Thứ 4, 13/11/2024, 06:46[GMT+7]

Bản lĩnh Long Hưng

Chủ nhật, 13/08/2023 | 07:48:10
3,342 lượt xem
Các tài liệu khảo cứu cho thấy, thế kỷ XIII, hệ thống làng, xã thuộc Thái Bình ngày nay đã cơ bản ổn định, có đồng đất tốt tươi, dân tình trọng hậu để rồi tổ tiên nhà Trần từ nghề đánh cá đã chọn được miền Hải Ấp - Long Hưng (nay thuộc huyện Hưng Hà) bỏ nghề sông nước, lên bờ định cư và nhờ phát nghiệp nông tang mà trở nên giàu có, từng bước tiến thân vào vũ đài chính trị mưu nghiệp lớn. Từ vùng “địa linh” Long Hưng họ Trần đã sinh ra những anh tài hiệt kiệt như Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông… Trải những năm tháng tái thiết đất nước và ba lần kháng chiến chống giặc Nguyên Mông, nhà Trần đã rất chú trọng thực hiện những kế sách phát triển kinh tế - xã hội ở các lộ Long Hưng, Kiến Xương, Thần Khê... để làm chỗ dựa mà hưng nghiệp và giữ nghiệp.

Lễ rước nước tưởng nhớ các vua Trần tại lễ hội đền Trần Thái Bình (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà).

Theo lệ thường, cứ sau cuộc chinh chiến chống giặc ngoại xâm, các vương triều lại phong thưởng để khích lệ công thần và quân sĩ cũng như việc trừng phạt những kẻ có tội đầu hàng giặc để làm gương răn đe và việc này làm ngay khi dứt tiếng gươm khua. Nhưng với nhà Trần, việc làm này thường được làm lui lại, không bởi sự chậm trễ mà đó là cách mà vua Trần cùng quần thần bình tĩnh nhìn nhận lại cuộc chiến được mất mà còn xuất phát từ lòng “hiếu sinh từ bi” nhân cách nhà Trần của Đại Việt cần tạo lập chứng cứ rõ ràng để việc xét thưởng công bằng: thưởng những người có công đồng thời cũng trừng trị nghiêm minh với kẻ có tội.

Các tài liệu nghiên cứu của các sử gia thấy: những người có công lớn như Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải, Hưng Ninh Vương Trần Quốc Tung, Điện Tiền Phạm Ngũ Lão… triều đình nhà Trần không chút do dự thưởng công dễ dàng vì họ luôn bên cạnh triều đình nhưng đối với những bậc anh hào ở các địa phương xa xôi và ở cấp nhỏ hơn nữa ở những xóm làng hẻo lánh, đèo heo hút gió vẫn được triều đình chú ý trọng thưởng kịp thời. Một ví dụ cho thấy việc hưng công ban thưởng của triều đình nhà Trần thể hiện “hiếu sinh từ bi” còn ghi trên tấm bia chùa Hưng Phúc, Thanh Hóa. Bia ký ghi: “Khoảng năm Thiệu Bảo, giặc Hồ trở xuống phương Nam, Hữu tướng giặc là Toa Đô tiến quân theo đường biển đi tắt qua ngõ Cổ Khê bằng con đường của hương An Duyên. Lê Công Mạnh cùng anh em bà con và người trong hương An Duyên chặn đánh quân Toa Đô ở bến Cổ Bút. Giặc cơ hồ không rút chạy được nhưng vì có kẻ gian trong hương hàng giặc chỉ đường nên nhà cửa ông bị đốt phá, công việc xây chùa không thành. Đến khi giặc lui, vua Trần trở lại kinh đô, ông đem việc tâu lên. Vua xuống chiếu tra xét, rồi lấy sản vật trong hương bồi thường cho ông để khuyến khích người trung cần, nêu rõ công sức của ông vậy”. Nhờ vào những tấm bia ký trong các ngôi chùa thâm sâu đâu đó ở các làng quê mà không ít người có công lao lớn trong cuộc chinh chiến chống Nguyên Mông vĩ đại bị sử sách “quên” không lưu chép mà ngày nay hậu thế mới biết về những hình thức phong thưởng công trạng của vua Trần đối với những con người có cống hiến thầm lặng, dù đó là công lớn hay đóng góp nhỏ nhoi trong ba cuộc chiến tranh vệ quốc chống Nguyên Mông thế kỷ XIII. Với những người còn sống mặc nhiên họ được hưởng ân ban của vua, nhưng đối với những người “tử trận” thì họ không thể và ngày nay con cháu họ chỉ có thể nhận biết qua những dòng bia ký với những thông tin hạn chế. Ví như tướng trẻ Trần Bình Trọng vì triều đình, vì nước thà chết chứ không chịu khuất phục, ông đã nhổ bọt vào mặt quân thù, rồi với khí phách cương cường cùng câu nói bất hủ: “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”. Nhận tin Trần Bình Trọng hy sinh, vua Trần Nhân Tông đã vật vã thương khóc (Khâm định Việt sử thông giám cương mục đã ghi). Còn lúc anh hùng Trần Quốc Toản hy sinh tại chiến trường Như Nguyệt, vua Trần Nhân Tông đã thức trắng đêm làm bài văn tế với lời thương tiếc vô hạn người bề tôi anh dũng kiên cường của mình. Các tài liệu khảo cứu cho thấy: “… Những kẻ có tội đầu hàng giặc thì chắc chắn họ đã bị kết tội cũng với đầy đủ chứng cớ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đối với những kẻ có tội này, chỉ gần một tháng sau, vào tháng 9, khi đổi niên hiệu thành Trùng Hưng, vua Trần Nhân Tông đã ra lệnh đại xá cho cả thiên hạ. Đợt đại xá này, dù không tha hết những kẻ vừa kết tội trong tháng 8, song có phần chắc là một số lớn họ đã hưởng được ân xá. Đây là hai bước đi nhằm ổn định lòng dân, làm phấn khởi những người đã hy sinh trong cuộc chiến vừa qua cho Tổ quốc, đồng thời cũng xóa đi những mặc cảm tội lỗi của những kẻ phản bội đầu hàng. Ranh giới phân cách trong dân tộc và sự chia rẽ tâm lý giữa những người cùng chung huyết thống được xóa nhòa”. Không những thưởng phạt nghiêm minh, nhân hậu, khoan dung, các vua Trần còn mềm dẻo, linh hoạt trong ngoại giao và khôn khéo trong binh pháp. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi: “Mùa đông tháng 10 xuống chiếu bình hộ khẩu trong nước. Triều thần can là dân đang lao khổ, việc sửa định hộ khẩu không phải là việc cần làm ngay. Vua nói: Chỉ có lúc này mới nên sửa định hộ khẩu. Đừng để cho kẻ địch dòm thấy dân ta tiêu hao. Bầy tôi đều khen phục”. Các tài liệu khảo cứu cho thấy, 6 tháng sau khi quét sạch quân thù ra khỏi đất nước, vua Trần Nhân Tông đã thực hiện một số biện pháp nội trị và ngoại giao nhằm ổn định và nâng cao tiềm lực chiến đấu của dân tộc.

Trong khi quân dân Đại Việt tưng bừng tổ chức lễ tết Nguyên đán năm Bính Tuất do tết Nguyên đán Ất Dậu họ đã không có dịp ăn mừng vì phải dồn sức chiến đấu với đội quân xâm lược của Thoát Hoan, việc đầu tiên vua Trần Nhân Tông làm mà sử cũ có ghi: “Mùa xuân tháng Giêng, thả quân Nguyên về nước”. 

Số quân Nguyên này là do quân ta bắt được trong các chiến dịch khác nhau, đặc biệt là chiến dịch Tây Kết do chính vua Trần Nhân Tông chỉ huy và bắt được trên 5 vạn quân giặc. Các sử gia sau này cho rằng: “Đây rõ ràng thể hiện chính sách nhân đạo và tấm lòng hiếu sinh từ bi của một chính quyền từ vua cho tới quan và các tướng lĩnh cao cấp nhất đều là những Phật tử. Mặt khác, hành động ấy cũng biểu lộ một chính sách “ngoại giao cây tre” của Đại Việt, cố gắng tránh mọi nguy cơ đưa đến chiến tranh và phát huy hết sức mọi vận hội cho việc củng cố một nền hòa bình lâu dài. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, trước mắt, việc thả những tù binh này đã tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ ngoại giao của Đại Việt với Bắc quốc. Sự thật, sau khi thả tù binh Bắc quốc vào tháng Giêng, thì tháng Hai nhà Nguyên sai Hợp Tản Nhi Hải Nha sang Đại Việt. Chúng lại âm mưu thôn tính Đại Việt. Vua Trần Nhân Tông lại đối đầu với nguy cơ lớn từ phương Bắc”.

Sử liệu ghi: Giúp họ Trần nắm quyền cai trị thiên hạ, Phùng Tá Chu là bậc công thần phụng sự triều Lý - Trần nhưng có công hưng nghiệp nhà Trần lại giúp Trần Thái Tông củng cố ngôi vua giữ yên bờ cõi. Phùng Tá Chu (sinh tại làng Mỹ Xá, tổng Thanh Triều, huyện Ngự Thiên, nay là tổ dân phố Mẽ, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà) là người lớn tiếng với cựu thần nhà Lý, lấy gương Lữ Hậu, Võ Hậu làm vua để tôn phò Lý Chiêu Hoàng, tạo dựng vở kịch truyền ngôi cho vương triều Trần. Thái Tông (Trần Cảnh) lên ngôi đã phong ông chức Thái phó phụ chính là việc chưa từng có trong lịch sử đủ biết Thái Tông phục tài và trọng vọng Phùng Tá Chu đến mức nào.

Quang Viện