Chủ nhật, 24/11/2024, 02:07[GMT+7]

Kiến Xương: Phát triển nuôi thủy sản trong ao bán nổi

Thứ 4, 19/04/2023 | 22:33:50
3,486 lượt xem
Nuôi thủy sản trong ao bán nổi là phương pháp nuôi mới, không cần đào ao, chỉ cần tạo dựng bờ trên mặt ruộng. Phương pháp này đang được một số nông dân huyện Kiến Xương áp dụng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với nuôi trong ao truyền thống.

Ông Phạm Văn Tính, xã Bình Định (Kiến Xương) hiện có 5,5ha ao bán nổi.

Năm 2020, ông Phan Tiến Hùng, thôn Nguyệt Lâm 1, xã Vũ Bình thuê, đầu tư trên 1 tỷ đồng cải tạo khu ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả rộng 1,5ha thành ao bán nổi nuôi cá. Ao nuôi diện tích lớn nhưng có hệ thống cho ăn, sục khí tự động nên không tốn quá nhiều nhân công. Vừa thu hoạch 40 tấn cá các loại, gia đình ông Hùng triển khai các biện pháp cải tạo ao để nuôi thả vụ mới. Năm 2022, do giá thức ăn cao khiến lợi nhuận giảm nhưng sau khi trừ chi phí, ông Hùng thu lãi 300 triệu đồng. 

Ông Hùng chia sẻ: Nuôi cá trong ao bán nổi có nhiều ưu điểm hơn so với nuôi cá trong ao truyền thống. Cụ thể, ao nuôi được thiết kế, bố trí nổi trên lưng chừng mặt ruộng nên giúp giảm chi phí làm ao bởi lẽ, ao chìm sâu hơn nên tốn công đào, tốn diện tích chứa đất, trong khi ao nổi chỉ cần đào từ 30 - 50cm, sau đó lấy lớp đất màu đắp thành bờ cao từ 1,5 - 2m là có thể đưa vào sử dụng, thuận lợi cho việc cơi nới, mở rộng diện tích khi cần. Việc không đào sâu cũng giúp ao nuôi giữ được mặt nền đáy ao cứng cáp, bằng phẳng, ít phải nạo vét bùn, rất thuận lợi cho việc thu hoạch và vệ sinh đáy ao. Ngoài ra, khi nuôi cá trong ao bán nổi, diện tích mặt nước được mở rộng, khả năng đón ánh sáng, gió cao hơn ao chìm; sóng nhiều, thoát khí tốt, phù hợp với việc nuôi mật độ cao.

Là một trong những hộ tiên phong nuôi thủy sản trong ao bán nổi, ông Phạm Văn Tính, xã Bình Định có diện tích ao bán nổi nhiều nhất ở huyện Kiến Xương với 5,5ha. Ông Tính quy hoạch thành 5 ao, nuôi thả các loại cá truyền thống và tôm thẻ chân trắng, trong đó có một ao nuôi cá giống để chủ động cho việc sản xuất. 

Ông Tính chia sẻ: Ao bán nổi có thể nuôi công nghiệp với mật độ cao nhưng dịch bệnh trên đối tượng nuôi giảm, cá sinh trưởng, phát triển nhanh hơn so với ao truyền thống bởi ao bán nổi đón lượng oxy nhiều hơn, có thể rút nước triệt để, phơi ải từ đó triệt tiêu được tàn dư trong ao nuôi, giảm mầm bệnh. Năm 2022, sau khi trừ chi phí tôi thu lãi trên 600 triệu đồng. Tuy nhiên, do đặc thù vùng chuyển đổi xa khu dân cư, tôi mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ cứng hóa giao thông, xây dựng trạm bơm, lắp đặt hệ thống điện để sản xuất ổn định.

Ông Bùi Ngọc Trìu, Chủ tịch UBND xã Bình Định cho biết: Phương thức nuôi cá trong ao bán nổi đơn giản, có thể tận dụng hệ thống mương máng cấp, thoát nước sản xuất lúa để phục vụ nuôi thủy sản, giúp tiết kiệm chi phí đầu tư, kiểm soát tốt dịch bệnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, khắc phục được tình trạng nông dân bỏ ruộng hoang hoặc tự phát chuyển đổi, manh mún. Đặc biệt, ao bán nổi giữ được nguyên hiện trạng của đất nên khi cần thiết có thể phục hồi lại được mặt bằng trồng lúa theo quy định. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vận động, hỗ trợ người dân mở rộng diện tích chuyển đổi, sau khi sản xuất ổn định sẽ liên kết thành lập các tổ hợp tác tiến tới chế biến, xây dựng thương hiệu.

Thực hiện đề án phát triển nuôi thủy sản trong ao bán nổi tỉnh Thái Bình giai đoạn 2022 - 2025, huyện Kiến Xương có 10 xã đăng ký với tổng diện tích quy hoạch phát triển thủy sản trong ao bán nổi 460ha. Đến nay, đã có 3 xã: Bình Định, Vũ Bình, Vũ Hòa thực hiện chuyển đổi với diện tích đạt 9,9ha, nuôi các loại cá nước ngọt, tôm thẻ chân trắng theo hình thức thâm canh, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 5 - 14 lần cấy lúa. Để khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương, đưa thủy sản thành ngành sản xuất quan trọng trong cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững, huyện Kiến Xương đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, chuyển đổi được 344ha đất trồng lúa hiệu quả thấp sang phát triển nuôi thủy sản trong ao bán nổi kết hợp với trồng lúa, trong đó 50% diện tích trở lên được cấp giấy chứng nhận nuôi tốt, xây dựng được ít nhất 3 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Để đạt được mục tiêu trên, huyện Kiến Xương chỉ đạo các xã rà soát, xác định những vùng trồng lúa hiệu quả thấp, thuận lợi cấp thoát nước, không nằm trong hành lang bảo vệ đê điều, không chồng chéo quy hoạch khác, xa khu công nghiệp, khu dân cư với diện tích tối thiểu 10ha để hình thành vùng tập trung.

Ao bán nổi có thể nuôi cá với mật độ cao hơn ao truyền thống.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày