Trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021
Sáng 24/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiến hành nghe các báo cáo về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021.
Bội chi ngân sách nhà nước tương đương 4% GDP, nợ công trong giới hạn cho phép
Trình bày Báo cáo quyết toán NSNN năm 2021, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp quản lý, điều hành chi NSNN năm 2021 chủ động, chặt chẽ. Trong đó, đã quán triệt quan điểm tập trung ưu tiên, nỗ lực cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân.
Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã nghiêm túc thực hiện chi ngân sách bám sát dự toán được giao; rà soát, cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước , tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để tập trung nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19.
Tuy nhiên, trong thực hiện, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; việc tổ chức triển khai thực hiện một số chính sách bảo đảm an sinh xã hội còn chậm; số chuyển nguồn kinh phí sang năm sau còn lớn; việc quản lý sử dụng kinh phí NSNN ở một số bộ, ngành, địa phương còn sai phạm; việc chấp hành thời hạn báo cáo quyết toán chưa bảo đảm theo đúng quy định.
Bộ trưởng Tài chính cũng báo cáo về tình hình bội chi NSNN, các khoản vay của NSNN và nợ công. Theo đó, dự toán bội chi NSNN là 343.670 tỷ đồng, bằng 4% GDP; quyết toán là 214.053 tỷ đồng, bằng 2,52% GDP thực hiện, giảm 129.617 tỷ đồng (37,7%) so với dự toán.
Về tổng mức vay của NSNN, dự toán là 608.569 tỷ đồng; quyết toán là 455.927 tỷ đồng, giảm 152.642 tỷ đồng (25,1%) so với dự toán.
Các đại biểu Quốc hội dự phiên họp sáng 24/5. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).
Đến cuối năm 2021, tổng số nợ công là 3.616.484 tỷ đồng, bằng 42,65% so với GDP. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN là 21,47%. Như vậy, các chỉ tiêu nợ công năm 2021 trong giới hạn cho phép của Quốc hội, Bộ trưởng cho biết.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách và Kiểm toán Nhà nước, Chính phủ trình Quốc hội quyết toán NSNN năm 2021 cụ thể như sau: Tổng số thu cân đối NSNN là 2.387.906 tỷ đồng; tổng số chi cân đối NSNN là 2.484.439 tỷ đồng; bội chi NSNN là 214.053 tỷ đồng.
Kiến nghị tăng thu giảm chi ngân sách nhà nước gần 34.600 tỷ đồng
Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, qua kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2021 và tổng hợp một số kết quả kiểm toán chính của các cuộc kiểm toán tổ chức trong năm 2022, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị tăng thu giảm chi NSNN gần 34.600 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác hơn 37 nghìn tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế, ban hành mới 270 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).
Về dự toán thu NSNN, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, tại thời điểm lập dự toán tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chính phủ dự báo thận trọng dẫn đến ước thực hiện thu năm 2020 làm cơ sở dự toán năm 2021 thấp; lập dự toán thu một số chỉ tiêu thu chưa phù hợp, trong đó dự toán thu tiền sử dụng đất do các địa phương lập thấp hơn so với khả năng thu, dẫn đến việc thực hiện năm 2021 vượt 74% so với dự toán giao.
Dự toán chi NSNN cho đầu tư phát triển đạt 96,6% kế hoạch; về dự toán chi thường xuyên, kết quả kiểm toán cho thấy, giao dự toán đầu năm cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chậm so với quy định, giao bổ sung vào thời điểm cuối năm dẫn đến các đơn vị không kịp thực hiện phải chuyển nguồn, có đơn vị phải hủy dự toán được giao.
Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán.
Các bộ, cơ quan liên quan tổ chức kiểm điểm, chấn chỉnh trong việc đề xuất bổ sung dự toán chi thường xuyên nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài còn sai sót, chưa bảo đảm tiêu chí “đủ điều kiện, hồ sơ chứng từ đưa vào quyết toán năm 2021”, dẫn đến sau khi được Quốc hội thông qua dự toán bổ sung để quyết toán nhưng một số đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ.
Quang cảnh phiên họp sáng 24/5. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương quản lý, sử dụng ngân sách
Trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, qua kết quả giám sát của Ủy ban và báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2021 cho thấy kỷ luật, kỷ cương trong lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN năm 2021 chưa nghiêm, công tác quyết toán NSNN chậm đã nêu trong các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chấn chỉnh, nhưng chưa được khắc phục. Tình trạng điều chỉnh thông tin, số liệu quyết toán sau thời gian chỉnh lý, tổng hợp quyết toán NSNN không phù hợp quy định Luật NSNN chậm được khắc phục.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rút kinh nghiệm và chấn chỉnh việc lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN năm 2021 không nghiêm, không đúng quy định; làm rõ trách nhiệm đối với các bộ, ngành, địa phương chậm lập, gửi báo cáo quyết toán NSNN năm 2021, quyết toán các khoản thu, chi NSNN còn nhiều sai sót, hạch toán không đầy đủ… ảnh hưởng đến công tác thẩm định, thẩm tra, tổng hợp quyết toán NSNN năm 2021; xác định lộ trình xử lý dứt điểm các tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm.
Về quyết toán thu NSNN năm 2021, theo báo cáo của Chính phủ, quyết toán thu NSNN tăng 233.327 tỷ đồng so với dự toán, tỷ lệ động viên thu NSNN năm 2021 đạt 18,7% GDP. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, quyết toán thu NSNN đạt kết quả như trong báo cáo, ngoài lý do lập dự toán thận trọng, các khoản thu về nhà đất, chứng khoán, dầu thô tăng cao… là sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).
Nhiều ý kiến cho rằng, trong năm 2021 đã thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm thuế, phí mà số tăng thu NSNN năm 2021 vượt rất cao là do công tác lập dự toán một số khoản thu chưa sát, như lập dự toán thu tiền sử dụng đất nhiều năm thấp hơn số thực hiện năm trước.
Đại biểu Phan Đức Hiếu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình phát biểu thảo luận. Ảnh CTV
Một số ý kiến đề nghị trong bối cảnh khó xác định chính xác dự toán thu NSNN, cần nghiên cứu, sửa đổi Luật NSNN để có cơ chế, chính sách quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả, không dàn trải, thất thoát, lãng phí số tăng thu NSNN.
Về quyết toán chi NSNN năm 2021, đa số ý kiến cho rằng quyết toán chi NSNN (bao gồm cả số chi chuyển nguồn năm trước chuyển sang) đạt mức rất thấp là do công tác lập dự toán chi không sát, giải ngân đầu tư công chậm, không tổ chức triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2021. Việc hủy bỏ dự toán, chuyển nguồn lớn, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách kinh tế, chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.
Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí theo đề nghị của Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021. Đồng thời, đề nghị Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành địa phương tiếp tục rà soát các khoản chi chuyển nguồn năm 2021 sang năm 2022. Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước chịu trách nhiệm về nội dung, thông tin, số liệu quyết toán NSNN năm 2021 bảo đảm tính chính xác, trung thực, đầy đủ, đúng quy định của pháp luật.
Để tăng cường kỷ luật, kỷ cương quản lý, sử dụng NSNN và tăng cường việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị từ quyết toán NSNN niên độ năm 2022, Quốc hội không phê chuẩn quyết toán các khoản thu, chi NSNN trong niên độ đã phát hiện không đúng quy định; các khoản chi phải hủy nguồn, thu hồi về NSNN trong niên độ và các năm trước, nhưng chưa thực hiện thu hồi trong năm 2022 và các kết luận, kiến nghị Kiểm toán Nhà nước yêu cầu xử lý tài chính trong niên độ quyết toán NSNN (bao gồm cả các trường hợp Hội đồng nhân dân các cấp đã phê chuẩn quyết toán).
Theo: nhandan.vn
Tin cùng chuyên mục
- Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8: Quốc hội thảo luận về các dự án luật 23.10.2024 | 16:17 PM
- Khẩn trương đưa các nghị quyết của HĐND tỉnh vào cuộc sống 29.08.2024 | 20:06 PM
- Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 26.07.2024 | 18:24 PM
- Kỳ họp thứ 7: Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật, nghị quyết 28.06.2024 | 16:09 PM
- Đồng chí Trần Thanh Mẫn được bầu làm Chủ tịch Quốc hội 20.05.2024 | 16:33 PM
- Ngày làm việc thứ nhất Hội nghị Trung ương 9 khóa XIII 16.05.2024 | 19:58 PM
- Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra vào chiều 2/5 01.05.2024 | 13:48 PM
- Xã luậnViết tiếp trang sử vàng của Đảng 03.02.2024 | 07:38 AM
- Triển khai quyết định bổ nhiệm Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh 22.01.2024 | 12:00 PM
- Đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và viếng các anh hùng liệt sĩ 01.12.2023 | 18:32 PM
Xem tin theo ngày
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về dự thảo nghị quyết và các dự án luật
- Tiếp tục quan tâm, hướng dẫn thành lập chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật và chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất và kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2021 - 2026
- Họp Tiểu ban Tổng kết công tác kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh phục vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Giá trị, tầm vóc và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga bất diệt
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc khu dân cư thôn An Cư
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật