Thứ 7, 23/11/2024, 19:14[GMT+7]

Chuyển biến ở vựa rau Trung An

Chủ nhật, 26/02/2023 | 20:38:17
2,074 lượt xem
Thành lập HTX nông nghiệp xanh, xây dựng thành công vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP cho thấy quyết tâm của chính quyền, người dân Trung An (Vũ Thư) trong xây dựng chuỗi liên kết, chuyển đổi phương thức sản xuất hướng tới nền nông nghiệp ngày càng bền vững.

Mô hình trồng su hào ngồng giống Nhật của ông Phùng Văn Nghĩa cho hiệu quả kinh tế cao.

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để chuyển đổi, phát triển sản xuất an toàn, theo hướng hữu cơ để đạt nhiều mục tiêu lớn như: bảo đảm sức khỏe của người tiêu dùng và cải thiện môi trường tự nhiên; sản phẩm có đầu ra bền vững hơn... Theo đó, cả nông dân và chính quyền xã Trung An cùng vào cuộc triển khai thực hiện.

Vừa trực tiếp sản xuất vừa đứng ra thu mua rau tiêu thụ cho người dân, hơn ai hết, ông Phùng Văn Nghĩa hiểu rõ sự biến chuyển của thị trường, người tiêu dùng về yêu cầu chất lượng an toàn thực phẩm đối với mặt hàng rau xanh. 

Ông Nghĩa chia sẻ: Gia đình tôi hiện có trên 1 mẫu trong vùng sản xuất VietGAP của xã, chuyên canh các loại rau như xà lách, hành, mồng tơi. Trước đây, khi nghe đến sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, chúng tôi thấy xa vời, phức tạp lắm. Tuy nhiên, được cán bộ ngành nông nghiệp, HTX tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật tôi thấy cũng dễ thực hiện. Trồng rau theo chuẩn VietGAP thì sản phẩm làm ra đều bảo đảm chất lượng, an toàn, góp phần bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường; đặc biệt hiệu quả kinh tế tăng gấp 2 lần so với cách làm truyền thống trước đây, tiêu thụ lại rất ổn định. Nắm chắc kỹ thuật canh tác rau an toàn nên tôi mạnh dạn đưa cây su hào ngồng giống Nhật về trồng. Đây là cây trồng phù hợp với đồng đất địa phương, cho thu hoạch ngồng sau 45 - 50 ngày trồng, thời gian thu hoạch kéo dài trong 2 tháng nên giảm nhiều chi phí đầu tư so với các loại cây truyền thống. Với giá bán từ 70.000 - 120.000 đồng/kg, hứa hẹn là cây trồng cho giá trị, hiệu quả kinh tế cao.

Ông Trịnh Văn Điều, Giám đốc HTX nông nghiệp xanh xã Trung An cho biết: Trung An là địa phương có truyền thống sản xuất rau màu từ nhiều năm nay với diện tích chuyên canh đạt 40ha. Trước yêu cầu ngày càng cao về chất lượng an toàn thực phẩm của người tiêu dùng, trồng rau an toàn đang là một trong những hướng phát triển bền vững của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, trước đây nông dân chủ yếu canh tác theo kinh nghiệm, chưa thực hiện đúng quy trình sản xuất rau an toàn nên chất lượng rau chưa bảo đảm. Do vậy, tuy đã hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn nhưng chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của địa phương. Năm 2022, được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp, đặc biệt là Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, địa phương được quy vùng, xây dựng được vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 10ha, khoảng 70 hộ dân tham gia, sản xuất theo chuỗi liên kết khép kín. HTX cung ứng vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật đồng thời bao tiêu sản phẩm cho bà con. Toàn bộ rau an toàn vùng VietGAP được sơ chế, đóng gói, dán tem có chứng nhận VietGAP, truy xuất nguồn gốc, đưa vào hệ thống chuỗi siêu thị Go, siêu thị Vincom tại Thái Bình và tiêu thụ tại một số tỉnh lân cận. Đặc biệt, vừa qua sản phẩm rau xà lách xoăn được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện đánh giá đạt tiêu chuẩn 3 sao. Hơn nữa, địa phương cũng nhận được hỗ trợ của tỉnh, huyện trong cứng hóa kênh mương phục vụ tưới tiêu. Đây sẽ là tiền đề để người dân yên tâm đầu tư sản xuất.

Hiện nay, ngoài canh tác theo lối truyền thống, nông dân Trung An đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa nhà màng vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, giá trị kinh tế trên cùng một diện tích. Toàn xã có 6 nhà màng, tổng diện tích 3.000m2. Đang sở hữu 1.500m2 nhà màng, ông Vũ Văn Thuần, thôn An Lộc cho biết: Nếu như sản xuất truyền thống, với mỗi loại rau chỉ có một vụ chính vụ thì với nhà màng, tôi có thể trồng quanh năm. Hơn nữa, canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, rau sinh trưởng tốt, cho năng suất cao, giá bán cao hơn gấp 3 lần so với rau sản xuất thông thường.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết: Từ thành công của 10ha sản xuất theo hướng VietGAP tại xã Trung An cho thấy mô hình đã tạo sự chuyển biến tích cực trong tư duy sản xuất của bà con nông dân, từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, không còn tư tưởng chạy theo năng suất, lợi nhuận trước mắt mà chú trọng hơn vào chất lượng an toàn thực phẩm. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đồng hành cùng chính quyền địa phương, HTX xây dựng, phát triển thương hiệu cũng như đa dạng hóa kênh tiêu thụ tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm; tiếp tục phát triển, mở rộng diện tích canh tác theo hướng VietGAP cho toàn bộ diện tích chuyên canh rau từ đó góp phần ổn định thu nhập cho bà con cũng như cải thiện chất lượng, an toàn thực phẩm các sản phẩm, nâng cao sức khỏe cho người tiêu dùng.

Lưu Ngần

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày