Chủ nhật, 24/11/2024, 00:16[GMT+7]

Nông dân đổi đời nhờ cây dược liệu

Thứ 3, 30/05/2023 | 10:08:32
4,083 lượt xem
Nhờ trồng các loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao như xạ can, địa hoàng, hoài sơn..., nhiều nông dân đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Vườn dược liệu của anh Nguyễn Nhật Duật tại xã Quỳnh Thọ (Quỳnh Phụ) cho thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/năm

Sau khi làm nhiều công việc khác nhau nhưng kinh tế gia đình vẫn không ổn định, anh Nguyễn Nhật Duật, xã Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ) quyết định trở về quê lập nghiệp. Năm 2017, nhận thấy mô hình ươm trồng giống các loại cây dược liệu đem lại hiệu quả kinh tế cao, được khách hàng ưa chuộng và có đầu ra thuận lợi, anh Duật mạnh dạn đầu tư để ươm trồng. Hiện tại, trên diện tích 8ha tại xã Quỳnh Thọ (Quỳnh Phụ), anh trồng nhiều loại cây khác nhau như đinh lăng, cỏ ngọt, địa hoàng, hoài sơn... 

Theo anh Duật, trồng cây dược liệu không hề đơn giản, muốn thành công đòi hỏi nông dân phải có sự quan sát tỉ mỉ và nắm chắc kỹ thuật. “Sau một thời gian tìm hiểu kỹ thuật trồng cây dược liệu và đầu ra cho sản phẩm, tôi bắt đầu vay vốn và tìm kiếm những mảnh đất cao phù hợp để trồng. Khi mới bắt tay vào trồng, do thiếu kinh nghiệm về kỹ thuật ươm giống và cách điều trị bệnh nên chưa phát huy được hết năng suất mà cây trồng này đem lại. Mỗi giống cây dược liệu lại có những đặc tính riêng với cách ươm trồng, chăm sóc và điều trị sâu bệnh riêng. Đặc biệt, việc ươm cây giống dược liệu luôn phải bảo đảm yêu cầu về nước, nhiệt độ, ánh sáng và độ tơi xốp của đất thì cây mới có thể sinh trưởng và phát triển tốt. Từ những khó khăn gặp phải, tôi dần rút ra được kinh nghiệm trồng cây dược liệu” - anh Duật chia sẻ.

Sau 6 năm gắn bó với vườn cây dược liệu, anh Duật đã liên kết với Công ty Cổ phần Thương mại dược - vật tư y tế Khải Hà. Mỗi năm anh cung ứng cho thị trường hàng nghìn cây dược liệu, cho thu nhập khoảng 1 tỷ đồng. Không chỉ tập trung phát triển kinh tế gia đình, anh Duật còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương, trong đó đa số đều là người cao tuổi. 

Bà Nguyễn Thị Tình, thôn Minh Đức, xã Quỳnh Thọ chia sẻ: Tôi làm việc cho gia đình anh Duật 6 năm nay. Công việc không quá vất vả, phù hợp với sức khỏe của chúng tôi nên ai cũng phấn khởi. Với thu nhập 4 triệu đồng/tháng, tôi có thể chi tiêu cho các sinh hoạt hàng ngày mà không cần nhờ con cái.

Tại xã Nam Thắng (Tiền Hải), 3 năm trở lại đây người dân đã chuyển đổi sang trồng cây dược liệu cho hiệu quả kinh tế cao. Ông Vũ Văn Biền, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Trước đây người dân trong xã chủ yếu trồng rau màu, tuy mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng yêu cầu cần có nhiều lao động để chăm sóc, thu hoạch. Vì vậy, nhiều vườn trồng màu dần bị bỏ hoang do người dân không còn mặn mà. Để hỗ trợ bà con, Hội Nông dân xã đã tổ chức nhiều chuyến đi tham quan và vận động trồng thử nghiệm các loại cây mới. Cây xạ can chính là giống cây phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương nhất. Hiện nay xã Nam Thắng có khoảng 20ha trồng cây xạ can, chiếm 60% diện tích vườn màu.

Sau khi được Hội Nông dân xã vận động, tuyên truyền, gia đình ông Nguyễn Tân Cảnh, thôn Nam Đồng Nam là hộ đầu tiên bắt tay vào trồng cây xạ can. Sau 3 năm tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, ông Cảnh đã sở hữu diện tích vườn xạ can lớn nhất xã.

“Cây xạ can mang lại giá trị cao hơn nhiều lần so với rau màu, giá thành khoảng 235.000 đồng/kg. Mỗi vườn cho gia đình tôi thu nhập khoảng 50 triệu đồng. Vườn nhỏ của các hộ khác cho thu nhập từ 20 - 25 triệu đồng. Đây là loại cây dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc. Thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 8 tháng” - ông Cảnh chia sẻ.

Để giúp người dân bảo đảm đầu ra sản phẩm, anh Phạm Văn Binh, thôn Nam Đồng Nam đã liên kết với các công ty dược phẩm để thu mua cây xạ can cho bà con. Anh Binh cho biết: Tôi đã đầu tư hàng trăm triệu đồng mua máy thái, máy sấy để sơ chế dược liệu nhận từ người dân trong xã. Hiện nay, nhu cầu của thị trường về nguồn dược liệu rất lớn, mỗi năm tôi cung cấp cho thị trường trên 1.000 tấn xạ can, doanh thu hàng tỷ đồng. Vì vậy, các vườn xạ can tại địa phương hứa hẹn có tiềm năng phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế khá ổn định cho người trồng.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh cho biết: Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả rất cao cho nông dân, kể cả trên vùng đất chiêm trũng. Tuy nhiên, nhiều nông dân vẫn gặp khó khăn về vốn và tích tụ ruộng đất. Thời gian tới, Hội Làm vườn tỉnh sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức cho nông dân đi tham quan mô hình, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để bà con thấy được hiệu quả, giá trị kinh tế của cây dược liệu. Từ đó giúp nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng sản xuất trên diện tích lớn để hướng đến sản xuất hàng hóa.

Nông dân xã Nam Thắng (Tiền Hải) trồng cây cam xạ cho hiệu quả kinh tế cao.

Nguyễn Triệu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày