Chủ nhật, 10/11/2024, 09:55[GMT+7]

Vinh dự và trọng trách của nghệ nhân

Thứ 6, 31/03/2023 | 16:11:20
10,953 lượt xem
Năm 2022, phường rối nước Nguyên Xá, xã Nguyên Xá (Đông Hưng) vinh dự có thêm 1 nghệ nhân nhân dân (NNND) và 4 nghệ nhân ưu tú (NNƯT), nâng tổng số nghệ nhân đã được vinh danh của phường lên 3 NNND và 7 NNƯT. Đây là địa phương có đông nghệ nhân nhất ở lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh hiện nay. Niềm vui đi kèm trọng trách lớn lao mà mỗi nghệ nhân đều tự xác định cho mình trong hành trình truyền nghề rối nước cổ truyền của cha ông, nhất là khi nhiều nghệ nhân đều đã cao tuổi.

Các nghệ nhân phường rối nước Nguyên Xá (Đông Hưng).

Phường rối nước Nguyên Xá là một trong những cái nôi sản sinh ra nghệ thuật múa rối nước truyền thống. Trải bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử, hoạt động của phường dù có những giai đoạn khó khăn nhưng bằng tình yêu, quyết tâm bảo tồn vốn cổ của cha ông, phường vẫn luôn tìm được cách duy trì riêng và hoạt động chưa bao giờ đứt quãng. Hiện nay, phường có 18 thành viên, người trẻ nhất ngoài 30 tuổi, người cao tuổi nhất đã gần tuổi 80. Điều tuyệt vời là các thành viên đều thuần thục trong mỗi lớp lang của các trò diễn và có thể thay phiên đảm nhận mọi phần việc trong một buổi biểu diễn, từ lội nước, đóng cọc, kéo dây, gánh gồng, khuân vác... tới việc thể hiện những làn điệu chèo, lời ca dao mượt mà làm nền cho động tác của nhân vật rối ngoài sân khấu.

NNND Nguyễn Bá Thắng, người cao tuổi nhất của phường rối nước Nguyên Xá đã có gần 50 năm tâm huyết giữ gìn, phát triển nghệ thuật múa rối nước với mong muốn “Góp gom một chút nắng tàn/Chỉ mong nghề rối huy hoàng ngày sau”. Ông chia sẻ: Từ năm 1990, khi được bầu là phó phường, tôi luôn đặt ra cho mình trách nhiệm phải giữ gìn, bảo lưu nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương. Hiện nay, điều tôi thấy vui là lớp trẻ trong xã đã tìm đến để học hỏi kinh nghiệm biểu diễn. Các cháu muốn học, tôi sẵn sàng chia sẻ.

Niềm vui của ông Thắng cũng là niềm vui chung của các nghệ nhân phường rối nước Nguyên Xá hiện nay khi trong số 18 thành viên của phường có hơn nửa là những người trẻ - thế hệ kế cận của phường rối mai sau. Trong đó, có những gia đình bố mẹ truyền - con nối nghiệp múa rối như gia đình NNND Nguyễn Đình Bảy. Ông chia sẻ, dù nghề rối nước nhiều khó khăn, vất vả, lại không có điều kiện về kinh tế nhưng ông và vợ bằng tình yêu và niềm tự hào về nghề đã khuyến khích và truyền nghề cho con gái. Trong phường rối hiện nay, ngoài các thành viên nam, cũng chỉ có 2 thành viên nữ đang tham gia hoạt động, chính là vợ và con gái của ông. Muốn theo nghệ thuật múa rối nước, ngoài năng khiếu cần phải có lòng yêu nghề, niềm đam mê và sự kiên trì. Ông Bảy vui và hạnh phúc vì cả gia đình ông đang đồng lòng trên chặng đường nhân lên tình yêu và niềm tự hào với di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật múa rối nước cổ truyền.

Hoạt động trong phường rối nước đến nay đã hơn 50 năm, bà Nguyễn Thị Phương Lan, vợ NNND Nguyễn Đình Bảy luôn cảm thấy rất tự hào khi phường rối nước làng Nguyễn của bà có đông thành viên được vinh danh NNND, NNƯT. Công việc lao động đồng áng thường ngày dù vất vả, mệt nhọc nhưng bà Lan vẫn luôn dành thời gian cùng chồng tìm kiếm và truyền nghề cho những người trẻ có đam mê với rối nước. Bà Lan trăn trở: Tìm được người trẻ có đam mê nghệ thuật cổ truyền đã là khó, nhưng tìm được nữ giới có mong muốn gắn bó với rối nước lại càng khó hơn. Đồng thời, đây là bộ môn mang tính tập thể, cần có sự thấu hiểu và phối hợp nhịp nhàng trong mọi công đoạn biểu diễn để lời ca khi được cất lên trong cánh gà có thể phù hợp với từng cử chỉ, hoạt động của nhân vật rối ngoài sân khấu. Vì vậy, việc tập luyện của các thành viên phải diễn ra thường xuyên. Nếu như trước đây, việc truyền nghề đa phần hướng tới con cháu trong gia đình, dòng họ, người làng, thì nay, bất cứ ai có đam mê với nghề múa rối đều được các nghệ nhân tận tình chỉ bảo. Bà Lan cùng các nghệ nhân của phường rối nước mong mỏi có thể tổ chức nhiều buổi biểu diễn hơn nữa, đặc biệt đối với học sinh để lớp trẻ hôm nay hiểu hơn, yêu hơn, từ đó có mong muốn gắn bó, bảo lưu nghệ thuật cổ truyền của quê hương.

Qua 3 đợt phong tặng, 10 nghệ nhân đã được vinh danh của phường rối nước Nguyên Xá, tới nay chỉ còn 7 nghệ nhân. Trong số này cũng có nghệ nhân đã cao tuổi, khó khăn trong việc đi lại, sức khỏe yếu, nên không thể tham gia hoạt động biểu diễn của phường cũng như việc truyền nghề. Các nghệ nhân của phường mong mỏi hoạt động truyền nghề, bảo tồn nghệ thuật múa rối nước sẽ nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực hơn nữa từ các ngành chức năng, các đơn vị hoạt động ở lĩnh vực du lịch để múa rối nước mãi là niềm tự hào, tình yêu của người dân Thái Bình.

Nghệ nhân phường rối nước Nguyên Xá thường xuyên bảo dưỡng, sửa chữa các quân rối, sẵn sàng cho hoạt động biểu diễn. 

NNND Nguyễn Đình Bảy, trưởng phường rối nước Nguyên Xá (Đông Hưng)
Vinh dự và tự hào khi hiện nay, phường rối nước Nguyên Xá đã có 10 nghệ nhân được trao tặng danh hiệu NNND, NNƯT. Ngoài ra, còn có những thành viên của phường đã cống hiến với nghệ thuật rối nước trong nhiều năm vẫn đang từng ngày chung tay góp phần gìn giữ, bảo tồn nghệ thuật truyền thống. Trong thời gian qua, phường rối nước Nguyên Xá đã nỗ lực phối hợp cùng các nhà trường, các địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức biểu diễn tại nhà thủy đình của phường và một số lễ hội truyền thống. Vui mừng khi buổi biểu diễn nào cũng thu hút đông người xem. Mong muốn của nghệ nhân là có thêm nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến về du lịch và có thể tổ chức những buổi biểu diễn định kỳ để tạo công việc thường xuyên hơn cho các nghệ nhân của phường.

Bà Nguyễn Lan Anh, Giám đốc Công ty Du lịch Việt Thái Bình
Hơn 15 năm làm việc trong lĩnh vực du lịch, những trải nghiệm từ các đoàn khách nước ngoài giúp tôi càng nhận thấy giá trị văn hóa của rối nước là đặc sắc và cần được gìn giữ, phát triển. Thời gian qua, chúng tôi đã xây dựng một số chương trình tour trải nghiệm văn hóa, du lịch làng nghề để góp phần quảng bá đặc sản quê hương tới bạn bè, đối tác và khách du lịch trong nước, quốc tế. Chúng tôi cũng dựa trên nhu cầu của từng đối tượng khách du lịch để chọn lọc ra các tích trò phù hợp, kèm theo các phụ đề theo từng ngôn ngữ và thuyết minh về môn nghệ thuật dân gian theo tiến trình lịch sử phát triển. Quan trọng hơn cả, chúng tôi muốn cùng với các nghệ nhân đào tạo, truyền lửa cho nhiều thế hệ, để các bạn trẻ thêm hiểu và thêm yêu nghề truyền thống quê hương. Để làm tốt điều này, chúng tôi rất cần sự quan tâm, đồng hành của các cấp chính quyền, các cơ quan liên quan, của các công ty du lịch và sự hợp tác chặt chẽ, cùng phát triển của các nghệ nhân phường rối nước Nguyên Xá.

Thanh Hằng