Thứ 5, 14/11/2024, 11:32[GMT+7]

Nhà thầu “khát” vật liệu san lấp

Thứ 3, 20/06/2023 | 21:27:19
11,836 lượt xem
Tình trạng nguồn cung vật liệu san lấp khan hiếm, đặc biệt là cát lấp trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện các công trình ở Thái Bình, các nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn các nhà thầu phải xoay xở tìm cách khắc phục và đối mặt với nhiều rủi ro, thiệt hại về kinh tế.

Tuyến đường trục kết nối trong Khu kinh tế Thái Bình đang thi công các hạng mục đào đắp nền đường.

Cung không đủ cầu

Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình, đoạn từ cầu ngang S1 đến đường Chu Văn An kéo dài là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh được khởi công từ tháng 5/2022 với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Sau hơn một năm triển khai, hiện đơn vị thi công đang thi công các hạng mục của cầu, cống và cấu kiện đúc sẵn; thi công đào đắp nền đường, trải vải địa kỹ thuật, thi công cọc cát xử lý nền đất yếu tại các vị trí đã giải phóng mặt bằng đạt khoảng 80% khối lượng dự án. Đến nay, giá trị giải ngân cho dự án đạt trên 200 tỷ đồng, trong đó giá trị xây lắp đạt trên 160 tỷ đồng. Tuy nhiên, chủ đầu tư dự án đang gặp rất nhiều khó khăn vì bị đội vốn lớn do giá vật liệu tăng cao. 

Ông Vũ Ngọc Tuyến, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu Thăng Long (DragonGroup) cho biết: Chưa khi nào việc mua vật liệu san lấp lại khó khăn như thời điểm này. Giá các loại vật liệu đều tăng mạnh, chúng tôi đã phải liên hệ, kết nối nhiều doanh nghiệp, chủ mỏ, chủ bến bãi cung ứng vật liệu san lấp nhưng việc bảo đảm nguồn cung kịp thời cho công trình vẫn rất khó khăn.

Tuyến số 3 của dự án đường trục kết nối trong Khu kinh tế Thái Bình đang được các nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ. Với chiều dài khoảng 13km, nhu cầu vật liệu san lấp phục vụ thi công trên tuyến khoảng 2 triệu m3

Ông Hoàng Đình Hiếu, Công ty Xây dựng Xuân Quang, đơn vị thi công tuyến số 3 cho biết: Nguồn cung vật liệu san lấp là mối lo lớn nhất của liên danh nhà thầu trong thời điểm này. Nhu cầu rất lớn nhưng hiện nay, nguồn cung vật liệu mới chỉ đáp ứng được khoảng 1/8 khối lượng. Nhà thầu phải liên hệ với nguồn cung từ các tỉnh khác xa hơn để có nguyên liệu, vì vậy giá vận chuyển bị đội lên nhiều. Chúng tôi phải điều chỉnh giải pháp kỹ thuật để bảo đảm yêu cầu và tiến độ đề ra. Dù vậy, việc thiếu vật liệu có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.

Đối mặt với nhiều rủi ro

Ngoài vấn đề về vật liệu san lấp, nhà thầu còn phải đối mặt với tình trạng giá nhiều loại vật liệu chính biến động tăng như thép các loại (thép tròn, thép hình, cáp dự ứng lực...), xi măng, nhựa đường, cốt liệu đá cho bê tông xi măng, bê tông nhựa, cát vàng sản xuất bê tông xi măng... Nguyên nhân xuất phát từ tình trạng giá nhiên liệu, nguyên liệu đầu vào tăng cao và tình trạng khan hiếm nguồn cung các loại.

Là dự án trọng điểm của tỉnh, dự án tuyến đường bộ ven biển dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay. Tuy nhiên, do nguồn cung vật liệu khan hiếm, giá tăng cao nên có nhiều thời điểm doanh nghiệp phải thi công cầm chừng, vừa làm vừa chờ vật liệu. Thực tế này khiến tiến độ thi công bị ảnh hưởng, có nguy cơ chậm tiến độ. Theo tính toán dự án sẽ cần khoảng 3,1 triệu m3 cát san lấp nền đường, tuy nhiên đến thời điểm này mới chỉ đáp ứng được khoảng 65% nhu cầu. 

Ông Vũ Văn Toản, chỉ huy thi công tuyến đường bộ ven biển cho biết: Thời điểm lập dự toán đầu năm 2020, các loại vật tư chính của dự án đang ở mặt bằng giá thấp (giá thép xây dựng khoảng 12.000 đồng/kg; giá cát đen khoảng 85.000 đồng/m3; giá dầu diezen khoảng 12.500 đồng/lít). Tuy nhiên, với mức giá hiện nay khiến chi phí công trình đang bị đẩy lên khoảng 20 - 30%.

Thiếu vật liệu xây dựng, giá cả tăng đột biến khiến các nhà thầu đối mặt với nguy cơ phải bù lỗ khi thực hiện công trình. Thời gian thực hiện dự án kéo dài kéo theo hàng loạt chi phí khác như: nhân công, quản lý dự án, chi phí cơ hội... Để khắc phục việc thiếu vật liệu san lấp trong quá trình thi công dự án, các nhà thầu đã tăng cường tối đa các mũi thi công khi có vật liệu, điều chỉnh biện pháp thi công, chuyển vật liệu gia tải từ cát sang cấp phối đá dăm, tận dụng đất thừa. Đồng thời, do tập trung nguồn lực, chủ động đặt hàng trước các nguồn vật liệu nên đã tiết kiệm được chi phí. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài rất cần sự can thiệp và điều hành từ các cơ quan chức năng để ưu tiên việc khai thác nguồn cát san lấp cho các dự án, công trình giao thông trọng điểm. Trong các cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho các công trình, dự án, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành chức năng, nhất là Sở Tài nguyên và Môi trường cần tham mưu cho tỉnh để bổ sung quy hoạch về kế hoạch sử dụng đất, rà soát các mỏ cát vật liệu xây dựng nhằm chủ động nguồn cung vật liệu san lấp phục vụ thi công dự án; Sở Xây dựng cần điều hành công bố giá các loại vật liệu xây dựng cần kịp thời và sát với giá thị trường hơn. Các chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu, xem xét gia hạn thời gian đối với các gói thầu có nguy cơ chậm tiến độ do thiếu nguồn cung vật liệu. Ngoài ra, các nhà thầu mong muốn cơ quan có thẩm quyền kiến nghị Chính phủ có giải pháp vĩ mô nhằm ổn định thị trường, bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng để đáp ứng nhu cầu hiện nay.

Thiếu vật liệu san lấp ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công dự án tuyến đường bộ ven biển. 

Nguyễn Thơi

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày