Thứ 7, 23/11/2024, 13:58[GMT+7]

Không chủ quan với bệnh dại

Thứ 5, 09/03/2023 | 08:26:33
2,152 lượt xem
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nhóm B do virus dại gây ra. Bệnh thường gây tổn thương cấp tính hệ thần kinh trung ương và tử vong nếu không tiêm vắc-xin phòng bệnh kịp thời. Mỗi năm cả nước có khoảng 400.000 - 500.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vắc-xin phòng dại. Tại Thái Bình, hàng năm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh ghi nhận hàng trăm trường hợp bị chó, mèo cắn phải tiêm vắc-xin phòng dại; năm 2021 có 1 trường hợp tử vong do bệnh dại.

Người dân tiêm vắc-xin phòng bệnh dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Bác sĩ Trần Thị Gấm, Phó Trưởng khoa Khám bệnh và điều trị dự phòng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Hàng năm chúng tôi tiếp nhận rất nhiều trường hợp bị động vật có vú cắn đến tiêm vắc-xin phòng dại, trong đó chủ yếu là chó, mèo cắn. Riêng năm 2022 có gần 680 trường hợp và từ đầu năm 2023 đến nay hơn 140 trường hợp. Bệnh nhân đến tiêm ở các mức độ vết thương khác nhau, nặng nhất là mức độ 3 với những vết thương lớn hoặc vết thương ở vị trí có nhiều dây thần kinh như đầu các chi, vùng mặt, cổ, bộ phận sinh dục..., đây đều là những vết thương nguy hiểm. Các trường hợp nặng, vết cắn phức tạp thường phải tiêm cả huyết thanh.  

Theo các bác sĩ, bệnh dại lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương. Ngoài ra, virus dại còn có thể lây truyền từ người sang người qua cấy ghép mô, phủ tạng và vết cắn hoặc tiếp xúc với chất tiết của bệnh nhân bị dại. Khi phát bệnh sẽ có 2 thể chính gồm: thể viêm não và thể liệt. Cụ thể, ở thể viêm não, triệu chứng đầu tiên là sốt, nhức đầu hoặc kiệt sức, kèm theo chán ăn, mất ngủ, bồn chồn; đồng thời xuất hiện triệu chứng sợ nước, sợ gió. Giai đoạn tiến triển, bệnh nhân tăng tiết nước bọt nên không thể nhai, nuốt và thường xuyên khạc nhổ. Sau đó đồng tử bệnh nhân sẽ bị giãn nên mắt nhìn sáng long sòng sọc, co thắt hầu họng, xuất tinh tự nhiên, cường dương và sẽ tử vong nhanh chóng. Ở thể liệt xuất hiện triệu chứng liệt từ tay, chân đến các cơ, rối loạn tiểu tiện, đại tiện. Ngay khi liệt lan đến cơ hô hấp thì bệnh nhân sẽ tử vong, ở thể này người bệnh sẽ tỉnh táo hoàn toàn cho đến lúc tử vong. Thời gian ủ bệnh dại có thể dưới một  vài tuần hoặc hơn 1 năm phụ thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, vết thương nặng hay nhẹ, khoảng cách từ vết thương đến hệ thần kinh trung ương... Vết thương càng ở gần hệ thần kinh trung ương như mặt, cổ, đầu, ngón tay, cơ quan sinh dục ngoài... thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Bác sĩ Đặng Quang Huy, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Cho đến nay, bệnh dại chưa có thuốc chữa đặc hiệu. Tiêm vắc-xin vẫn là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất. Bệnh dại nguy hiểm nhưng người dân hoàn toàn có thể phòng tránh được với các biện pháp chủ động như tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm; không đùa nghịch, trêu chó, mèo để bị cắn. Cách ly, theo dõi những con chó, mèo mắc và nghi mắc bệnh dại. Vệ sinh, khử trùng tiêu độc toàn bộ chuồng, cũi, dụng cụ chăn nuôi, vận chuyển, môi trường thức ăn, chất thải, các vật dụng tiếp xúc với động vật bị mắc bệnh... Trường hợp bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút; nếu không có xà phòng thì phải rửa vết thương bằng nước sạch, tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70% hoặc dung dịch cồn iod hoặc những thuốc tương tự (nếu có), tuyệt đối không chà xát làm vết thương trầm trọng hơn. Sau khi vệ sinh vết thương, dùng gạc y tế hoặc vải sạch để băng bó vết thương cần đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để thăm khám tình trạng, điều trị càng sớm càng tốt và thực hiện việc tiêm phòng dại.

Để tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022 - 2030; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dại. Năm 2022, Sở Y tế Thái Bình cũng đã có văn bản về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại. Theo đó, yêu cầu các đơn vị cập nhật, theo dõi, giám sát diễn biến tình hình dịch bệnh dại trên người; bảo đảm nguồn cung cấp vắc-xin và huyết thanh kháng dại trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh công tác truyền thông và phổ biến các nội dung phòng, chống bệnh dại trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trung tâm y tế huyện, thành phố chủ động giám sát dịch tễ các trường hợp người nghi bị phơi nhiễm với virus dại; bảo đảm duy trì điểm tiêm vắc-xin và huyết thanh kháng dại trên địa bàn...

Hoàng Lanh