Chủ nhật, 24/11/2024, 00:08[GMT+7]

Hướng tới sản xuất lúa hữu cơ ở Nam Cường

Thứ 4, 30/08/2023 | 09:37:34
2,454 lượt xem
Nhận thấy nông nghiệp sạch, nông nghiệp tuần hoàn là hướng đi bền vững trong sản xuất, với sự giúp đỡ của Hiệp hội Gia cầm và Trang trại nông nghiệp Thái Bình, Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), HTX SXKD DVNN xã Nam Cường đã mạnh dạn áp dụng mô hình sản xuất lúa hữu cơ, bước đầu mang lại những kết quả tích cực.

Ông Vũ Văn Toàn (người bên trái), xã Nam Cường (Tiền Hải) cấy thử nghiệm 1,3 mẫu lúa theo hướng hữu cơ kết hợp nuôi tôm.

Là địa phương có diện tích gieo cấy lúa ít (71,3ha) song người dân xã Nam Cường đang dần có tư tưởng bỏ ruộng do giá vật tư nông nghiệp tăng cao, hiệu quả sản xuất thấp cùng với vùng đất sản xuất lúa bị chua, mặn, khó canh tác. Nhận thấy việc sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp tuần hoàn là hướng đi bền vững, có thể tận dụng các phế phụ phẩm nông nghiệp và lượng phân chuồng lớn có sẵn tại địa phương, HTX SXKD DVNN xã Nam Cường đứng ra thuê, mượn lại ruộng của thành viên với diện tích 2ha xây dựng mô hình sản xuất lúa hữu cơ. 

Ông Vũ Văn Tường, Phó Giám đốc HTX cho biết: Với mong muốn xây dựng sản phẩm gạo đặc thù của địa phương, nâng cao giá trị sản xuất lúa, HTX đã phối hợp với một số đơn vị triển khai mô hình sản xuất lúa hữu cơ. Theo đó, chúng tôi sử dụng chế phẩm vi sinh trong xử lý rơm rạ, sâu bệnh, ủ phân thay thế cho phân bón hóa học. Bên cạnh đó, chúng tôi tận dụng cá vụn sẵn có tại địa phương ủ cùng chế phẩm vi sinh, đường, chuối chín và nhiều thành phần khác để chuyển hóa sang dạng axitamin giúp cây dễ hấp thụ, thay thế đạm u rê. Ngoài ra, khâu diệt chuột, ốc bươu vàng, trừ cỏ được làm hoàn toàn thủ công. Qua 3 vụ sản xuất, chúng tôi nhận thấy, áp dụng phương pháp hữu cơ, chất đất trồng lúa không còn chai cứng mà mềm mịn, tơi xốp. Đặc biệt, trên ruộng xuất hiện nhiều tôm, cá, cua, giun, dế. Hơn nữa, gạo sản xuất theo hướng hữu cơ được khách hàng đánh giá thơm ngon, vị đậm hơn nhiều so với cùng giống lúa gieo cấy đại trà. Tuy tốn công làm cỏ (15 công/ ha/lần x 2 lần/vụ), công bắt ốc bươu vàng trước khi cấy (10 công/ha), lúa trong những vụ đầu cải tạo đất năng suất không cao như sản xuất đại trà nhưng với những biện pháp sản xuất tập trung và chuyên nghiệp cho sản phẩm sạch, an toàn nên hiệu quả kinh tế vẫn bảo đảm cho HTX phát triển và nhân rộng mô hình. 

Là vụ đầu tiên áp dụng kỹ thuật canh tác lúa theo hướng hữu cơ do HTX chuyển giao, ông Vũ Văn Toàn, thôn Hoàng Môn mạnh dạn kết hợp nuôi tôm để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích. Để bảo đảm cho lúa - tôm phát triển hài hòa, xung quanh ruộng lúa, ông Toàn cấy cách bờ từ 3 - 5m. Phần ruộng quanh bờ không cấy được ông Toàn đào sâu từ 0,7 - 1m để tạo không gian cho tôm khi rút nước trên ruộng lúa. 

Để bảo đảm cho lúa – tôm phát triển hài hoà, xung quanh ruộng lúa, ông Toàn cấy cách bờ từ 3 – 5m.

Ông Toàn chia sẻ: Trong xu thế hiện nay, mô hình này không chỉ tạo ra sản phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe của người tiêu dùng mà về lâu dài còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải tạo đất và nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng, giá trị sản phẩm và giảm chi phí đầu tư trong sản xuất. Ở vụ đầu tiên thử nghiệm, tôi cấy 1,3 mẫu ruộng kết hợp nuôi thả tôm, áp dụng nghiêm ngặt quá trình sản xuất lúa hữu cơ như: không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, chất cấm trong sản xuất. Tôm được nuôi ương khoảng 1 tháng trước khi thả ruộng lúa, do vậy đến nay sau 2 tháng nuôi thả, tôm phát triển đều, khỏe mạnh, đạt trọng lượng từ 130 - 150 con/kg. Dự kiến tôm cho thu hoạch sau 2 tháng nữa. 

Tín hiệu vui cho HTX SXKD DVNN xã Nam Cường khi vùng sản xuất của HTX vừa được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. 

Ông Vũ Văn Tường, Phó Giám đốc HTX cho biết thêm: Chứng nhận VietGAP là “giấy thông hành” để HTX tiến tới xây dựng mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý cũng như xây dựng thương hiệu gạo. Đây cũng chính là sự khích lệ, động viên để HTX tiếp tục con đường sản xuất lúa hữu cơ bởi để được công nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ đòi hỏi thời gian và tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình, kỹ thuật nhất định. Từ những thành công bước đầu của mô hình, năm 2024, HTX dự kiến sẽ chuyển giao kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất lúa an toàn lên 20ha tập trung tại thôn Hoàng Môn. Chúng tôi mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các cấp, ngành trong trang bị máy móc phục vụ bảo quản, sơ chế, củng cố năng lực để HTX có thể đứng ra liên kết, bao tiêu sản phẩm cho thành viên, tạo dựng thành công thương hiệu gạo Nam Cường.


Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày