Thứ 7, 23/11/2024, 12:52[GMT+7]

Nhà khoa học Việt làm thiết bị cảnh báo nguy cơ phóng xạ

Thứ 3, 15/08/2023 | 10:58:36
2,361 lượt xem
Hệ thống cảnh báo sớm của nhóm nghiên cứu Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (INST) giúp cung cấp dữ liệu chính xác, hỗ trợ kiểm soát sự cố phóng xạ.

Hệ thống VinaERMS-INST lắp đặt tại trạm khí tượng Mai Pha, Lạng Sơn tháng 7/2022.

Hệ thống được ông Nguyễn Đức Tuấn, đại diện nhóm nghiên cứu, trình bày tại phiên báo cáo chuyên đề về ghi đo bức xạ và mạng quan trắc cảnh báo sớm phóng xạ môi trường ở Việt Nam, trong khuôn khổ Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 15, diễn ra từ ngày 9-11/8 tại TP Nha Trang.

Ông Tuấn cho biết, hệ thống VinaERMS-INST được ông và cộng sự thiết kế đặt trong mạng lưới quan trắc phóng xạ môi trường quốc gia (ERMS), có thể đo suất liều gamma và hoạt động liên tục ngoài trời.

Với hai chức năng chính là đo đạc suất liều gamma và giám sát dữ liệu, VinaERMS-INST giúp nâng cao khả năng cảnh báo sớm sự cố phóng xạ, hỗ trợ các cơ quan quản lý trong việc truy xuất nguồn gốc và dự báo chiều hướng lan truyền phóng xạ tại địa phương.

Cấu trúc của VinaERMS-INST gồm tổ hợp đầu dò bù trừ năng lượng, có phạm vi đo suất liều phóng xạ rộng từ mức phông phóng xạ tự nhiên cho đến 1Sv/h. Số liệu này giúp chỉ ra những thay đổi nhỏ trong mức độ phóng xạ tự nhiên và đo suất liều cao, từ đó có thể cảnh báo sớm sự cố phóng xạ. Tất cả đầu dò phóng xạ và các khối điện tử chức năng được đặt trong hộp bảo vệ đạt chuẩn IP-66.

Hệ thống có thể hoạt động độc lập, liên tục ngoài trời không phụ thuộc vào điện lưới mà chỉ dựa vào nguồn năng lượng mặt trời và ắc quy dự phòng.

Ông Tuấn cho biết, để truy cập và điều khiển hệ thống, người dùng chỉ cần sử dụng một thiết bị thông minh như máy tính, tablet hay điện thoại di động có kết nối Internet.

Với chức năng giám sát dữ liệu, số liệu đo đạc trên hệ thống theo thời gian thực sẽ được lưu trữ trong thẻ nhớ SD card và hiển thị trên màn hình LED hoặc tinh thể lỏng. Công nghệ IoT (Internet of thing) được áp dụng để ghi nhận dữ liệu truyền về từ trạm quan trắc qua mạng GSM/wifi/4G/3G/GPRS và lưu trữ trên máy chủ đám mây, cũng như truyền thông tin đến người dùng từ trung tâm điều hành.

Mô hình cũng có thể được trang bị các cảm biến thời tiết như nhiệt độ, độ ẩm, áp suất khí quyển và lượng mưa, nhằm cung cấp thông tin cho người dùng về mối liên hệ giữa suất liều phóng xạ môi trường ghi nhận được với số liệu thời tiết tại vùng đo.

Theo nhóm nghiên cứu, VinaERMS-INST đưa ra giá trị liều lượng phóng xạ tại điểm quan trắc với độ chính xác cao. Hệ thống được sản xuất trong nước nên có thể chủ động trong việc vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa mạng lưới quan trắc phóng xạ môi trường quốc gia. Giá chỉ bằng 2/3 so với hệ thống nhập ngoại cùng chức năng.

Từ nguồn kinh phí của các dự án tăng cường trang thiết bị, thông qua đề tài nghiên cứu và tài trợ của Hàn Quốc, Nhật Bản... hiện INST lắp đặt 12 hệ thống ERMS tại một số tỉnh thành Việt Nam. Trong đó có 7 hệ thống Fuji (Nhật Bản) tại Lạng Sơn, Hải Phòng, Móng Cái, Bãi Cháy, Lào Cai, Cao Bằng, Nghệ An và 5 hệ thống Sara (Envinet, Đức) tại Sơn La, Đà Nẵng, Hà Nội và đảo Bạch Long Vĩ.

Ông Tuấn cho biết, thời gian tới nhóm nghiên cứu sẽ nâng cấp thiết bị thêm tính năng ghi đo phổ bức xạ thay vì chỉ cường độ, để có thể phát hiện được các đồng vị nhân tạo trong môi trường. Hệ thống cũng được kỳ vọng có thể tích hợp với việc thu thập dữ liệu khí tượng từ các cảm biến như nhiệt độ, độ ẩm, áp suất khí quyển và lượng mưa để quan sát biến động môi trường.

Theo vnexpress.net