Thứ 7, 23/11/2024, 18:03[GMT+7]

Đồng hành cùng hội viên

Thứ 5, 03/08/2023 | 09:26:50
1,668 lượt xem
5 năm qua, Hội Nông dân huyện Đông Hưng đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ vay vốn, dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật... giúp hội viên, nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.

Anh Nguyễn Đức Thảo, xã Hồng Việt (Đông Hưng) làm giàu từ mô hình trồng hoa đồng tiền.

Thu nhập từ cấy lúa bấp bênh nên cuộc sống gia đình chị Hà Thị Hiền, xã Thăng Long “thiếu trước, hụt sau”. Để vươn lên thoát nghèo, chị Hiền đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả của gia đình, nhận ruộng của các hộ không cấy để trồng hoa, cây cảnh, cây giống đáp ứng nhu cầu thị trường. Trên diện tích 3 mẫu, chị trồng các loại hoa đồng tiền, hoa giấy, ngọc lan, cây đào, cây giống hồng xiêm, hòe... 

Chị Hiền cho biết: Mỗi năm gia đình thu từ mô hình chuyển đổi này 450 - 500 triệu đồng, số tiền mà trước đây tôi không dám mơ tới. Có được thành công này cũng nhờ Hội Nông dân xã đã cho tôi tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, tín chấp cho tôi vay vốn của ngân hàng đầu tư sản xuất.

Đồng hành cùng hội viên phát triển kinh tế, nhiệm kỳ qua, Hội Nông dân huyện Đông Hưng chỉ đạo các cơ sở hội nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, có biện pháp hỗ trợ phù hợp theo phương châm “cần gì hỗ trợ đó”; vận động hội viên hưởng ứng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. 

Ông Phạm Đức Tuyến, Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: Nhiệm kỳ qua, các cấp hội đã tổ chức hơn 3.000 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 180.000 lượt hội viên; tổ chức gần 200 buổi hội thảo thu hút gần 12.000 lượt hội viên về kỹ thuật cấy lúa hàng biên, cấy lúa thân thiện với môi trường, chăm sóc rau màu, sử dụng thức ăn chăn nuôi, phân bón các loại; tổ chức 31 hội nghị hướng dẫn hội viên giới thiệu sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Các cấp hội còn thực hiện chương trình ủy thác vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, đến nay dư nợ đạt trên 410 tỷ đồng cho hơn 3.400 hội viên vay, đồng thời quản lý 148 tổ tiết kiệm và vay vốn, dư nợ trên 200 tỷ đồng cho hơn 4.500 hội viên vay. Các cấp hội cũng tín chấp cho hội viên mua trả chậm hơn 1.000 tấn phân bón các loại để chăm sóc cây trồng. Phối hợp tổ chức gần 100 lớp dạy nghề cho hơn 3.300 lượt hội viên, nông dân với các nghề chăn nuôi, thú y, nuôi trồng thủy sản, sửa chữa và vận hành máy nông nghiệp, may công nghiệp, đan cói...

Anh Bùi Văn Tuân, xã Hà Giang (đứng thứ nhất từ phải sang) điển hình nông dân làm kinh tế giỏi của huyện.

5 năm qua, Hội Nông dân huyện Đông Hưng đã hướng dẫn thành lập, duy trì hiệu quả hoạt động 17 tổ hợp tác với 180 thành viên chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, thu nhập bình quân 80 triệu đồng/người/năm; HTX Tiên Phong nuôi trồng, xuất nhập khẩu thủy sản, giải quyết việc làm cho 60 lao động; 3 chi hội nông dân nghề nghiệp trồng đào, phát lộc, cây cảnh, cây giống tại 2 xã Minh Tân và Hồng Việt; 930 tổ nghề nghiệp giải quyết việc làm cho gần 7.000 lao động với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng... Cùng với đó, nhiều mô hình được hỗ trợ như cấy lúa thân thiện với môi trường, sản xuất lúa gạo, cây ăn quả, cây vụ đông đã đạt sản phẩm OCOP ngày càng phát huy hiệu quả. Các cấp hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Đến nay, toàn huyện có trên 400 hộ nông dân gieo cấy từ 2 mẫu trở lên; hội viên tích cực tham gia xây dựng 31 cánh đồng lớn với diện tích hơn 1.400ha, 6 cánh đồng 4 vụ/năm với diện tích 76,3ha, cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần sản xuất theo phương thức truyền thống. Thông qua phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, bình quân hàng năm có hơn 25.000 lượt hội viên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp (chiếm 73% tổng số hội viên đăng ký). 

Bà Nguyễn Thị Thúy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hà Giang chia sẻ: Hội đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và nhân dân chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả, cải tạo vườn tạp trồng cây mít dai vàng bản địa cho thu nhập cao gấp 4 - 5 lần trồng lúa; đồng thời, phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại. Hiện toàn xã có gần 100 trang trại và gia trại chăn nuôi tổng hợp, chủ yếu là nuôi bò, lợn, cá. Một số hội viên mạnh dạn đầu tư máy móc, tích tụ ruộng cấy lúa hàng hóa, làm trang trại trồng nấm, trồng thanh long, mỗi năm thu hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 2,07% (năm 2022), tỷ lệ hộ giàu, khá ngày càng tăng.

Không chỉ tích cực phát triển sản xuất, cán bộ, hội viên nông dân huyện Đông Hưng còn tự nguyện đóng góp trên 50.000 ngày công, hơn 35.000m2 đất và gần 40 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới nâng cao, nâng cấp, làm mới cơ bản đường giao thông nông thôn, cứng hóa hệ thống kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp. 100% cơ sở hội có thành viên tham gia tổ thu gom rác thải. Hội Nông dân huyện trao gần 1.000 thùng đựng rác cho 460 hội viên ở một số xã để phân loại rác thải tại gia đình, tiếp nhận dự án tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại gia đình ở 3 xã Đông Xuân, Đông Vinh, Nguyên Xá để góp phần thực hiện tiêu chí về môi trường.


 Hiếu Nghĩa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày