Thứ 6, 15/11/2024, 12:27[GMT+7]

Độc đáo lễ rước nước ở lễ hội Tiên La

Chủ nhật, 30/04/2023 | 16:50:26
13,887 lượt xem
Rước nước là nghi lễ không thể thiếu trong lễ hội Tiên La, đây là nghi thức truyền thống biểu hiện tín ngưỡng cầu nước của nhân dân với ý nguyện cầu mong tổ tiên trợ giúp cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ rước nước diễn ra vào chiều ngày 10/3 âm lịch với sự tham gia thành kính, trang nghiêm của hàng nghìn người dân địa phương cùng du khách thập phương.

Lễ rước kiệu tại lễ hội đền Tiên La.

Lễ rước nước được thực hiện bằng cả đường thủy và đường bộ. Trước khi đoàn rước khởi hành các bậc cao niên làm lễ thỉnh Phật tại chùa Tiên Hương và nghinh rước chân hương đức Thánh Mẫu lên kiệu. Đoàn rước có sự tham gia nghinh kiệu của đoàn múa rồng, múa lân và trên 100 đoàn tế nam quan, nữ quan, tín đồ, lão làng và ban kinh sư, kèn đồng trống hội bát âm tạo nên một khung cảnh tráng lệ và nhộn nhịp quen thuộc của đời sống làng xã từ thời mở nước thu hút đông người dân và du khách tham gia với mong muốn được tận mắt chứng kiến lễ rước nước linh thiêng. 

Bà Nguyễn Thị Mận, thôn Dương Xá, xã Tiến Đức cho biết: Đoàn chúng tôi năm nào cũng đi rước nước để cầu cho mình sức khoẻ, con cháu được mạnh khoẻ may mắn; chúng tôi rất phấn khởi. Hôm nay về đền Tiên La thấy rất trang nghiêm và trang trọng.

Ông Quách Văn Thoan, thôn Tiên La, xã Đoan Hùng cho biết: Chưa năm nào, lễ rước nước được diễn ra quy mô, đông đảo như năm nay. Được tham gia lễ rước nước là niềm vui của người dân địa phương, ai cũng phấn khởi và mang theo niềm tin về một năm nhiều may mắn, mưa thuận gió hoà, sản xuất thắng lợi.

Màn múa rồng trong lễ rước nước tại lễ hội Tiên La.Thuyền rồng cập bến, đưa nước về đền dâng Phật Thánh.

Rước nước là nét văn hóa đặc sắc trong lễ hội Tiên La, không chỉ phản ánh đời sống tâm linh của cư dân nông nghiệp lúa nước với mong muốn cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt mà còn là truyền thống uống nước nhớ nguồn của ông cha ta, tri ân tưởng nhớ công ơn Đông Nhung Đại  tướng quân Vũ Thị Thục và các bậc tiền nhân đã có công với dân với nước.

Ông Vũ Văn Thắng, Ủy viên Ban Trị sự đền Tiên La, xã Đoan Hùng chia sẻ: Năm nay, chúng tôi bố trí 3 thuyền rồng, trống rong, cờ mở, dàn nhạc bát âm tấu khúc hành lễ rộn ràng đi từ đền Tiên La ra ngã ba sông Luộc giao với sông Hồng, sông Tiên Hưng để làm nghi thức lấy nước vào chum, bởi chính nơi đây mới có dòng nước trong sạch, tinh khiết. Các bậc cao niên thả vòng dây vải kết bện xuống sông và lấy gáo múc 9 gàu nước đổ vào chum với ý nghĩa trọn vẹn, đủ đầy và sinh sôi. Tập tục này cho đến nay luôn được coi là một nét văn hoá đặc biệt của lễ hội Tiên La và là nghi thức mở đầu cho các nghi thức khác tại lễ hội.

Chị Nguyễn Thị Diệp, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi đến với lễ hội, thấy không khí rất trang nghiêm, thành kính. Được chứng kiến các nghi thức tế lễ cảm thấy rất mới mẻ và hấp dẫn. Ðiều khiến tôi ấn tượng nhất trong lễ rước nước là hình ảnh đoàn người thật dài. Năm sau tôi sẽ cùng gia đình trở về đây để tham gia lễ hội.

Thuyền rồng chở các cụ cao niên trong làng tham gia lễ rước.

Các đoàn rước tham gia lễ rước bộ và rước thuỷ. Theo tục lệ, nước được lấy từ giữa sông, thể hiện sự trong lành, tinh khiết.

Lễ rước nước được bảo lưu, gìn giữ trong lễ hội Tiên La đã tạo nên nét văn hóa độc đáo, đặc sắc trong di sản văn hóa phi vật thể của lễ hội, thể hiện ý chí cộng đồng hướng về nguồn cội, nhắc nhở các thế hệ nhân dân giữ gìn đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. 

Thanh Thuỷ- Thanh Tùng