Thứ 3, 19/11/2024, 08:27[GMT+7]

10 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị

Thứ 2, 21/06/2021 | 14:09:29
1,373 lượt xem
Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 1/12/2011, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU, ngày 29/5/2012 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục thể thao (TDTT) đến năm 2020”. Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW và Chỉ thị số 11-CT/TU, TDTT Thái Bình đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Các thành viên đội tuyển bóng chuyền nữ Thái Bình.

Các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng; ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa Nghị quyết số 08 và Chỉ thị số 11 gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, góp phần phát triển văn hóa, TDTT toàn diện.

Phong trào thể dục thể thao quần chúng của tỉnh phát triển rộng rãi trong các nhóm lứa tuổi với nhiều hình thức và nội dung hoạt động phong phú. Mỗi năm, toàn tỉnh tổ chức gần 1.000 giải thi đấu thể thao cấp cơ sở, hơn 100 giải thi đấu thể thao cấp huyện, thành phố và cấp ngành, 10 - 15 giải thể thao cấp tỉnh. Các hoạt động TDTT diễn ra sôi nổi trong những dịp tết cổ truyền của dân tộc và những ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước, của tỉnh. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 35,5% dân số tập luyện TDTT thường xuyên; số gia đình thể thao đạt 25,5% so với tổng số hộ, thành lập hơn 1.500 câu lạc bộ thể thao ở các xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị. Mô hình câu lạc bộ cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền hơi, dân vũ… đã thu hút đông đảo thanh thiếu niên, phụ nữ, người cao tuổi tham gia. Bên cạnh việc quan tâm, phát triển đa dạng các loại hình tập luyện TDTT, công tác bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc, các trò chơi vận động dân gian cũng được các cấp, các ngành quan tâm, thực hiện. Các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian như: vật cổ truyền, kéo co, cờ người, pháo đất, thả diều,... được tổ chức gắn với các lễ hội truyền thống ở từng địa phương.

Giáo dục thể chất và hoạt động TDTT trong các nhà trường phát triển mạnh. Năm 2020, tỷ lệ số trường học thực hiện nội dung giáo dục thể chất bắt buộc theo quy định có chất lượng trên tổng số trường đạt 100%; tỷ lệ số trường học duy trì hoạt động ngoại khóa thường xuyên trên tổng số trường đạt 100%. Phương pháp dạy và học, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục thể chất đổi mới theo hướng tích hợp với các hoạt động giáo dục khác trong chương trình giáo dục. Bên cạnh đó, toàn tỉnh chú trọng phát triển các loại hình câu lạc bộ TDTT trong trường học; tổ chức dạy và học bơi trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Đặc biệt, thể thao thành tích cao những năm gần đây đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đặt ra; thành tích thi đấu các môn thể thao thế mạnh của tỉnh được giữ vững như: cầu lông, bóng chuyền, đua thuyền... luôn nằm trong tốp các đội mạnh và đạt nhiều thứ hạng cao tại các giải khu vực và toàn quốc, cung cấp nhiều vận động viên, huấn luyện viên xuất sắc cho các đội tuyển quốc gia tham gia thi đấu tại các giải khu vực và quốc tế. Tham gia các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc, đến nay Thái Bình đã giành 144 huy chương các loại; tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII (năm 2014), đoàn thể thao Thái Bình xếp trong tốp 20 tỉnh, thành, ngành có thành tích dẫn đầu cả nước.

Các câu lạc bộ trong và ngoài tỉnh tham gia hội thi thả diều vượt câu liêm.

Phát huy có hiệu quả công tác xã hội hóa TDTT, toàn tỉnh đã huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế đầu tư phát triển TDTT, nhất là lĩnh vực xây dựng cơ sở vật chất thể thao ngoài công lập, góp phần giải quyết một phần những khó khăn về ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng công trình TDTT: bể bơi, nhà tập, sân bóng đá cỏ nhân tạo, sân tennis... Ngoài việc đầu tư các công trình văn hóa, thể thao, hàng năm các cá nhân, tổ chức đã đóng góp, tài trợ kinh phí, trang thiết bị, dụng cụ tập luyện và công lao động cho tổ chức các hoạt động TDTT ước hàng tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, một số cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo cơ quan, đơn vị nhất là ở cơ sở chưa nhận thức đầy đủ, chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư đúng mức đối với hoạt động TDTT. Chất lượng phong trào TDTT quần chúng chưa đồng đều, chỉ tập trung vào các dịp lễ hội hoặc thời kỳ phát động; phong trào tập luyện TDTT mang tính tự phát còn phổ biến. Lực lượng kế cận thể thao thành tích cao còn thiếu và yếu, nhiều môn thể thao còn thiếu huấn luyện viên giỏi. Cơ sở vật chất phục vụ hoạt động giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong các trường học và tại cơ sở còn thiếu; việc quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả chưa cao. Chưa phát huy hết tiềm lực to lớn của nhân dân để phát triển sự nghiệp TDTT.

Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, vấn đề trọng tâm đặt ra cần đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò quan trọng của TDTT đối với việc nâng cao sức khỏe nhân dân, nâng tầm vóc và thể lực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Nâng cao chất lượng dạy và học giáo dục thể chất chính khóa trong các nhà trường, tăng cường các hoạt động ngoại khóa theo hướng đa dạng các hình thức hoạt động, chú trọng đến nhu cầu tự chọn của học sinh. Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đưa môn bơi vào chương trình ngoại khóa. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; vận động và thu hút đông đảo nhân dân tham gia tập luyện TDTT; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đa dạng các hình thức tổ chức tập luyện TDTT ở cơ sở; chú trọng duy trì và phát triển các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các môn thể thao thế mạnh, truyền thống của tỉnh; tăng cường huy động và tạo điều kiện thuận lợi để mọi tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp.

Trần Ngọc Tú
(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)