Thứ 4, 13/11/2024, 06:41[GMT+7]

Nga phóng tàu thăm dò Mặt Trăng đầu tiên sau 47 năm

Thứ 6, 11/08/2023 | 09:37:27
2,042 lượt xem
Nga tái khởi động chương trình khám phá Mặt Trăng với nhiệm vụ phóng trạm đổ bộ lên hàng xóm gần Trái Đất nhất.

Tàu Luna-25 rời bệ phóng.

Nhiệm vụ Luna-25 khởi hành vào 7h10 tối ngày 10/8 theo giờ địa phương (6h10 ngày 11/8 giờ Hà Nội) trên tên lửa Soyuz-2.1b từ sân bay vũ trụ Vostochny ở vùng Amur của Nga. Đây là tàu thăm dò Mặt Trăng đầu tiên từ năm 1976, khi nhiệm vụ Luna-24 của Liên Xô đưa thành công 170 g mẫu vật Mặt Trăng về Trái Đất, theo Space.

Luna-25 là tàu thăm dò Mặt Trăng tự sản xuất đầu tiên trong lịch sử hiện đại của Nga. Nếu tất cả theo đúng kế hoạch, Luna-25 sẽ mất 5 ngày để bay tới Mặt Trăng, sau đó bay vòng quanh vệ tinh tự nhiên của Trái Đất trong 5 - 7 ngày tiếp theo. Sau đó, tàu vũ trụ sẽ hạ cánh xuống khu vực cực nam của Mặt Trăng, gần miệng hố Boguslawsky. Hai địa điểm hạ cánh dự phòng khác gồm miệng hố Manzini ở tây nam và miệng hố Pentland A ở hướng nam. Sau khi tiếp đất an toàn, Luna-25 sẽ hoạt động trên bề mặt Mặt Trăng ít nhất một năm.

Tàu Luna-25 mất nhiều thời gian để cất cánh hơn dự kiến. Quá trình phóng bị trì hoãn gần hai năm, một phần do chiến tranh Nga - Ukraine, bắt đầu vào tháng 2/2022. Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) phụ trách cung cấp camera định vị Pilot-D chế tạo đặc biệt để giúp tàu Luna-25 hạ cánh chính xác trên Mặt Trăng. Tuy nhiên, khi chiến tranh nổ ra, ESA dừng hợp tác chế tạo camera, cùng với nhiều dự án vũ trụ khác. Dù vậy, đưa Luna-25 tới Mặt Trăng vẫn là nhiệm vụ ưu tiên mà tổng thống Nga Vladimir Putin từng nhấn mạnh trong chuyến thăm sân bay vũ trụ Vostochny vào tháng 4/2022.

Nhiệm vụ chính của tàu Luna-25 là kiểm tra công nghệ để hạ cánh nhẹ nhàng xuống Mặt Trăng, phân tích bụi và đá bề mặt và tiến hành nhiều nghiên cứu khoa học khác. Nếu quá trình hạ cánh thành công, tàu sẽ tìm hiểu lớp trên cùng của tầng phong hóa trên Mặt Trăng, đánh giá khí quyển siêu mỏng và tìm kiếm dấu hiệu của băng nước ở vùng cực nam.

Về mặt hạ cánh, tàu Luna-25 nặng 1,6 tấn khác với các phiên bản trước đây. Những tàu đổ bộ Mặt Trăng của Liên Xô tiếp đất ở vùng xích đạo của Mặt Trăng. Tàu đổ bộ mới sẽ hạ cánh trong phạm vi quanh cực Mặt Trăng, có địa hình hiểm trở.

Được thiết kế, chế tạo và thử nghiệm bởi công ty hàng không vũ trụ NPO Lavochkin của Nga, tàu Luna-25 bao gồm hai phần chính. Một là sàn hạ cánh trang bị hệ thống đẩy và càng đáp. Phần còn lại là hộp thiết bị không điều áp chứa đầy dụng cụ khoa học, bộ tản nhiệt, đồ điện tử, pin quang năm, nguồn nhiệt và điện từ đồng vị phóng xạ, ăngten và camera. Tổng trọng lượng thiết bị trên tàu là 30 kg.

"Có dấu hiệu của băng trong đất ở khu vực Luna-25 hạ cánh. Điều này có thể thấy rõ từ dữ liệu quỹ đạo. Ở vùng xích đạo mà chúng tôi từng hạ cánh trước đây, tình huống không giống như vậy", Maxim Litvak, nhà khoa học ở Viện nghiên cứu không gian của Nga (IKI), chia sẻ.

Trên thực tế, Luna-25 từng được lên lịch hạ cánh vào cùng khoảng thời gian và cùng khu vực với tàu thăm dò Chandrayaan 3 của Ấn Độ, phóng hôm 14/7 và đến quỹ đạo Mặt Trăng hôm 6/8. NASA cũng lên kế hoạch thiết lập một căn cứ gần cực nam Mặt Trăng vào cuối thập niên 2020 thông qua chương trình Artemis.

Tổ hợp thao tác trên Mặt Trăng (LMK) của Luna-25 có thể đào tầng phong hóa và trực tiếp chuyển tới máy quang phổ laser (LAZMA-LR). Ngoài ra, một máy quang phổ hồng ngoại có thể kiểm tra vật liệu và đánh giá tiềm năng tìm thấy nước băng. Litvak cho biết Nga đang lên kế hoạch cho nhiều nhiệm vụ tương lai dựa trên quá trình phát triển Luna-25. Tiếp theo là tàu Luna-26 sẽ quay quanh Mặt Trăng, sau đó tìm cách hạ cánh hai lần. Tàu Luna-27 sẽ chở giàn khoan tới Mặt Trăng và tàu Luna-28 được thiết kế để vận chuyển đất phong hóa từ vùng cực của Mặt Trăng về Trái Đất.

Theo vnexpress.net