Thứ 5, 14/11/2024, 11:01[GMT+7]

Mắt kính thông minh thắng giải ứng dụng Tin học trẻ TP HCM

Thứ 2, 12/06/2023 | 09:41:20
1,691 lượt xem
Mắt kính thông minh là sản phẩm của Nguyễn Minh Nhật Huy, học sinh lớp 12 tin, THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5) giúp người khiếm thính giao tiếp bằng kí hiệu với người bình thường mà không cần hỗ trợ.

Nhật Huy thử nghiệm hoạt động mắt kính thông minh tại vòng chấm giải Tin học trẻ TP HCM hôm 20/5.

Hội thi Tin học trẻ TP HCM tổ chức trao giải sáng 10/6. Sản phẩm mắt kính thông minh của Huy được trao giải nhì bảng sản phẩm ứng dụng.

Huy chia sẻ, phát triển sản phẩm với mong muốn giúp người khiếm thính (câm điếc) có cơ hội giao tiếp với người bình thường mà không cần hỗ trợ phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu. "Kính giúp người khiếm thính có cơ hội thu hẹp khoảng cách giao tiếp với xã hội, xoá đi mặc cảm của họ", Huy nói.

Từ tháng 8 năm ngoái, Huy bắt đầu thiết kế mắt kính thông minh với một camera có chức năng ghi nhận các cử chỉ tay của người khiếm thính. Dữ liệu được truyền về bộ xử lý để phân tích và phát ra âm thanh giúp người bình thường có thể nghe được ký hiệu họ muốn nói. Ngược lại, lời nói của người bình thường được micrô thu nhận và hiển thị lên màn hình đặt trên mắt kính để người khiếm thính đọc được nội dung.

Hiện sản phẩm của Huy có thể phân tích được khoảng 60 dạng ký tự giao tiếp cơ bản. Huy cho rằng, đây là con số rất khiêm tốn chỉ chiếm 1% khối lượng ngôn ngữ ký hiệu của người khiếm thính. "Thời gian tới, sẽ làm dày dữ liệu lên khoảng 1.000 cử chỉ để việc giao tiếp trở nên dễ dàng với bộ dữ liệu lớn hơn", Huy nói và cho biết dự định tích hợp sim điện thoại vào mắt kính để giúp người khiếm thính giao tiếp với bạn bè ở xa, giúp họ có nhiều mối quan hệ xã hội hơn.

Sản phẩm được Huy thử nghiệm cho 6 người tại hai trường chuyên biệt tại TP HCM, được đáng giá hữu ích, thích thú. Dự kiến, chi phí một mắt kính khoảng 800.000 đồng, theo Huy là phù hợp với điều kiện của nhiều người dùng.

Đánh giá sản phẩm, thạc sĩ Lê Anh Tiến, thành viên Hội đồng giám khảo Hội thi Tin học trẻ TP HCM cho biết, ý tưởng của Huy rất nhân văn khi quan tâm đến nhóm người yếu thế trong xã hội. Sản phẩm cũng có tiềm năng ứng dụng thực tế, song ông cho rằng, tác giả có thể sử dụng cảm biến để tăng độ chính xác trong việc nhận diện cử chỉ tay thay vì dùng camera. Ngoài ra, ông Tiến gợi ý Huy có thể nghiên cứu sang một dạng bao tay thông minh với chức năng tương tự thay vì mắt kính để sản phẩm có tính thẩm mỹ tốt hơn.

Cuộc thi Tin học trẻ TP HCM được tổ chức thường niên dành cho học sinh tiểu học đến THPT do Trung tâm Phát triển Khoa học Công nghệ Trẻ (Thành đoàn) cùng các đơn vị phối hợp tổ chức lần đầu năm 1991. Năm 2023, cuộc thi thu hút 769 thí sinh tham gia chung kết, đến từ 22 cơ sở đoàn địa phương của thành phố cùng 4 đội tuyển chuyên tin TP HCM. Trước đó, vòng thi trực tuyến có gần 87.000 thí sinh từ hơn 700 trường tham gia.

Ở bảng sản phẩm ứng dụng, Ban tổ chức trao 2 giải nhì, 4 giải ba, 4 giải khuyến khích. Bảng kiến thức - kỹ năng tin học, có 4 giải nhất, 7 giải nhì, 11 giải ba, 61 giải khuyến khích.

Theo vnexpress.net