Thứ 4, 13/11/2024, 06:59[GMT+7]

Dấu hiệu điện thoại bị theo dõi định vị

Chủ nhật, 16/04/2023 | 17:54:21
2,983 lượt xem
Điện thoại nóng bất thường, nhanh hết pin, xuất hiện phần mềm lạ là dấu hiệu cho thấy người dùng có thể đang bị theo dõi vị trí.

Một phần mềm theo dõi định vị trên điện thoại.

Trong khảo sát ngày 8/3 trên VnExpress, 41% trong số 2.000 người tham gia nói nghi ngờ bị theo dõi nhưng không thể xác minh và 33% cho biết từng bị theo dõi vị trí. Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Kỹ thuật Công ty Công nghệ an ninh mạng NCS, cho biết một trong những hình thức theo dõi định vị phổ biến nhất là âm thầm cài phần mềm độc hại trên smartphone.

Theo các chuyên gia của hãng bảo mật Kaspersky, người dùng có thể chủ động xác định điện thoại của mình có bị theo dõi định vị hay không nếu thấy một số dấu hiệu như: điện thoại chạy chậm bất thường, pin cạn nhanh hơn, máy nóng hơn, dữ liệu di động hết nhanh hơn.

Pin sụt nhanh

Dấu hiệu đầu tiên người dùng có thể để ý là pin sụt nhanh hơn bình thường. Các phần mềm gián điệp thường hoạt động liên tục để rà dữ liệu, chụp màn hình, gửi thông báo về máy chủ nên gây tốn pin.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp như pin bị chai, thời gian dùng smartphone cũng bị giảm đi đáng kể. Để kiểm tra độ chai của pin, người dùng iPhone có thể vào Cài đặt -> Pin -> Tình trạng pin và sạc. Nếu máy báo pin 95-100% nhưng chỉ dùng được trong vài giờ, khả năng cao điện thoại có ứng dụng chạy ngầm, trong đó có thể có phần mềm gián điệp. Nhưng nếu "sức khỏe" pin dưới 80%, việc thiết bị nhanh sụt pin là điều bình thường.

Trên smartphone Android, người dùng có thể kiểm tra pin bằng cách vào cài đặt, chọn dữ liệu về pin. Tùy nhà sản xuất, dữ liệu được tích hợp sẵn trong máy hoặc không. Nếu không có trong cài đặt mặc định, người dùng có thể tải về ứng dụng từ bên thứ ba trên CH Play, nhưng nêu lưu ý chọn app có lượt tải lớn, điểm đánh giá cao.

Ngốn dữ liệu di động

Dấu hiệu thứ hai của điện thoại bị theo dõi là dữ liệu di động bị ngốn nhiều bất thường. Các ứng dụng gián điệp cần kết nối mạng liên tục để gửi dữ liệu về máy chủ. Cách kiểm tra đơn giản là tắt Wi-Fi, chuyển sang dữ liệu di động. Nếu data di động bị hao bất thường dù chỉ mở các dịch vụ bình thường, điện thoại có thể bị dính phần mềm theo dõi. Tuy nhiên, người dùng cũng nên kiểm tra ứng dụng ngốn nhiều dữ liệu di động như game, phần mềm chụp ảnh, quay video xem có phát hiện bất thường không.

Trên điện thoại Android, có thể vào Cài đặt -> Sim và mạng di động -> Sử dụng dữ liệu di động. Tại đây, máy sẽ thống kê những phần mềm nào tiêu hao dữ liệu theo tuần, tháng. Phần cài đặt này tùy từng nhà sản xuất.

Với iPhone, có thể vào Cài đặt -> Di động -> Dữ liệu di động. Ngoài mức dữ liệu tiêu hao và so sánh với các ứng dụng khác, người dùng có thể tắt các app đang ngốn data trên iPhone.

Điện thoại nóng bất thường

Một số người từng bị theo dõi cho biết điện thoại của họ đột ngột nóng lên dù không chơi game hay xem video. Theo các chuyên gia, hai nguyên nhân kể trên (ngốn data, pin sụt nhanh) là lý do phần mềm gián điệp gây nóng máy. Một số điện thoại bị cài phần mềm theo dõi còn thường xuyên tự khởi động, sáng màn hình khi không sử dụng, không có thông báo, thậm chí tự bật micro, định vị.

Người dùng cũng nên kiểm tra xem cuộc gọi có âm thanh lạ, tin nhắn có ký tự thừa, danh bạ có liên lạc khả nghi hay không. Một số cho biết họ phát hiện trên trình duyệt có nội dung tìm kiếm lạ mà mình chưa hề thực hiện.

Điện thoại chạy chậm

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc máy chạy chậm như thời gian sử dụng lâu, ít dọn dẹp bộ nhớ cache, cài nhiều phần mềm không cần thiết. Tuy nhiên, người dùng cũng không nên loại trừ khả năng điện thoại bị cài mã độc nếu thiết bị có dấu hiệu như bị giật, lag thường xuyên, màn hình cảm ứng chậm, thời gian khởi động và tắt máy lâu hơn bình thường.

Làm gì để tránh bị theo dõi định vị

Ông Vũ Ngọc Sơn lưu ý phần mềm theo dõi ngày càng hoạt động tinh vi và đã có mã độc được cài cắm vào smartphone mà không để lộ bất thường, không làm nóng máy hay tiêu tốn pin. Do đó, người dùng cần thường xuyên kiểm tra ứng dụng được cài trên điện thoại và cảnh giác nếu thấy đòi hỏi nhiều quyền truy cập vị trí, tin nhắn, cuộc gọi, danh bạ, thẻ nhớ...

Để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng thiết bị, không nên cài phần mềm lạ, không rõ nguồn gốc hoặc ứng dụng đòi quá nhiều quyền. Ngoài ra, khi truy cập Internet, không nên bấm vào đường link lạ. Việc dùng thiết bị điện tử trôi nổi, không có xuất xứ rõ ràng cũng khiến nguy cơ bị theo dõi định vị cao hơn.

Với điện thoại Android, người dùng nên tắt tùy chọn tải và cài đặt ứng dụng không có trong CH Play. Trên iPhone, có một ứng dụng tên Cydia cho phép cài đặt phần mềm bẻ khóa. Nếu ứng dụng này bất ngờ xuất hiện trên điện thoại, nên gỡ bỏ lập tức.

Ngoài việc xóa phần mềm, ứng dụng nghi ngờ, cũng nên đổi mật khẩu các ứng dụng trên điện thoại. Không dùng mật khẩu yếu hoặc mặc định từ nhà sản xuất. Sau khi xóa app, cần xóa bộ nhớ cache để loại bỏ dấu vết nếu có của phần mềm gián điệp.

Tuy nhiên, các chuyên gia Kaspersky khuyến cáo một số mã độc không thể loại bỏ dễ dàng bằng cách gỡ cài đặt, thậm chí có thể tự cài lại sau khi đã gỡ. Do đó, nếu thấy nghi ngờ, nên khôi phục cài đặt gốc trên điện thoại, cập nhật hệ điều hành mới nhất. Trước khi thực hiện, cần sao lưu dữ liệu qua Google Cloud hoặc iCloud.

Theo vnexpress.net