Thứ 6, 15/11/2024, 21:41[GMT+7]

Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ hợp tác phát triển

Thứ 2, 12/06/2023 | 22:15:39
4,750 lượt xem
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị việc đăng ký tổ hợp tác phải nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ hợp tác phát triển trên tinh thần tự nguyện thành lập nhưng cũng cần có sự quản lý thống nhất của Nhà nước và đưa các chính sách của Nhà nước đến với tổ hợp tác.

Chủ tịch Quốc hội chủ trì phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 12/6. (Ảnh: DUY LINH).

Chiều 12/6, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên giữa hai đợt của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV cho ý kiến về một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Dự thảo Luật đã được Quốc hội thảo luận trong phiên toàn thể ở hội trường ngày 25/5 vừa qua. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Luật.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã báo cáo về một số vấn đề xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gồm quy định về tổ hợp tác; thành viên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã…

Đối với quy định tại khoản 2 Điều 106 dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị việc đăng ký tổ hợp tác phải nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ hợp tác phát triển trên tinh thần tự nguyện thành lập nhưng cũng cần có sự quản lý thống nhất của Nhà nước và đưa các chính sách của Nhà nước đến với tổ hợp tác.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH).

Liên quan quy định về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, để bảo đảm khách quan, tường minh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi Phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về nội dung này.

Về thành viên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, dự thảo Luật được nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý các quy định liên quan đến cá nhân là nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trong việc thành lập, trở thành thành viên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nhằm bảo đảm quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 20-NQ/TW về việc kinh tế tập thể lấy lợi ích kinh tế là trọng tâm, bao gồm lợi ích của thành viên, tập thể và Nhà nước, đồng thời coi trọng lợi ích chính trị, văn hóa, xã hội trên địa bàn,…

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) trong suốt quá trình trình, thẩm tra được chuẩn bị và tiến hành công phu, kỹ lưỡng; có bản so sánh chi tiết dự thảo luật sửa đổi qua từng giai đoạn thảo luận, cho ý kiến.

Cơ bản tán thành với báo cáo của Ủy ban Kinh tế cũng như nhiều ý kiến thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tính tới thời điểm này, các vấn đề lớn tại nội dung dự thảo Luật đã nhận được sự đồng thuận cao. Đồng thời, những nội dung cần tiếp thu, giải trình cũng đã có lập luận, phản biện đầy đủ, xác đáng, được tiến hành nghiêm túc, đúng quy trình, bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, quy định phải bảo đảm thể hiện đúng bản chất của hợp tác xã, rà soát quy định về điều khoản chuyển tiếp, bảo đảm quy định chặt chẽ; một số từ ngữ, cách thức trình bày bảo đảm văn phong, kỹ thuật lập pháp để dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét biểu quyết thông qua đạt chất lượng và sự đồng thuận cao.

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: DUY LINH).

Trước đó, dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ 4 và thảo luận lần thứ 2 trong đợt 1 của Kỳ họp thứ 5; và sẽ xem xét biểu quyết thông qua trong đợt 2 của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tới đây.

Cũng trong phiên làm việc chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia.

Sáng mai (13/6), tiếp tục chương trình phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Nghị quyết về quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận.

Theo: nhandan.vn