Thứ 4, 13/11/2024, 07:00[GMT+7]

TP Hồ Chí Minh được nâng tổng mức dư nợ vay không quá 120% số thu ngân sách

Thứ 7, 24/06/2023 | 17:46:45
10,366 lượt xem
Quốc hội cho phép TP Hồ Chí Minh được vay qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước và nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho vay lại, với tổng dư nợ tối đa 120% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: DUY LINH).

Chiều 24/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, với 481/484 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (bằng 97,37% tổng số đại biểu Quốc hội).

Phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng

Quốc hội cho phép TP Hồ Chí Minh thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD).

Cụ thể, Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định sử dụng ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công độc lập nhằm thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư theo đồ án thiết kế đô thị riêng, đồ án quy hoạch đô thị vùng phụ cận các nhà ga thuộc các tuyến đường sắt được cấp có thẩm quyền phê duyệt, vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3 thuộc địa phận Thành phố để thu hồi đất, chỉnh trang, phát triển đô thị, thực hiện tái định cư, tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án đầu tư phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ theo quy định của pháp luật.

Thẩm quyền, trình tự, thủ tục đầu tư, xây dựng đối với dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quy định tại điểm a khoản này được thực hiện theo thẩm quyền, trình tự, thủ tục của dự án đầu tư công nhóm A theo tiêu chí quy định của pháp luật về đầu tư công.

Đối với vùng phụ cận các nhà ga, các nút giao thông quy định tại điểm a khoản này, Ủy ban nhân dân Thành phố được quyết định điều chỉnh mật độ xây dựng, chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội so với quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng đối với khu vực đô thị hiện hữu.

Tuy nhiên, phải bảo đảm đáp ứng về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc được xác định trong nội dung đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chung Thành phố.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: DUY LINH).

Áp dụng đầu tư theo phương thức PPP đối với các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao

Ngoài các lĩnh vực đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, TP Hồ Chí Minh được áp dụng đầu tư theo phương thức PPP đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa.

Quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao và văn hóa do Hội đồng nhân dân Thành phố quy định.

Bên cạnh đó, Thành phố được áp dụng loại hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu, phù hợp theo quy hoạch được phê duyệt đối với loại đường phố chính đô thị, đường trên cao.

Tiêu chí, nguyên tắc lựa chọn, điều kiện thực hiện, trình tự, thủ tục thực hiện dự án, lựa chọn nhà đầu tư phải tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP.

Trường hợp chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm tỷ trọng lớn hơn 50% tổng mức đầu tư của dự án và phương án tài chính sơ bộ của dự án PPP không bảo đảm khả năng hoàn vốn, Hội đồng nhân dân Thành phố được xem xét, quyết định việc tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án.

Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh với tỷ lệ tán thành 97,37%. (Ảnh: DUY LINH).

Thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định

Quốc hội cũng cho phép TP Hồ Chí Minh thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định.

Sau khi ngân sách Thành phố bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền, Hội đồng nhân dân Thành phố được quyết định 3 chính sách lớn.

Cụ thể, được sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách Thành phố, cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách và chi thu nhập tăng thêm.

“Tỷ lệ trích nguồn thu được để lại để tạo nguồn cải cách tiền lương đối với các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý có số thu lớn cho phù hợp; bảo đảm nguyên tắc để các cơ quan, đơn vị này tự sắp xếp bố trí nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình do cơ quan có thẩm quyền quyết định; ngân sách nhà nước không bổ sung để thực hiện cải cách tiền lương cho các cơ quan, đơn vị này”, Nghị quyết nêu rõ.

Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng được vay qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước và nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho vay lại, với tổng dư nợ tối đa 120% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp.

Hằng năm, TP Hồ Chí Minh được bổ sung tối đa 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách Thành phố so với dự toán được Thủ tướng giao.

Theo: nhandan.vn