Thứ 7, 23/11/2024, 20:01[GMT+7]

Học sinh tranh tài lập trình drone

Chủ nhật, 30/07/2023 | 18:17:53
2,377 lượt xem
Gần 100 học sinh THCS và THPT các địa phương phía Nam tranh tài lập trình drone vượt qua chướng ngại vật để giành chiến thắng.

Sáng 29/7, cuộc thi lập trình drone với chủ đề “Chinh phục bầu trời” khu vực phía Nam diễn ra tại trường EMASI Vạn Phúc (TP Thủ Đức). Sân chơi do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Giáo dục STEM (Đại học Sư phạm TP HCM) phối hợp KDI Education tổ chức.

TS Nguyễn Thị Thu Trang, đại diện ban tổ chức cho biết, cuộc thi giúp học sinh phát huy khả năng lập trình và tư duy giải quyết vấn đề, từ đó ra lệnh cho drone vượt qua các chướng ngại vật trên sa bàn. Đây là cơ hội tốt cho học sinh có năng khiếu và đam mê với lĩnh vực lập trình. Ngoài TP HCM, cuộc thi có sự tham gia của các học sinh đến từ Đồng Nai, Bình Dương, Gia Lai...

Sân thi đấu chia thành bốn khu vực với 2 sa bàn cho học sinh THPT và 2 sa bàn cho học sinh THCS. Ban tổ chức thiết lập ba chướng ngại vật (với học sinh THPT) và hai chướng ngại vật (với học sinh THCS) là các vòng tròn có độ cao và góc quay khác nhau.

Học sinh sử dụng kỹ năng lập trình bằng phần mềm kéo thả, thao tác trên laptop hoặc smartphone để thiết lập các thông số cho drone vượt qua các chướng ngại vật. Khi vượt qua chướng ngại vật, drone sẽ đáp ở khu vực đích và sẽ bay về vị trí xuất phát là một khu vực đường tròn đồng tâm. Drone đáp ở vị trí trung tâm đường tròn sẽ đạt điểm tối đa 110 điểm với học sinh THPT và 100 điểm với THCS.



Ban tổ chức cung cấp một drone cỡ nhỏ giá trị khoảng 2 triệu đồng cho học sinh tham gia thi đấu. Dòng drone này chuyên phục vụ cho hoạt động giáo dục với tầm bay thấp, thời gian hoạt động khoảng 7 phút cho một lần sạc đầy pin.

Thí sinh đưa drone vào vị trí xuất phát ở tâm đường tròn. Mỗi thí sinh có hai lượt chơi, mỗi lượt kéo dài 3 phút.

Thí sinh theo dõi quá trình di chuyển của drone khi đi qua các đường tròn. Trong quá trình di chuyển, drone va chạm với chướng ngại vật, thí sinh phải cho dừng hoạt động và quay lại vị trí xuất phát để thi lại.

Ngôn ngữ lập trình dạng kéo thả được sử dụng để thiết lập thông số cho hoạt động của drone. Ngôn ngữ lập trình dạng này được nhiều học sinh làm quen từ năm lớp 5. So với lập trình viết code, sử dụng ngôn ngữ kéo thả dễ thao tác và ít lỗi hơn.

Drone di chuyển sát thành giới hạn của đường tròn. Theo Ban tổ chức, học sinh cần có kỹ năng lập trình điều chỉnh góc và khoảng cách tối ưu nhất để drone vượt qua chướng ngại vật dễ dàng.

Một drone di chuyển sai hướng chuẩn bị va vào chướng ngại vật. Chia sẻ kinh nghiệm lập trình, Trần Lê An, học sinh lớp 10 trường THPT Chi Lăng (Gia Lai) cho biết, việc tính toán khoảng cách, độ cao các chướng ngại vật cần thực hiện chính xác nhưng cũng xem xét vấn đề sai số khi drone bay sẽ chịu ảnh hưởng môi trường bên ngoài. Việc tính toán nhiều yếu tố sẽ giúp khả năng vượt chướng ngại vật của drone tốt hơn.

Một học sinh lập trình đường đi cho drone trên điện thoại khi tham gia cuộc thi.

Tại cuộc thi 10 học sinh có thành tích tốt nhất khu vực phía Nam sẽ cùng 10 bạn miền Bắc đại diện cho Việt Nam tham gia sân chơi quốc tế do Hiệp hội Hàng không Mô hình Hàn Quốc (KAMA) và Liên đoàn Hàng không quốc tế FAI tổ chức vào tháng 10 tới. Đây là một cuộc thi thường niên được tổ chức từ năm 2018, thu hút hàng nghìn lượt thí sinh từ các quốc gia như Mỹ, Pháp, Anh, Hàn Quốc... Đây là lần đầu Việt Nam tham gia sân chơi này.

Theo vnexpress.net