người làng Phong Lôi liền đối: “Ầm ì sấm động đất Phong Lôi”. Làng Vũ Hạ, hiểu nghĩa là mưa rơi còn làng Phong Lôi nghĩa là sấm sét, nhờ đó mà nhiều người biết đến làng Vũ Hạ. Thế nhưng, cũng ít người biết làng Vũ Hạ còn là một làng từng có đội hát tuồng. Làng Vũ Hạ biết hát tuồng rất sớm, cách đây 500 - 600 năm. Các bậc cao niên làng Vũ Hạ kể, sau ngày miền Bắc được giải phóng (1954) gánh tuồng được đổi thành đội tuồng, đội tuồng Vũ Hạ được sự cổ vũ của nhà hát tuồng trung ương, của ty văn hóa (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) lại cho cả trang phục, phông màn để khuyến khích đội tuồng biểu diễn. Những năm 60 - 70 thế kỷ XX đội tuồng Vũ Hạ có danh mục 23 vở diễn cả tuồng, chèo, có một số vở tiêu biểu như: Tam quốc diễn nghĩa (5 hồi), Phụng Nghi Đình, Mộc Quế Anh, Tiết Linh Sơn, Tiết giao đàn ngọc, Sơn Hậu (3 hồi), Thất huyền quyền, Bách đao từ hải thọ, Quân sư Dự Nhượng, Chiêu Quân cống Hồ, Đề Thám, Lưu Bình Dương Lễ, Quan Âm Thị Kính, Trương Viên,... Đội tuồng không chỉ đi diễn ở các xã trong huyện Phụ Dực (nay là Quỳnh Phụ) mà còn sang diễn ở huyện lân cận Vĩnh Bảo (Hải Phòng), diễn ở huyện Tiên Hưng (nay là Đông Hưng).... Năm 1975, đội tuồng tham gia hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn quốc được thưởng 1 huy chương vàng cho tập thể, 3 huy chương vàng cho cá nhân.

Hội làng vào trung tuần tháng 3 âm lịch, một tập tục đẹp của làng được duy trì nhiều đời, nhiều thế hệ, đã bị mai một, hiện đang được khôi phục lại, đó là tục “diệt ôn dịch” bảo vệ mùa màng và tục “cướp Nẫm” cầu cho mùa màng bội thu rất linh ứng. Một nhà người dân được chọn làm nơi dựng cây Nẫm trong làng có gia phong nền nếp, con cái “đủ nếp, đủ tẻ” nghĩa là có con trai và con gái, khỏe mạnh, gương mẫu, khá sung túc…. Sau khi làm lạt, đến công đoạn đập dập tre chẻ làm “cọng” lúa (cọng tre dài 0,43m) đầu cọng tre đập dập. Lấy cọng tre dùng lạt mai buộc bông lúa đã phơi khô để làm “bông Nẫm” (từ Hán nghĩa là lúa), dán thêm mảnh giấy xanh nhỏ gọi là “hổ phù” vào bông lúa tượng trưng cho “ôn dịch” cần phải diệt trừ để “thần linh” chứng giám.

Đêm trước ngày kết thúc hội, làng tổ chức lễ trừ tịch và cướp Nẫm cầu may. Từ tối, dân làng và khách thập phương kéo đến đình làng nghe hát chèo, hát tuồng, nghe kể vè… Trước khi vào nghe hát, làng làm lễ “xin Keo” bằng hình thức gieo đài “âm dương”. Người được cử gieo đài “xin Keo” gọi là “trưởng Tùm”. Cách 3 giờ là đến nửa đêm (canh 1), trưởng Tùm cùng các tổ Tùm được phép vào cung cấm “cắm” Nẫm dựng thẳng đứng gắn với một phiến đá to. Đến thời khắc, nghe một hồi chiêng, trống, dân làng tập trung đèn, đuốc bên ngoài, tốp trai làng khỏe mạnh độ tuổi mười tám mặc quần áo đỏ, đầu chít khăn đỏ “khiêng” rước cây Nẫm từ trong cung cấm ra cửa đình. Trong tiếng chiêng khua, trống giục, tiếng hò reo đuổi trừ ôn dịch, mọi người lao vào “cướp Nẫm”. Một người chỉ được phép “cướp” một bông Nẫm mang về mới linh ứng.


Quang Viện