Thứ 7, 23/11/2024, 17:30[GMT+7]

Nhật Bản phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và kỹ thuật số

Chủ nhật, 04/06/2023 | 16:21:38
3,080 lượt xem
Chiến lược được kỳ vọng sẽ đưa Nhật Bản trở lại vị thế cường quốc số một thế giới về chất bán dẫn.

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã thành lập một hội đồng chuyên gia để thảo luận dự thảo chiến lược tăng trưởng cho ngành công nghiệp bán dẫn và kỹ thuật số.

Theo báo Sankei, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nishimura Yasutoshi nhấn mạnh, không thể phủ nhận rằng trong lĩnh vực chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo AI, hiện Nhật Bản đang bị tụt lại rất xa so với các nước khác, nhưng ở một khía cạnh nào đó, Nhật Bản có thể trở lại là cường quốc số một thế giới, thách thức là liệu khu vực công và tư nhân có thể hợp tác với nhau hiệu quả hay không.

Báo Mainichi cho biết, mục tiêu của Nhật Bản là đến năm 2030, doanh thu từ ngành công nghiệp này sẽ tăng lên mức 15.000 tỷ yen (khoảng 107 tỷ USD), gấp 3 lần so với hiện nay. Để thực hiện được mục tiêu này thì ngành công nghiệp bán dẫn nội địa sẽ cần khoản vốn đầu tư theo diện công - tư là hơn 10.000 tỷ yen, trong quãng thời gian 10 năm tới đây.

Nhật Bản phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và kỹ thuật số - Ảnh 1.

Còn trong lĩnh vực kỹ thuật số, chất bán dẫn hiệu suất cao cần thiết cho trí tuệ nhân tạo AI đang là xu thế, có vai trò dẫn dắt lĩnh vực kỹ thuật số tương lai, Nhật Bản cũng định hướng xây dựng môi trường thuận lợi cho sự phát triển AI thế hệ mới.

Theo báo Nikkei, hơn 80% trung tâm dữ liệu khổng lồ hiện đang tập trung ở khu vực Tokyo và Kansai, dự thảo mới đang được thảo luận cũng đưa ra chính sách chuẩn bị cho các sự cố quy mô lớn và phát triển Hokkaido và Kyushu, những nơi có nguồn năng lượng tái tạo dồi dào, làm trung tâm thông tin mới. Bên cạnh đó, Nhật Bản sẽ thành lập nhóm nghiên cứu để thu hút nguồn nhân lực hàng đầu thế giới về AI.

Nếu như năm 1988, tổng thị phần của các công ty Nhật Bản trong lĩnh vực bán dẫn đã vượt quá 50%, thì đến nay con số này chỉ khoảng 10%. Theo các chuyên gia, dự thảo mới chỉ hướng tới mục tiêu khôi phục vị trí cường quốc bán dẫn mà còn đảm bảo sự sẵn sàng của Nhật Bản trước các thách thức về an ninh kinh tế và xu hướng số hóa đang lan rộng.

Theo vtv.vn