Quốc hội nhất trí giám sát tối cao kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở xã hội trong năm 2024
Chiều 8/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024. Trước khi tiến hành biểu quyết, Quốc hội nghe Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.
Công tác giám sát có nhiều đổi mới thực chất, hiệu quả
Trình bày báo cáo tại phiên họp, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, sáng 27/5, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2022, những tháng đầu năm 2023 và dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội cùng với dự thảo Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.
Hầu hết các đại biểu Quốc hội đều tán thành với nội dung Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024. Các đại biểu thống nhất nhận định, thời gian qua, công tác giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội đã có nhiều đổi mới theo hướng thực chất, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí và giảm tối đa ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của địa phương, cơ sở, doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị liên quan.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024. (Ảnh: ĐĂNG KHOA).
Qua đó, đạt được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt đã góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác ban hành và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật, nhận được sự quan tâm, theo dõi, ủng hộ của đông đảo cử tri và nhân dân.
Giám sát tối cao 2 chuyên đề trong năm 2024
Về kết quả lựa chọn chuyên đề giám sát, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Quốc hội đã quyết định sẽ giám sát tối cao 2 chuyên đề, bao gồm: Chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia; chuyên đề về kinh doanh bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.
Đồng thời, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát 2 chuyên đề về đơn vị sự nghiệp công lập và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Báo cáo tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, đối với chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 và một số nghị quyết về dự án công trình quan trọng quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, bên cạnh những công trình trọng điểm được hoàn thành đúng tiến độ, đạt chất lượng, vẫn còn một số công trình có tốc độ giải ngân chậm, quá trình triển khai gặp nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan đến chủ đầu tư, các nhà thầu chưa được tháo gỡ kịp thời…
Việc Quốc hội giám sát tối cao chuyên đề này sẽ giúp đại biểu Quốc hội đánh giá toàn diện những kết quả đạt được, làm rõ những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, rút ra được những bài học kinh nghiệm và đề xuất được những giải pháp khả thi cần tập trung thực hiện trong thời gian tới để bảo đảm hoàn thành toàn diện các mục tiêu theo nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.
Quang cảnh phiên họp của Quốc hội chiều 8/6. (Ảnh: ĐĂNG KHOA).
Đối với chuyên đề về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở xã hội, Tổng Thư ký Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất nhận định hiện nay, kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở xã hội và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đều là những vấn đề cấp bách nổi lên trong thực tiễn cần tăng cường giám sát.
Bên cạnh các quy định pháp luật còn bất cập, chưa thống nhất cần phải xem xét sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan, qua giám sát nhằm phát hiện được những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Hồ sơ của các dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ là nguồn thông tin quan trọng để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát tổng thể về việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến các nội dung này.
Kết quả của chuyên đề giám sát sẽ chấn chỉnh kịp thời những tồn tại, hạn chế để góp phần đưa các luật này sớm đi vào cuộc sống.
Về một số vấn đề khác, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, trong quá trình xây dựng kế hoạch và triển khai các Đoàn giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục xem xét chỉ đạo điều chỉnh phương thức giám sát cho phù hợp.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ, nghiên cứu đề xuất và cụ thể hóa các giải pháp để giải quyết các kiến nghị, đề xuất trong quá trình triển khai các hoạt động giám sát liên quan công tác tài chính phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội và nghiên cứu sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 với tỷ lệ 91,30% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. (Ảnh: ĐĂNG KHOA).
Tiếp đó, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết. Kết quả biểu quyết cho thấy, có 451/459 các đại biểu Quốc hội có mặt đã biểu quyết tán thành, chiếm 91,30%.
Như vậy, với tỷ lệ tán thành cao, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.
Theo Nghị quyết, nội dung Chương trình giám sát của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 tập trung vào 7 nhóm vấn đề, bao gồm: Xem xét các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; báo cáo tài chính nhà nước năm 2022; báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022; báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023; tình hình thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội… Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 (Dự án Sân bay Long Thành; dự án đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2017-2020 và 2021-2025; dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng giai đoạn 1)”. Tiếp đó, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024 và dự kiến kế hoạch năm 2025; kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; công tác phòng, chống tham nhũng; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2023; tình hình quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2023… Cũng tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; xem xét báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2009 đến hết năm 2023”… |
Theo: nhandan.vn
Tin cùng chuyên mục
- Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8: Quốc hội thảo luận về các dự án luật 23.10.2024 | 16:17 PM
- Khẩn trương đưa các nghị quyết của HĐND tỉnh vào cuộc sống 29.08.2024 | 20:06 PM
- Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 26.07.2024 | 18:24 PM
- Kỳ họp thứ 7: Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật, nghị quyết 28.06.2024 | 16:09 PM
- Đồng chí Trần Thanh Mẫn được bầu làm Chủ tịch Quốc hội 20.05.2024 | 16:33 PM
- Ngày làm việc thứ nhất Hội nghị Trung ương 9 khóa XIII 16.05.2024 | 19:58 PM
- Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra vào chiều 2/5 01.05.2024 | 13:48 PM
- Xã luậnViết tiếp trang sử vàng của Đảng 03.02.2024 | 07:38 AM
- Triển khai quyết định bổ nhiệm Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh 22.01.2024 | 12:00 PM
- Đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và viếng các anh hùng liệt sĩ 01.12.2023 | 18:32 PM
Xem tin theo ngày
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam
- Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm việc tại tỉnh Thái Bình
- Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Cam Hòa
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất
- Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024