Thứ 7, 23/11/2024, 12:40[GMT+7]

Giữ rừng cho biển thêm xanh Bảo vệ rừng vì sự phát triển bền vững

Chủ nhật, 03/09/2023 | 06:33:53
8,370 lượt xem

Rừng ngập mặn xã Nam Thịnh (Tiền Hải).

Rừng ngập mặn (RNM) bảo vệ các khu vực ven biển trước sức tàn phá của nước mặn, sóng biển vững chắc hơn bất cứ công trình bê tông nào. Do đó, Thái Bình đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm chung tay bảo vệ, duy trì hệ sinh thái ven biển.

Trong những năm qua, công tác bảo vệ và phát triển RNM tại Thái Thụy đã đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ. Diện tích rừng ven biển của huyện không ngừng gia tăng thông qua các hoạt động trồng rừng hàng năm. Có được kết quả này là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án lâm nghiệp sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn ODA. Đi đôi với phát triển diện tích RNM, huyện phối hợp với cơ quan chức năng, các tổ chức để hỗ trợ sinh kế, tạo điều kiện để nhân dân phát triển kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu. 

 Rừng ngập mặn xã Nam Thịnh (Tiền Hải).

Năm 2023, Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) đã tài trợ 30.000 cây bần giống tương đương diện tích trồng khoảng 15ha cho các xã: Thụy Trường, Thụy Xuân, Thụy Hải (Thái Thụy); Đông Hoàng (Tiền Hải). Hoạt động ý nghĩa này giúp củng cố và khép kín các đai rừng còn trống, cải thiện độ che phủ của rừng, thể hiện sự chung tay của cộng đồng, doanh nghiệp, thiết thực tham gia kế hoạch trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 – 2025.

Là một trong những người dân tham gia trồng RNM vào thời điểm đó, chị Vũ Thị Hà, thôn Tam Đồng, xã Thụy Hải, Tổ trưởng Tổ trồng rừng tại xã Thụy Hải chia sẻ: Trồng rừng đã khó nhưng làm sao để có thể chăm sóc, bảo về cây rừng sinh trưởng, phát triển tốt, nhân rộng thành “bức tường xanh” chắn sóng còn khó khăn gấp nhiều lần.

Để phong trào trồng rừng phát triển sâu rộng, những năm qua, Huyện đoàn Tiền Hải đã tích cực tham gia hưởng ứng bằng những hoạt động thiết thực, cụ thể như các phong trào, các cuộc vận động: Vì màu xanh quê hương, Ngày thứ bảy tình nguyện, Trồng và chăm sóc cây xanh. Thường xuyên tuyên truyền đến các tổ chức cơ sở đoàn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng biến đổi khí hậu. Tích cực hưởng ứng phong trào trồng cây, trồng rừng, để việc bảo vệ rừng trở thành việc làm thường xuyên của mỗi cơ sở đoàn và đoàn viên thanh niên là những tuyên truyền viên tích cực trong công tác chăm sóc, bảo vệ và trồng rừng. Hàng năm, hưởng ứng Tết trồng cây, Tháng thanh niên, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn… Huyện đoàn đều phát động đoàn viên thanh niên tham gia trồng cây và trồng rừng tại các xã ven biển.

Từ năm 2015 đến năm 2022, diện tích rừng ngập mặn ở Thái Bình tăng 539ha.

Với trên 52km bờ biển, Thái Bình chịu tác động trực tiếp của thiên tai, biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, đây cũng là lợi thế trong phát triển công nghiệp. Đặc biệt, phát triển kinh tế hướng biển là 1 trong 5 trọng tâm Thái Bình đang tập trung thực hiện, tạo bước đột phá tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Chủ trương nhất quán, xuyên suốt mà Thái Bình thực hiện là phát triển kinh tế, xã hội bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái.

Những năm qua, Thái Bình luôn kiên trì mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc, sẵn sàng từ chối các dự án lớn nếu không bảo đảm yếu tố bền vững, xâm hại môi trường. Tỉnh luôn xác định phát triển kinh tế biển phải trên cơ sở tài nguyên biển được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phục vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị của hệ sinh thái biển.

Ông Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Là một vùng đất ven biển, được hình thành bởi bãi bồi của sông Hồng, sông Thái Bình với truyền thống quai đê lấn biển, mỗi tấc đất ven biển Thái Thụy, Tiền Hải đều là mồ hôi, công sức của bao thế hệ quai đê, lấn biển mà có. Do đó, công tác trồng, bảo vệ, phát triển rừng luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đặc biệt coi trọng. Để phát triển rừng, những năm qua tỉnh đã có chủ trương và nhiều cơ chế chính sách phát triển rừng, trong đó huy động mọi nguồn lực từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn của các tổ chức nước ngoài, các nguồn vốn khác và huy động sự vào cuộc của người dân. Đến nay, tỉnh Thái Bình có 4.248ha rừng ở ven biển, tăng 539ha so với năm 2015. Độ che phủ rừng cũng tăng lên đáng kể từ 2,36% lên 2,49%. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 trồng mới 1.000 ha và trồng bổ sung thêm 500 ha. Bên cạnh đó, diện tích rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp khi chuyển mục đích sử dụng đều phải trồng rừng thay thế. Vậy nên, diện tích và chất lượng rừng ven biển của tỉnh Thái Bình không ngừng được mở rộng và nâng cao, từ đó phát huy hiệu quả phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ sản xuất, đời sống nhân dân, tạo môi trường sinh thái, môi trường sống cho các loài động vật, thực vật.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình

Giai đoạn 2021 – 2025, Thái Bình định hướng trồng 2 triệu cây ngập mặn ven biển và 6 triệu cây phân tán nội đồng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn tiếp tục nhận được sự chung tay, góp sức của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng, cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đóng góp kinh phí thực hiện chương trình trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả và độ che phủ rừng, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm môi trường xanh, bền vững.

Ông Phạm Ngọc Kế, Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải

Nhận thức được tầm quan trọng của RNM trong phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng, những năm gần đây huyện Tiền Hải đã tiếp thu và triển khai có hiệu quả nhiều dự án trồng rừng. Đi đôi với phát triển diện tích RNM, huyện phối hợp với cơ quan chức năng, các tổ chức để hỗ trợ sinh kế, xây dựng các tổ quản lý, bảo vệ RNM, cùng với đội dân quân biển ở các xã ven biển thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng để nắm bắt thông tin, phát hiện và xử lý tình trạng xâm hại RNM.

Ông Nguyễn Văn Quế, Thành viên Đội Bảo vệ rừng xã Nam Thịnh (Tiền Hải) 

Tham gia đội bảo vệ rừng, chúng tôi được giao chịu trách nhiệm về diện tích, địa điểm từng lô, khoảnh cụ thể. Khi tiến hành bàn giao quản lý, các ngành chức năng, địa phương cũng hướng dẫn chi tiết, cụ thể về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan, giao hiện trạng diện tích tại thực địa. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nhận thức của người dân về vai trò, ý nghĩa RNM chuyển biến rõ rệt. Nhiều năm nay, trên địa bàn xã Nam Thịnh không có trường hợp nào vi phạm về chặt phá, lấn chiếm đất rừng. 



 Lưu Ngần - Trần Tuấn