Thứ 7, 23/11/2024, 21:42[GMT+7]

Phụ tải điện giảm, khai thác từ thuỷ điện tăng

Thứ 5, 15/06/2023 | 10:33:44
1,226 lượt xem
Theo số liệu cập nhật sáng ngày 15/6 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), ngày 14/6, phụ tải toàn hệ thống điện có giảm hơn so với ngày hôm qua nhưng vẫn ở mức cao, đạt 815,8 triệu kWh; phụ tải ở miền Bắc đã giảm hơn so với ngày trước đó, trong khi phụ tải ở miền Trung và Nam tăng lên do thời tiết nắng nóng. Trong đó miền Bắc ước khoảng 375,4 triệu kWh, miền Trung khoảng 79,3 triệu kWh, miền Nam khoảng 360,4 triệu kWh.

Mực nước tại hồ Thủy điện Hòa Bình xấp xỉ 102m trong ngày 13/6.

Công suất đỉnh hệ thống điện (Pmax) quốc gia đạt đỉnh vào lúc 14h30 mức 38.415,2 MW. Con số này ở miền Bắc là 16.704,8 MW (lúc 16h0), miền Trung là 3.937,3MW (lúc 14h30), miền Nam là 17.889,1 (lúc 14h30).

Như vậy, phụ tải ở miền Bắc đã giảm hơn so với ngày trước đó  hơn 1.760 MW, trong khi phụ tải ở miền Trung và Nam tăng lên do thời tiết nắng nóng.

Trong ngày 14/6/2023, tổng sản lượng huy động từ thuỷ điện khoảng 171,1 triệu kWh (trong đó miền Bắc huy động là 64,3 triệu kWh - tăng so với ngày 13-6 là 3 triệu kWh; nhiệt điện than huy động 434,1 triệu kWh (miền Bắc 259,1 triệu kWh) giảm so với ngày 13/6; tuabin khí huy động 92,1 triệu kWh.

Điện năng lượng tái tạo trên 80 triệu kWh, trong đó điện gió là 33,7 triệu kWh, công suất cao nhất lúc 13h00 đạt 2.010,6 MW, điện mặt trời huy động 46,4 triệu kWh, công suất cao nhất lúc 11h00 đạt 6.443 MW. Nếu tính cả điện mặt trời mái nhà con số huy động năng lượng tái tạo đạt trên 110 triệu kWh. Không phải huy động nguồn điện dầu.

Đối với nguồn nhiệt điện than miền Bắc EVN cho biết, nguồn nhiên liệu than cho sản xuất được đảm bảo. Tuy nhiên do phải huy động công suất lớn, liên tục nên một số tổ máy vẫn gặp sự cố. Trong ngày hôm qua, tổ máy 1 nhiệt điện Thăng Long và Nghi Sơn 2; tổ máy 2 Nhiệt điện Thái Bình 1 đã hòa lưới trở lại. Chỉ còn tổ máy 1 Nhiệt điện Nghi Sơn 1 đang ngừng chờ nguội.

Lưu lượng nước về các hồ thủy điện đã khả quan hơn, song chưa nhiều. Cụ thể, lượng nước về hồ thuỷ điện Lai Châu khoảng 228m3/s, mực nước hồ đạt 274,4m; Sơn La là 347m3/s, mực nước đạt 177,3m; hồ Hoà Bình nước về 200m3/s, mực nước đạt 102,8 m. Tuyên Quang 263 m3/s, mực nước hồ đạt 93,6 m; Bản Chát nước về 355,5m3/s, mực nước hồ đạt 434,3 m.

Các hồ lớn đều trên mực nước chết và vẫn đang tích thêm nước để có độ an toàn phát điện thời gian tới.

Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, tìm mọi giải pháp để tăng cường vận hành các nguồn điện, vận hành linh hoạt hồ chứa trong bối cảnh các hồ thủy điện lớn thiếu hụt nước; đôn đốc các nhà máy nhiệt điện tập trung ưu tiên xử lý sự cố các tổ máy; đảm bảo cung ứng than, khí cho phát điện; tích cực bổ sung các nguồn điện năng lượng tái tạo cho hệ thống; tăng cường vận hành an toàn hệ thống truyền tải Trung - Bắc; tiếp tục triển khai chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tiết kiệm điện...

Theo hanoimoi.com.vn