Thứ 7, 23/11/2024, 12:39[GMT+7]

Kỳ vọng những vấn đề sau chất vấn sẽ được giải quyết triệt để Bài 3: Tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp

Thứ 5, 10/08/2023 | 08:19:22
3,629 lượt xem
Trả lời câu hỏi của đại biểu HĐND tỉnh về kết quả, những khó khăn, vướng mắc, những giải pháp trong thời gian tới để thu hút đầu tư tại các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh, đồng chí Trần Huy Quân, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Sở đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng phương án phát triển CCN thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bao gồm 67 CCN với diện tích 4.197ha.

Đầu tư tại cụm công nghiệp Vũ Quý (Kiến Xương), Công ty TNHH Logitex duy trì sản xuất hiệu quả.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 49 CCN được thành lập với tổng diện tích 2.722ha, 47 CCN đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết; có 28 CCN do UBND cấp huyện quản lý một phần hoặc toàn bộ, 36 CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng quản lý. Tỷ lệ lấp đầy các CCN trên địa bàn đạt 55%.

Sản xuất tại Công ty TNHH Sợi dệt Hương Sen Comfor (cụm công nghiệp Đông Hải, huyện Quỳnh Phụ).

Những năm qua, tốc độ phát triển ngành công nghiệp của tỉnh liên tục tăng. Nếu giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân 14,4% thì những năm 2021 - 2022  tăng bình quân 17%. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng bình quân 14%, trong đó có đóng góp rất lớn của các CCN. Tính đến tháng 6/2023, các CCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 452 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 33.413 tỷ đồng, tăng 14,8% so với năm 2020. Hiện có 336 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất (74,3%), 68 dự án đang xây dựng, 48 dự án đang ở bước chuẩn bị đầu tư, sử dụng 56.552 lao động với mức thu nhập bình quân 6 - 8 triệu đồng/người/tháng. Năm 2022, giá trị sản xuất của các doanh nghiệp trong CCN đạt 24.398 tỷ đồng, tăng 28,9% so với năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu đạt 207,6 triệu USD, tăng 33,4% so với năm 2020; 6 tháng đầu năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp của các CCN trên địa bàn đạt 12.663 tỷ đồng, chiếm 28% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, kim ngạch xuất khẩu đạt 133,3 triệu USD.

Theo đồng chí Giám đốc Sở Công Thương, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển và thu hút đầu tư vào CCN trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Về đất đai, nhiều CCN thiếu chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2025 để triển khai hạ tầng và thu hút các dự án thứ cấp. Có CCN đã thành lập, mở rộng từ năm 2019 tuy nhiên chưa được bố trí kế hoạch sử dụng đất; có CCN chủ đầu tư hạ tầng đã thu hút, ký biên bản ghi nhớ với nhà đầu tư thứ cấp nhưng chưa được bố trí đủ kế hoạch sử dụng đất để triển khai đồng bộ hạ tầng. Cùng với đó, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng CCN nhiều nơi chưa nhận được sự đồng thuận của nhân dân có đất bị thu hồi, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai xây dựng hạ tầng CCN và thu hút đầu tư. Về thủ tục chuyển đổi đất lúa hiện nay cũng qua nhiều khâu, mất nhiều thời gian. Hiện nay, Thái Bình có 28 CCN do UBND cấp huyện quản lý một phần hoặc toàn bộ vẫn chưa được đầu tư đồng bộ, thiếu trạm xử lý nước thải tập trung. Theo Luật Bảo vệ môi trường quy định đến ngày 1/1/2024, CCN phải có trạm xử lý nước thải tập trung mới được thu hút đầu tư. Để giải quyết vấn đề này, Sở Công Thương đã tham mưu phương án xử lý CCN do cấp huyện quản lý; trong đó một số CCN còn quỹ đất, có điều kiện mở rộng thì tiến hành bàn giao cho doanh nghiệp quản lý, đầu tư đồng bộ hạ tầng, trong đó có trạm xử lý nước thải tập trung, tuy nhiên đến nay chưa có hướng dẫn của trung ương về việc chuyển giao CCN cho doanh nghiệp nên chưa thực hiện được.

Để lấp đầy các CCN trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và một số nhà đầu tư thứ cấp về đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư...; làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của người dân có đất bị thu hồi, góp phần đẩy nhanh tiến độ đầu tư, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Bổ sung chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2025 cho các CCN, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất kịp thời cho những dự án có khả năng triển khai nhanh, có năng lực thu hút đầu tư. Tích cực đôn đốc các nhà đầu tư hạ tầng CCN đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng, đặc biệt là trạm xử lý nước thải tập trung để bảo đảm điều kiện thu hút đầu tư. Sở cũng đề nghị UBND cấp huyện tích cực phối hợp với các nhà đầu tư hạ tầng, các sở, ngành đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước để thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào CCN trên địa bàn quản lý. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Thực hiện tốt phương án xử lý CCN do cấp huyện quản lý. Tạo điều kiện cho mở rộng các CCN có khả năng mở rộng; trong đó nhà đầu tư hạ tầng được lựa chọn có trách nhiệm đầu tư hạ tầng đồng bộ, trạm xử lý nước thải tập trung đấu nối giải quyết vấn đề môi trường ở cả phần hiện trạng. Thực hiện thí điểm chuyển giao 1 CCN cho doanh nghiệp quản lý theo chỉ đạo của UBND tỉnh, sau khi có hướng dẫn của trung ương sẽ thực hiện với các CCN còn lại do UBND cấp huyện quản lý.

Công ty Cổ phần Đô Lương (cụm công nghiêp Đô Lương, huyện Đông Hưng) chú trọng đầu tư máy móc hiện đại vào sản xuất.

(còn nữa)
Mạnh Cường - Thu Hiền


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày