Thứ 7, 23/11/2024, 18:31[GMT+7]

Những quy tắc nằm lòng khi lái xe vào ban đêm

Thứ 7, 25/02/2023 | 19:57:53
2,530 lượt xem
Cần giữ cơ thể tỉnh táo, biết cách sử dụng đèn pha và điều tiết tốc độ để việc lái xe vào ban đêm an toàn hơn.

Nút chỉnh độ sáng bảng đồng hồ táp-lô (trái) bên cạnh cụm nút chỉnh gương. Ảnh: ISSautomotive

Lái xe buổi đêm được chứng minh là mang lại nhiều rủi ro hơn ban ngày. Theo Cơ quan An toàn Giao thông Cao tốc Quốc gia Mỹ (NHTSA), khả năng xảy ra tai nạn chết người vào ban đêm cao gấp ba lần tại Mỹ. Có nhiều nguyên nhân để lý giải, như lái xe trong tình trạng buồn ngủ, mệt mỏi hay tầm nhìn bị hạn chế.

Sau đây là các cách để giúp tài xế ngăn ngừa tối đa rủi ro cho bản thân và phương tiện khác khi lái xe vào ban đêm.

Hạn chế sự mệt mỏi

NHTSA cho biết thời điểm dễ xảy ra tai nạn khi lái xe trong tình trạng buồn ngủ là từ nửa đêm đến 6 giờ sáng. Do đó, hãy cảnh giác với các phương tiện khác trên đường khi lái xe trong thời gian này. Ngoài ra, tài xế nên ngủ đủ giấc trước hành trình, dừng lại nghỉ ngơi giữa chặng đường thường xuyên, thỉnh thoảng hạ cửa sổ để lấy không khí trong lành, hoặc uống cà phê để tỉnh táo.

Vệ sinh gương kính

Kính chắn gió bẩn hoặc nứt có thể khiến ánh sáng từ đèn đường/đèn từ phương tiện khác bị phân tán, gây ra hiện tượng chói. Tương tự, đèn xe bẩn hoặc nứt sẽ giảm độ sáng hoặc làm chói mắt các tài xế khác. Chủ xe nên vệ sinh toàn bộ đèn, gương, kính bên trong và ngoài trước khi khởi hành.

Giảm độ sáng bảng đồng hồ táp-lô và đèn nội thất

Bảng đồng hồ táp-lô quá sáng có thể gây ảnh hưởng đến tầm nhìn của tài xế, nhất là khi lái xe vào trời tối trên đường vắng, ít đèn đường. Hầu hết các loại ôtô hiện nay đều có chức năng chỉnh độ sáng bảng đồng hồ táp-lô, một số có khả năng chỉnh tự động. Bên cạnh đó, chủ xe cũng có thể giảm độ sáng các loại đèn nội thất để dễ dàng quan sát xung quanh khi lái xe lúc trời tối.

Hạn chế nhìn vào đèn phương tiện hướng đối diện

Để tránh chói mắt, tài xế không nên nhìn trực diện vào đèn của các phương tiện hướng đối diện. Thay vào đó, chuyển tầm mắt hướng nhẹ xuống dưới và sang phải, nhưng không rời mắt khỏi đường đi, đồng thời sử dụng vạch kẻ đường bên phải để làm mốc xác định xe đi đúng hướng. Khi phương tiện có đèn chói đã đi khỏi, đưa mắt về vị trí thông thường.

Sử dụng đèn pha đúng cách

Các trung tâm dạy lái xe an toàn tại Mỹ khuyến cáo tài xế không nên sử dụng đèn pha khi phía trước 150 mét có phương tiện đi hướng ngược lại, vì trong phạm vi này đèn pha có khả năng cao làm chói mắt các phương tiện khác. Tương tự, không sử dụng đèn pha khi bám đuôi xe khác, vì lúc này đèn chiếu vào gương hậu xe phía trước, gây chói cho tài xế.

Các dòng xe mới hiện nay thường được trang bị công nghệ để giải quyết các vấn đề trên, như đèn pha thích ứng, tự động hạ đèn khi có xe phía trước, hoặc gương hậu chống chói tự động.

Giảm tốc độ

Số liệu từ NHTSA chỉ ra các vụ tai nạn liên quan đến chạy quá tốc độ chiếm 37% số ca tử vong do lái xe vào ban đêm tại Mỹ, so với mức 21% vào ban ngày. Buổi tối đường vắng hơn buổi sáng, tài xế có thể lái xe nhanh hơn, tuy nhiên khi chạy nhanh cần nhiều khoảng cách để dừng xe khi có chướng ngại vật phía trước.

Lấy ví dụ khoảng cách cần thiết để dừng an toàn khi xe di chuyển 80 km/h (theo khuyến cáo của chính quyền Queensland, Australia) là 70 mét, khoảng cách chiếu sáng hiệu quả của đèn ôtô thông thường là 50 mét, thấp hơn mức khuyến cáo. Chính vì thế khi lái xe trong đêm, tài xế nên giảm tốc độ để có nhiều thời gian quan sát, phản ứng với các tình huống nguy hiểm.

Chỉnh lại đèn

Nếu đèn hướng lên cao, xe không còn chiếu sáng hiệu quả và làm chói mắt các phương tiện phía trước, nếu đèn quà thấp, chủ xe sẽ không thấy đường phía trước. Hiện nay trên thị trường có nhiều cơ sở dịch vụ chuyên cân chỉnh đèn, hoặc các chủ xe có thể đến xưởng dịch vụ chính hãng để đề nghị dịch vụ này.

Theo vnexpress.net 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày