Thứ 2, 18/11/2024, 00:21[GMT+7]

Hành động quyết liệt bứt phá vươn lên

Thứ 7, 02/09/2023 | 07:46:06
3,617 lượt xem
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo, phát huy hiệu quả nhiều tiềm năng, lợi thế, khơi dậy mạnh mẽ các nguồn lực, triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều nhiệm vụ, giải pháp và đạt được những kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Đây là nền tảng quan trọng để hiện thực hóa khát vọng xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra.

Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy báo cáo với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ những kết quả nổi bật của Thái Bình sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (ngày 20/7/2023).

Hành động quyết liệt

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX xác định mục tiêu tổng quát cho cả nhiệm kỳ 2020 - 2025 đó là: Phát huy thành quả và kinh nghiệm của các nhiệm kỳ qua, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát triển kinh tế nhanh và bền vững gắn với bảo vệ môi trường, chú trọng phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Phấn đấu xây dựng Thái Bình đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá, đến năm 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu và đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Để thực hiện mục tiêu quan trọng này, Nghị quyết đã đề ra 23 chỉ tiêu cùng các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Bám sát mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thái Bình đã kịp thời rà soát, bổ sung, cụ thể hóa các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX thành các nghị quyết chuyên đề, chương trình, đề án, kế hoạch, quy hoạch… quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện. Bám sát 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá phát triển của tỉnh, Thái Bình ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng về: phát triển đô thị, tích tụ ruộng đất, phát triển nông nghiệp hàng hóa, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng kết cấu hạ tầng Khu kinh tế và các khu, cụm công nghiệp, thu hút đầu tư; tập trung tháo gỡ những “nút thắt”, “điểm nghẽn”, khuyến khích các ngành kinh tế có tiềm năng, lợi thế phát triển... nhằm tạo ra những giá trị mới cho nền kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo trung ương và tỉnh Thái Bình tham quan quy hoạch phân khu bắc khu công nghiệp Liên Hà Thái (ngày 27/4/2023).

Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhiều lần khẳng định: Thái Bình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX trong điều kiện có nhiều khó khăn thách thức, có những khó khăn chưa từng có tiền lệ, vượt ngoài khả năng dự báo. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, đại dịch Covid-19 bùng phát, gây ảnh hưởng nặng nề đến thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Có thời điểm những mục tiêu, khát vọng phát triển kinh tế phải đặt sau nhiệm vụ ưu tiên cấp bách là bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân. Khi “mục tiêu kép” được triển khai hiệu quả, dịch bệnh dần được kiểm soát, kinh tế có dấu hiệu phục hồi thì Thái Bình lại phải đối mặt với những áp lực lớn là hệ lụy của xung đột, lạm phát từ bên ngoài. Nhưng càng trong khó khăn, cấp ủy tỉnh càng thể hiện tinh thần đoàn kết, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, thay đổi tư duy, có những cách làm mới, bài bản, sáng tạo mang lại hiệu quả rõ rệt, tạo bước phát triển ấn tượng trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế liên tục đạt mức tăng trưởng khá, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô và tiềm lực nền kinh tế không ngừng được nâng lên. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn luôn nằm trong nhóm cao của khu vực: Năm 2021 tăng 7,25%; năm 2022 tăng 9,52% (đứng thứ 6/11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố trong cả nước); 6 tháng đầu năm 2023 tăng 7,77% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn bình quân cả nước, đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố của cả nước và đứng thứ 5/11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng. Quy mô nền kinh tế năm 2022 tăng 12,6% so với năm 2021, gấp 2 lần so với năm 2016, đứng thứ 22/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 58,9 triệu đồng, tăng 12% so với năm 2021 và gấp 1,9 lần so với năm 2016. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh luôn thuộc tốp đầu cả nước. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đến năm 2022 đạt 55.895 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2021, gấp 1,4 lần so với năm 2016.

Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh chung vui cùng nhân dân tại ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy (ngày 16/8/2023).

Nông nghiệp, nông thôn là bệ đỡ

Trong lĩnh vực nông nghiệp đã hình thành nhiều mô hình liên kết sản xuất, cách làm mới trên những “cánh đồng cũ”, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống của người nông dân. Ông Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Đến nay, toàn tỉnh có 2.648 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện tích tụ, tập trung đất đai tại các huyện với tổng diện tích 11.216ha, gấp 1,5 lần cả về số hộ và diện tích so với năm 2021. Tích tụ, tập trung đất đai giúp giảm diện tích ruộng bỏ hoang, giảm chi phí bình quân 2 triệu đồng/ha, hiệu quả kinh tế cao hơn 1,4 lần so với sản xuất thông thường, mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp là sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Từ tích tụ ruộng đất đã thay đổi trong tư duy của người nông dân Thái Bình từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp, trong đó Câu lạc bộ Đại điền là một điển hình. 

Theo bà Trần Thị Lanh, xã Bình Minh (Kiến Xương), Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ: Đến nay, Câu lạc bộ thu hút 240 thành viên tham gia gồm những hộ tích tụ từ 5ha trở lên và đều có chung chí hướng đó là thực hiện khát vọng làm giàu từ nông nghiệp. Câu lạc bộ không chỉ giúp các thành viên chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, liên kết trong hỗ trợ máy móc, tiêu thụ sản phẩm mà còn là cầu nối giữa thành viên với các đơn vị, doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, doanh nghiệp thu mua lúa gạo, hình thành chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ. Lợi nhuận bình quân của thành viên Câu lạc bộ đạt khoảng 450 triệu đồng/năm, cá biệt có những hộ thu lãi hàng tỷ đồng mỗi năm.

Nông nghiệp phát triển tạo nội lực cho kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Đến nay, Thái Bình có 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Diện mạo các vùng quê có sự đổi thay toàn diện theo hướng văn minh, hiện đại. 

Ông Nguyễn Tiến Minh, Bí thư Đảng ủy xã Thụy Liên (Thái Thụy) chia sẻ: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thụy Liên có bước phát triển đột phá, hoàn thành những nhiệm vụ, mục tiêu chưa từng có trong tiền lệ. Gần 3.300 lượt hộ gia đình, công ty, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc 9/9 thôn đồng thuận chủ trương, bàn giao trên 430ha đất các loại, di chuyển 1.685 ngôi mộ tạo mặt bằng sạch triển khai dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Liên Hà Thái. Xã cũng đầu tư hàng chục tỷ đồng, huy động nguồn xã hội hóa hàng tỷ đồng xây dựng hạ tầng, phát triển sản xuất về đích nông thôn mới nâng cao năm 2022. Từ đầu năm 2023 đến nay, nhân dân tiếp tục hiến 1.867mđất, tháo dỡ nhiều công trình trên đất phục vụ giải phóng mặt bằng mở rộng các tuyến đường, xây dựng rãnh thoát nước trong khu dân cư. Về Thụy Liên hôm nay, làng như phố, hạ tầng được đầu tư khang trang, hiện đại, đồng bộ. 

Bà Bùi Thị Sừa, thôn Cam Hòa bộc bạch: Trước đây có nằm mơ tôi cũng không nghĩ quê hương đổi mới thế này, đường mở rộng, ô tô vào đến tận sân nhà, hầu hết người trẻ đều vào làm trong khu công nghiệp. Cuộc sống của người dân Thụy Liên giờ đây chẳng kém gì thành thị.

Công ty TNHH Lotes Việt Nam sớm hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 tại khu công nghiệp Liên Hà Thái và đi vào hoạt động chỉ sau 1 năm triển khai.

Bứt phá vươn lên

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thái Bình huy động các nguồn lực triển khai xây dựng nhiều công trình, dự án trọng điểm, các tuyến giao thông kết nối vùng… mở rộng giao thương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Các cấp, các ngành tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, tham mưu thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng, thuận lợi cho nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. Tỉnh cũng đã có nhiều đổi mới trong xúc tiến đầu tư, thu hút doanh nghiệp xây dựng hạ tầng Khu kinh tế và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, tạo bước chuyển căn bản trong phát triển công nghiệp. Năm 2021, Thái Bình thu hút được 89 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký 20.041 tỷ đồng, gấp 4,5 lần so với năm 2020; năm 2022 thu hút 123 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 33.000 tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với năm 2022; 7 tháng đầu năm 2023 đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 72 dự án với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 5.605,2 tỷ đồng. Giai đoạn 2021 - 2022, toàn tỉnh có 1.965 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký trên 18.100 tỷ đồng; đặc biệt năm 2022 là năm đầu tiên vượt mốc 1.000 doanh nghiệp thành lập mới; từ đầu năm đến nay, tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 690 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 7.341,8 tỷ đồng.

Điểm nhấn trong thu hút đầu tư của Thái Bình nửa nhiệm kỳ qua phải kể đến khu công nghiệp Liên Hà Thái thuộc Khu kinh tế Thái Bình. Đây được coi là khu công nghiệp trọng điểm, tiên phong của tỉnh. Chỉ trong 2 năm 2021 - 2022, tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt vừa hoàn thành giải phóng mặt bằng vừa đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật. Đến nay, khu công nghiệp đã thu hút 12 nhà đầu tư quy mô lớn với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 1 tỷ USD. 

Ông Lê Đình Đáp, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Green i-Park đánh giá: Green i-Park đã đầu tư ở nhiều nơi nhưng đến với Thái Bình chúng tôi nhận được sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở. Với phương châm chính quyền cùng nghe, cùng làm, cùng tháo gỡ, cùng quyết tâm với doanh nghiệp nên chỉ trong 2 năm, chúng tôi đã cơ bản hoàn thiện xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư, ghi tên khu công nghiệp Liên Hà Thái trên bản đồ công nghiệp Việt Nam, đưa Thái Bình lần đầu tiên lọt tốp 10 địa phương thu hút đầu tư cao nhất cả nước.

Hiện nay, Thái Bình đang chuẩn bị các điều kiện tiếp tục triển khai các dự án khu công nghiệp như VSIP Thái Bình, dược - sinh học, Hải Long; đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08), đoạn qua tỉnh Nam Định - Thái Bình... Nửa nhiệm kỳ qua, Thái Bình cũng tạo dấu ấn mạnh mẽ trong thực hiện công tác lập quy hoạch, thẩm định và quản lý quy hoạch. Đến nay, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cơ bản hoàn thành với nhiều nét đột phá và có tư duy, tầm nhìn chiến lược, mở ra hướng phát triển mới cho tỉnh trong tương lai.

Bên cạnh những dấu ấn nổi bật trong bức tranh tăng trưởng kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng lên. Chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, liên tục, đồng bộ, quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả. Cấp ủy các cấp đã triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc, sáng tạo các nghị quyết của Trung ương, đặc biệt là Kết luận số 21 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thái Bình là tỉnh tiên phong cả nước triển khai phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử”. Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành, triển khai thực hiện có hiệu quả đề án xây dựng mô hình chi bộ kiểu mẫu, góp phần quan trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ.

Kết quả sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX là minh chứng rõ nhất về sự thống nhất trong nhận thức và hành động, tinh thần đoàn kết của toàn Đảng bộ và hệ thống chính trị, sự đồng thuận cao trong xã hội, niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền các cấp ngày càng được nâng lên. Những kết quả đó, tiếp tục nhân lên niềm tin và khát vọng mới, tạo ra khí thế mới, động lực mới để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh tiếp tục nỗ lực phấn đấu, quyết tâm thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu của nhiệm kỳ 2020 - 2025, đưa Thái Bình phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong giai đoạn tới.

Nguyễn Hình