Chủ nhật, 10/11/2024, 09:50[GMT+7]

Đối thoại tạo niềm tin Kỳ 3: Đi đến tận cùng vấn đề, giữ chữ “tín” với dân

Thứ 4, 20/09/2023 | 08:49:30
9,654 lượt xem
Đối thoại là giải pháp trực tiếp giải quyết các kiến nghị, giải tỏa căng thẳng, bức xúc của người dân. Yếu tố mấu chốt của đối thoại là những kết luận, lời hứa trước dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải được thực hiện kịp thời, hiệu quả. Tuy nhiên, một số cuộc đối thoại vẫn chưa đi đến tận cùng vấn đề người dân kiến nghị, tiến độ giải quyết một số vụ việc sau tiếp xúc, đối thoại chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân.

Người dân xã Đông Đô (Hưng Hà) phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc, đối thoại với đồng chí Chủ tịch UBND huyện.

Đối với các vấn đề phức tạp, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải trực tiếp vào cuộc chỉ đạo giải quyết, đôn đốc, giám sát thì mới có kết quả tốt.

Đồng chí Ngô Đông Hải,
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy


Chuyển biến sau đối thoại

Nếu như các năm trước, người dân xã Đồng Tiến (Quỳnh Phụ), nhất là người dân hai thôn Cổ Đẳng và Quan Đình Nam phải sống chung với mùi xú uế từ trang trại nuôi lợn của Công ty TNHH Chăn nuôi Thái Thụy (thuộc Tập đoàn Hòa Phát) nằm trên địa bàn xã Thụy Duyên (Thái Thụy) thì năm nay mùi hôi giảm hẳn. 

Bà Nguyễn Thị Mỗi, Bí thư Chi bộ thôn Quan Đình Nam cho biết: Từ khi trang trại nuôi lợn đi vào hoạt động đã gây ô nhiễm, đặc biệt là vào thời điểm mùa hè, thời tiết nắng nóng kết hợp với mùi xú uế từ trại nuôi lợn của Công ty bốc ra khiến đời sống người dân bị đảo lộn. Mùi hôi thối khiến người dân không nuốt nổi cơm, đi ngủ đóng kín phòng mà vẫn không giảm. Sau nhiều lần kiến nghị, các cấp, các ngành đã vào cuộc, đặc biệt lãnh đạo huyện đã trực tiếp về tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe ý kiến của người dân, trên cơ sở đó có giải pháp chỉ đạo khắc phục. 5 tháng trở lại đây tình trạng ô nhiễm giảm hẳn. 

Nhưng theo ông Hà Huy Huyên, thôn Cổ Đẳng, hiện nay thỉnh thoảng khu dân cư vẫn bị ảnh hưởng bởi mùi hôi bốc ra từ trang trại, tuy nhiên mỗi đợt chỉ kéo dài khoảng 20 - 30 phút, so với trước thì giảm rất nhiều. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị trước khi có biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng này thì phải duy trì được như hiện nay để người dân không còn phải khổ sở như trước nữa.

Còn với người dân thôn Trà Đoài, xã Quang Trung (Kiến Xương), kể từ sau cuộc đối thoại với đồng chí Chủ tịch UBND huyện năm 2022 tình trạng ô nhiễm môi trường từ các bãi rác xung quanh địa bàn thôn đã có chuyển biến, tuy nhiên không đáng kể. 

Theo ông Nguyễn Văn Tô, Bí thư Chi bộ thôn: Xung quanh địa bàn thôn có 5 bãi rác của địa phương và các xã lân cận, trong đó có bãi rác cách khu dân cư chưa đầy 200m, ảnh hưởng rất nhiều tới đời sống của người dân. Sau khi kiến nghị với đồng chí Chủ tịch UBND huyện, tình hình đã có sự cải thiện. Riêng các bãi rác của xã Quang Trung và xã Quang Minh nhờ thực hiện tốt việc phân loại rác thải tại nguồn đồng thời thu gom đến đâu xử lý đến đó không để tồn đọng, chất đống nên đã hạn chế ảnh hưởng tới môi trường xung quanh. Tuy nhiên, việc bãi rác ở khá gần khu dân cư nên khi tiến hành đốt rác mùi hôi và khói vẫn ảnh hưởng tới người dân. Do vậy, chúng tôi đề nghị trong thời gian tới huyện có biện pháp xử lý dứt điểm, đặc biệt là di dời bãi rác của xã Quang Minh bảo đảm khoảng cách theo đúng quy định với khu dân cư để không ảnh hưởng đến không khí, sức khỏe của người dân trong thôn.

Hai huyện Quỳnh Phụ, Thái Thụy tổ chức buổi làm việc tìm biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại xã Đồng Tiến (Quỳnh Phụ) do ảnh hưởng từ trang trại nuôi lợn của Công ty TNHH Chăn nuôi Thái Thụy (thuộc Tập đoàn Hòa Phát) nằm trên địa bàn xã Thụy Duyên (Thái Thụy).

Đi đến tận cùng vấn đề, giữ chữ “tín” với dân

Có nhiều lý do dẫn đến việc giải quyết các nội dung sau đối thoại còn chậm là những bất cập về quy trình, thủ tục theo luật định. Việc tháo gỡ bất cập này cần thời gian và sự chủ động, quyết liệt thực hiện của chính quyền địa phương cùng các đơn vị có trách nhiệm liên quan. Bên cạnh đó, việc chưa thực sự quyết liệt, sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền dẫn đến tiến độ giải quyết các vấn đề còn chậm hoặc chưa triệt để, điều này đã ảnh hưởng đến niềm tin, sự kỳ vọng của người dân.

Cũng tại nhiều buổi tiếp xúc, đối thoại, vấn đề trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn trong việc chậm trễ xử lý nội dung phản ánh của nhân dân cũng đã được phản ánh, kịp thời “mổ xẻ” để xác định nguyên nhân, tìm hướng giải quyết. 

Theo ông Hà Văn Khánh, Bí thư Đảng ủy xã Đông Đô (Hưng Hà): Trong đối thoại, khi đã có sự thống nhất chung thì phải giữ chữ “tín” với dân, theo đuổi đến cùng để giải quyết thấu đáo các vấn đề bởi việc đối thoại không chỉ nhằm giải quyết một công việc cụ thể mà trên hết đó là củng cố niềm tin của nhân dân với cấp ủy, chính quyền. Khi đối thoại phải lắng nghe hết ý kiến để tìm hiểu nguyên nhân và chia sẻ khó khăn với nhân dân. Cái gì làm được thì trả lời làm được, cái gì chưa làm được thì trả lời và xin lỗi dân là chưa làm được, cái gì phải xin ý kiến, chủ trương cấp trên, thuộc cơ chế, chính sách phải giải thích rõ ràng; đồng thời, bộc bạch suy nghĩ, mong muốn của mình để nhân dân hiểu, chia sẻ với cấp ủy, chính quyền, vì mục tiêu phát triển chung của địa phương.

Vì vậy, sau mỗi buổi tiếp xúc, đối thoại, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ngoài trực tiếp vào cuộc chỉ đạo giải quyết cần thường xuyên đôn đốc, giám sát quá trình thực hiện, đi đến tận cùng vấn đề, có như vậy vấn đề mới được giải quyết dứt điểm, triệt để. Từ đó nhân dân sẽ ngày càng tin tưởng vào cấp ủy, chính quyền, các nhiệm vụ chính trị của địa phương khi triển khai nhân dân sẽ đồng thuận, ủng hộ hết mình.

Người dân xã Quang Trung (Kiến Xương) kiến nghị các cơ quan chức năng khắc phục bờ sông Lâm Giang bị sạt lở để người dân yên tâm sản xuất nông nghiệp.

(còn nữa)

Đào Quyên - Thu Thủy

Tác phẩm tham dự giải Búa liềm vàng lần thứ VIII - năm 2023.


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày