Thứ 7, 23/11/2024, 14:07[GMT+7]

Côn Đảo - Trường học cách mạng của cả nước Kỳ 2: Tôi luyện tinh thần bất khuất, kiên trung

Thứ 2, 17/07/2023 | 14:46:21
2,390 lượt xem
Phong trào đấu tranh của tù nhân Côn Đảo qua các thời kỳ là bản hùng ca về ý chí kiên cường. Côn Đảo là tượng đài về lòng yêu nước và tinh thần lạc quan cách mạng của bao lớp tù nhân yêu nước.

Di tích trại giam Phú Hải. Ảnh: TTXVN

Bức ảnh “Mẹ con ngày gặp mặt” ghi lại khoảnh khắc đoàn tụ giữa tử tù Côn Đảo-chiến sĩ tình báo Lê Văn Thức với mẹ đầy xúc động. Bức ảnh được nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long (1926-1997), Thông tấn xã Việt Nam chụp lúc 9 giờ 45 phút ngày 5/5/1975 tại bến Rạch Dừa (TP.Vũng Tàu). Chiến sĩ tình báo Lê Văn Thức bị địch bắt, kết án tử hình và giam tại nhà tù Côn Đảo chờ ngày thi hành án. Nhưng ngày ấy đã không đến.

Một trường học trong ngục tối

Từ năm 1930, những người cộng sản bị đày ra Côn Đảo ngày càng nhiều. Tù chính trị cộng sản đã hình thành tổ chức, lãnh đạo đấu tranh, biến nhà tù thành trường học cách mạng, thành nơi rèn luyện ý chí và đào tạo đội ngũ cán bộ cho Đảng. Học tập và tự học tập là một trong những nội dung quan trọng được ban lãnh đạo các trại tù chính trị quan tâm tổ chức.

Nhờ sự giúp đỡ của binh lính, thủy thủ và những công chức tiến bộ ở Bưu Điện, Nhà Thương, Nhà Đèn, những người tù chính trị ở Côn Đảo đã mua được nhiều tác phẩm lý luận của Mác, Ăngghen và Lênin được Nhà xuất bản Xã hội của Đảng cộng sản Pháp xuất bản lúc đó. Sách được chép ra thành nhiều bản để sử dụng, còn bản gốc được bảo quản rất kỹ trong các “tủ sách” bí mật trong khám. 

Nhóm học lý luận được tổ chức thành các lớp phù hợp với trình độ của từng đối tượng. Lớp học chính trị phổ cập nghiên cứu Chánh cương, Sách lược vắn tắt và Luận cương chính trị của Đảng ta. Các vấn đề cơ bản như Yêu cầu khách quan của xã hội Việt Nam, tính chất và nhiệm vụ cách mạng, động lực chủ yếu của cách mạng và sách lược đấu tranh được tù chính trị dành nhiều thời gian thảo luận. 

Cùng với việc học lý luận, tù chính trị còn thảo luận nhiều vấn đề thuộc các lĩnh vực chính trị, kinh tế, triết học, lịch sử, thời sự và văn học nghệ thuật. Các vấn đề chính trị, triết học được thảo luận hằng ngày, vấn đề gì chưa hiểu rõ thì dừng lại đọc thêm tài liệu và nghiên cứu sách kinh điển của chủ nghĩa Mác, cố gắng nắm bản chất của vấn đề rồi liên hệ với tình hình thế giới, liên hệ với truyền thống dân tộc Việt Nam và rút ra những bài học kinh nghiệm… 

Nhờ được học tập và rèn luyện trong nhà tù Côn Đảo, khi được mãn hạn tù, được ân xá hay vượt ngục thành công, những người tù chính trị đã góp phần đắc lực khôi phục phong trào cách mạng. Có những đồng chí trước kia là công nhân, nông dân mà nay ở tù về diễn thuyết rất hay, biết phân tích tình hình thế giới, tình hình Đông Dương và xu thế cách mạng tất yếu của thời đại làm cho quần chúng khâm phục và tin tưởng. 

Nhiều người đã trở thành lãnh tụ xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta như: Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh; Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng; Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng…


“Ông già Chuồng Cọp” Cao Văn Ngọc

Ông Cao Văn Ngọc sinh năm 1897 tại làng An Ngãi, quận Long Điền, tỉnh Bà Rịa (nay là tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu). Xuất thân là hương quản, tham gia kháng chiến làm thư ký nông hội xã, khi bị bắt chỉ là cơ sở của chi bộ xã, nhưng ông là một trong số những người kiên cường nhất trong cuộc đấu tranh chống li khai cộng sản. Do đó, ông Cao Văn Ngọc nổi danh là “Ông già Bà Rịa” hay “Ông già Chuồng Cọp” kiên cường, bất khuất trong cuộc đấu tranh chống ly khai cộng sản ở Trại I.

Ông đã trút hơi thở cuối cùng vào đêm 27/3/1961 sau trận khủng bố đẫm máu. Năm 1998, liệt sĩ Cao Văn Ngọc được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân về thành tích đặc biệt xuất sắc trên mặt trận đấu tranh trong nhà tù đế quốc.

 

Luôn sẵn sàng hy sinh

Chống ly khai cộng sản là hình thức đấu tranh cao nhất, là đấu tranh cho mục tiêu hoà bình thống nhất nước nhà, là bảo vệ đường lối giải phóng dân tộc của Đảng, bảo vệ lý tưởng cộng sản. Đấu tranh chống ly khai là ngọn cờ, là linh hồn trong phong trào đấu tranh của tù chính trị Côn Đảo. Những người tù chống ly khai đã trải qua nhiều cực hình đày đoạ. Họ phải trả giá bằng máu và mạng sống cho lập trường chống ly khai.

Vào đầu tháng 4/1960, địch lôi tù chính trị ra Bãi Dương, nhà hát Côn Đảo và Lò Vôi đánh đập, phơi nắng, phơi mưa suốt mấy ngày liền nhằm bắt mọi người ký giấy ly khai. Đợt này, số tù nhân hy sinh lên đến mấy trăm người, nhưng vẫn còn 59 người không chịu khuất phục và bị tống vào Chuồng Cọp. Đến tháng 3/1961, số tù chống ly khai Đảng bị nhốt ở chuồng Cọp chỉ còn lại 18 người. Ngày 27/3/1961, địch mở đợt chiêu dụ mới, nhưng 18 người vẫn là 18 chữ ký cương quyết không ly khai Đảng. Tối hôm đó, địch đánh đập, đàn áp rất dã man, khiến 5 người bị đánh chết tại chỗ. Mấy hôm sau, thêm 3 người nữa ra đi. 

Trước sự đàn áp dã man của địch, cuối cùng chỉ còn lại 5 người, gồm các ông: Phan Trọng Bình, Nguyễn Đức Thuận, Phạm Quốc Sắc, Lê Văn Một và Nguyễn Minh. Toàn thể tù chính trị đã tôn vinh các anh là Năm Anh-Năm ngôi sao sáng1.  Nhiều người tôn vinh các anh là Năm vị anh hùng dân tộc. 

Tròn 5 năm kể từ chuyến lưu đày tù chính trị đầu tiên ra Côn Đảo (11/1/1957), kẻ thù đã thực hiện tất cả những thủ đoạn thâm độc nhất, tàn bạo nhất nhưng không khuất phục được trái tim và khối óc của những người cộng sản kiên cường. Gần 500 người đã anh dũng hy sinh nhưng năm người còn lại cuối cùng vẫn giương cao ngọn cờ quyết tử chống li khai. Họ tồn tại như một chiến lũy của chủ nghĩa cộng sản giữa sào huyệt kẻ thù, giữa bốn bề nanh vuốt khủng bố của một chế độ chống cộng cực đoan và tàn bạo nhất.

Kinh nghiệm chiến đấu và chiến thắng của Năm Anh được toàn thể tù chính trị Côn Đảo học tập và noi theo, vươn lên trong cuộc đấu tranh bảo vệ khí tiết. 

Trong giai đoạn Mỹ-ngụy, ngoài cuộc đấu tranh chống cưỡng bức ly khai cộng sản (1957-1963), còn có cuộc tuyệt thực 23 ngày (6/1964) đấu tranh đòi tự do tư tưởng và thực hiện quy chế tù chính trị với các cuộc tuyệt thực 14 ngày (9/1971) và 19 ngày (9/1972).

Cựu tù chính trị Côn Đảo, Trung tướng Châu Văn Mẫn, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân nhớ lại: Đảng bộ mang tên người chiến sĩ Lưu Chí Hiếu đã được thành lập vào ngày 3/2/1972. Bí thư là ông Trần Văn Cao (Tư Cao) với tinh thần đoàn kết và chiến đấu cao, tù chính trị câu lưu ở trại 6 khu B đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh tiêu biểu để tiếp tục giữ vững khí tiết của người cách mạng, không chấp nhận những điều kiện địch đặt ra, không hô khẩu hiệu xúc phạm Lãnh tụ của chúng ta, không đi làm khổ sai để phục vụ nhà cầm quyền Côn Đảo. Trong đó có đợt tuyệt thực 19 ngày (10/1972).


Chớp thời cơ tự giải phóng 

Qua thông tin từ radio, biết tin Sài Gòn thất thủ và trực tiếp quan sát tình hình, những người tù chính trị ở Trại VII đã quyết định chớp thời cơ tự giải phóng. Đảo ủy lâm thời được thành lập lúc 3 giờ sáng ngày 1/5/1975, ngay sau khi Trại VII vừa được giải phóng. Theo sự chỉ đạo của đảo ủy, tù chính trị giải phóng đã tổ chức lực lượng vũ trang, chia thành nhiều mũi, chiếm các vị trí xung yếu của đảo và mở cửa giải phóng cho các trại. 9 giờ sáng ngày 1/5/1975, Đài phát thanh Côn Đảo phát tin tù chính trị đã hoàn toàn làm chủ Côn Đảo và công bố danh sách các thành viên trong chính quyền cách mạng.

Rạng sáng 4/5/1975 chuyến tàu chở lực lượng vũ trang ra giải phóng Côn Đảo đã cập bến cũng là lúc tình hình trên đảo đã đi vào ổn định. Ngày 5/5/1975, con tàu đầu tiên đưa các chiến sĩ tù nhân Côn Đảo đã về đến Vũng Tàu. Ủy ban quân quản Vũng Tàu tổ chức trọng thể cuộc mít tinh tại cảng Rạch Dừa chào đón những người con ưu tú của Tổ quốc vừa chiến thắng trở về.


Ngày 8/10/1972, nhân cái chết thê thảm của đồng chí Đoàn Hảo 56 tuổi, quê Quảng Nam tại bệnh xá Trại VI B do giam cầm đày ải khắc nghiệt, không thuốc men chữa trị, Đảng bộ Lưu Chí Hiếu đã chỉ đạo giữ xác đồng chí Đoàn Hảo tại bệnh xá để tố cáo tội ác và buộc chúng phải giải quyết các yêu sách của ta, cụ thể là: Cơm ăn đủ no, thức ăn đủ bữa, cấp rau và cá tươi; Cấp đủ thuốc men trị bệnh; Bãi bỏ việc cất giữ tiền của gia đình gửi cho tù nhân; Trả lại sinh hoạt bình thường; Được mua hàng, vật dụng trực tiếp, không qua trật tự; Yêu cầu gặp Quản đốc (để giải quyết).

Địch đưa một trung đội cảnh sát dã chiến và hàng trăm an ninh trật tự bao vây bệnh xá. Bọn an ninh trật tự ác ôn dùng cây, đá, thanh sắt, dao, cưa sắt phá cửa, đâm chém dã man nhiều tù nhân rồi cướp xác đồng chí Đoàn Hảo khiêng ra ngoài. Phẫn nộ trước những hành động cực kì tàn bạo của kẻ thù, toàn thể tù chính trị Trại VI A hô la phản đối; 860 tù chính trị ở 9 phòng Trại VI B quyết định tuyệt thực để chặn bàn tay đẫm máu của địch và làm áp lực buộc chúng giải quyết các yêu sách đã nêu. Sau 19 ngày tuyệt thực, quản đốc Đào Văn Phô mới giải quyết các yêu sách. Cuộc đấu tranh giành thắng lợi hoàn toàn.

Sau cuộc tuyệt thực 19 ngày thắng lợi anh em tù chính trị vô cùng phấn khởi, lực lượng tù chính trị câu lưu Trại 6B càng trưởng thành về tư tưởng, càng khẳng định vị trí chính trị của mình. Trại 6B đã phá rã thế kìm kẹp của địch, buộc chúng phải cam kết tôn trọng nhân phẩm của tù chính trị, chấm dứt việc bỏ cơm ngoài, rồi chúng không tỏ thái độ gì... chúng thầm thì với nhau về tinh thần của anh em ta, tỏ vẻ khâm phục.

Làm báo chốn lao tù

Cuộc tuyệt thực 19 ngày thắng lợi đã được chính những tù chính trị Trại 6B đã tham gia viết và đăng trên số thứ nhất Tờ “Sinh hoạt”phát hành  vào ngày 20/11/1972. Trong đó có bài bút ký “Tâm tư” của tác giả Ng., thuật lại những ngày tuyệt thực để làm áp lực với bọn cai ngục. Bài bút ký có đoạn rằng: “Đêm nay là đêm thứ mười sáu tuyệt thực. Toàn trại vắng lặng như cảnh chết. Trong phòng giam la liệt những thân gầy khô đét, thoi thóp dán mình trên những mảnh chiếu rách, đã nát tự bao giờ” và sau đó là câu chuyện bi hùng về những người tù chính trị kiên cường đòi công lý, đòi quyền tự do.

Làm báo trong điều kiện tay trắng, lại bị theo dõi, kềm kẹp nên rất khó khăn, gian khổ. Tất cả được viết bằng tay, từ vẽ bìa, măng-sét đến nội dung bên trong và cả hình ảnh minh họa. Vật dụng làm báo đều được tự chế, trừ bút, giấy được gửi lén mua từ bên ngoài mang vào. Mực viết được các tù chính trị tự chế bằng thuốc nhuộm đen, nước... Màu của tờ báo cũng được sáng chế trong tình cảnh thiếu thốn: như màu đỏ, nâu là thuốc đỏ y tế, màu vàng là bột nghệ, màu xanh tạo từ lá khoai lang hoặc thuốc sát trùng trị ghẻ... Từ đó, các họa sĩ thiết kế còn pha trộn ra nhiều màu khác.

Việc làm báo ở nhà tù Côn Đảo được chia làm 3 giai đoạn: 1930-1945, 1948-1950 và 1955-1975. Tờ “Sinh hoạt” và tập san “Xây dựng” là 2 tờ báo nổi bật của các tù chính trị Côn Đảo thời kỳ 1955-1975. 

Tập san “Xây dựng” số 1 ra mắt tháng 3/1973, mỗi tháng một số, mỗi số được chép thành 10 bản gửi cho 10 phòng. Báo Xây Dựng ra được 12 số (10 số thường kỳ và 2 số đặc biệt), được chép tay trên giấy học trò khổ 13 x 19cm, mỗi khổ gồm 60 trang trở lên có số đặc biệt dày gần 100 trang, nội dung gồm các thể loại: xã luận, tin tức, bình luận, truyện kí, thơ ca, tiểu phẩm... mang tính chất thông tin, giáo dục chính trị, sinh hoạt tư tưởng và tổng kết kinh nghiệm đấu tranh.. 

Trong giờ đóng cửa của phòng giam, từng nhóm bạn tù quây quần bên nhau chăm chú lắng nghe một người đọc vì không đủ thời gian cho từng người đọc riêng tờ báo. Mọi người ai nấy đều rất trân trọng những trang báo ra đời từ chốn lao tù. Những trang báo ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt đã góp phần biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, nơi rèn luyện đội ngũ tù chính trị ở “địa ngục trần gian”.

(Còn nữa)

Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

  • Từ khóa