Chủ nhật, 24/11/2024, 04:36[GMT+7]

Chương trình nghệ thuật “Màu hoa đỏ”: Tái hiện những ký ức hào hùng về một “thời hoa lửa”

Thứ 7, 22/07/2023 | 05:28:03
12,101 lượt xem
Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023), tối 21/7, tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội đã diễn ra Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Màu hoa đỏ” lần thứ 16 năm 2023.

Với những ca từ đầy ý nghĩa, mang âm hưởng hào hùng, không gian âm nhạc tại chương trình đã làm sống dậy những năm tháng chiến đấu đầy vẻ vang của dân tộc.

Chương trình do Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhằm nhắc nhớ và tri ân công ơn to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương, bệnh binh, mẹ Việt Nam anh hùng và các gia đình có công với cách mạng.

Tham dự Chương trình có các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, các bộ, ban ngành; lãnh đạo các tỉnh, thành phố và đông đảo khán giả Thủ đô.

Chương trình “Màu hoa đỏ” là sự kiện thường niên do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức. Trong hành trình 15 năm qua, chương trình đã tạo được sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội, thu hút sự quan tâm đặc biệt của các tầng lớp nhân dân.

Nhiều tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã dành tình cảm, tự nguyện ủng hộ tinh thần, vật chất, phối hợp với Ban Tổ chức tham gia các đoàn thăm hỏi, động viên, trao tặng hàng vạn sổ tiết kiệm, gần 600 nhà tình nghĩa, cùng hàng vạn suất học bổng, quà tình nghĩa tới các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công tại nhiều địa phương trong cả nước.

Chương trình như một thông điệp mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện trách nhiệm, tình cảm, sự tri ân của đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước đối với các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh, Mẹ Việt Nam Anh hùng và những người có công với cách mạng.

Khúc tráng ca hào hùng về một “thời hoa lửa”

Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Màu hoa đỏ” lần thứ 16 năm 2023 gồm 3 trường đoạn: ‘Tổ quốc kháng chiến’, ‘Bản hùng ca người lính’, ‘Giai điệu tự hào’, với sự góp mặt của các nghệ sĩ tên tuổi như: NSND Quốc Hưng, Tân Nhàn, Lê Anh Dũng, Đông Hùng, Sèn Hoàng Mỹ Lan, Nhóm Oplus, Phương Nga, Đinh Thành Lê,…

Đây là khúc tráng ca hào hùng tái hiện lại những ký ức về một “thời hoa lửa” - những năm tháng chiến tranh gian khổ, ác liệt ấy, những câu chuyện đầy lay động ở tiền tuyến và hậu phương vẫn luôn day dứt, xúc động mỗi thế hệ chúng ta hôm nay.

Chương trình mở màn bằng tiết mục “Tổ quốc” qua phần thể hiện của NSND Quốc Hưng. Những ca từ đầy ý nghĩa, với giai điệu hào hùng, bi tráng đã làm sống dậy những năm tháng chiến đấu đầy vẻ vang của dân tộc, thể hiện lòng biết ơn tới những người con ưu tú đã cống hiến máu xương của mình cho độc lập dân tộc, thống nhất và dựng xây đất nước.

Không gian nghệ thuật của Chương 1: Tổ quốc kháng chiến phác họa lại hình ảnh những người chiến sĩ mang trong mình hoài bão lớn, nung nấu quyết tâm cháy bỏng giành độc lập, tự do cho dân tộc, qua những ca từ, giai điệu đầy hào sảng của các ca khúc “Lá xanh”, “Tiễn thầy đi bộ đội”, “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Cô dân quân làng đỏ”, “Các anh đi mãi”.

Để có được hòa bình như ngày hôm nay, dân tộc Việt Nam đã phải trải qua biết bao hi sinh, mất mát, đánh đổi bằng máu xương, nước mắt của bao thế hệ người Việt Nam đã ngã xuống để tạo nên trang sử hào hùng. Chương 2 là bản hùng ca về những người con ưu tú đã dành cả thanh xuân để giữ trọn lời thề vì đất nước, với các ca khúc “Người chiến sĩ ấy”, “Màu hoa đỏ”, “Vết chân tròn trên cát”, “Miền xa thẳm”, “Các anh đi mãi”.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt khép lại bằng những thanh âm của niềm vui, niềm tự hào, niềm tin vào tương lai đất nước qua không gian nghệ thuật của Chương 3: Giai điệu tự hào, với chùm bài hát “Tình ca”, “Việt Nam trong tôi là”, “Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ”.

Với những ca từ đầy ý nghĩa, mang âm hưởng hào hùng, không gian âm nhạc tại chương trình đã làm sống dậy những năm tháng chiến đấu đầy vẻ vang của dân tộc, thể hiện lòng biết ơn, tưởng nhớ, tri ân tới những người con ưu tú đã cống hiến máu xương của mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Qua đó, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc, khơi dậy lòng tự hào và trách nhiệm chăm sóc người có công với cách mạng trên cả nước.

Theo nhandan.vn